Gạo Việt Nam: Tự tin đáp ứng tiêu chuẩn EU
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - chia sẻ về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang tạo điều kiện cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu (XK) sang thị trường EU.
Đặc biệt, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các doanh nghiệp (DN) cùng hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương đã giúp gạo Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn rất khắt khe của thị trường này.
Xin ông cho biết một số đánh giá về tình hình XK gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm?
Ngay từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 và thiên tai dịch bệnh đã tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành gạo nói riêng. Cụ thể, tâm lý tiêu dùng của người dân bị ảnh hưởng, các quốc gia tăng dự trữ thu mua, khiến nhu cầu gạo tăng cao.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã điều hành linh hoạt hoạt động XK gạo, thực hiện đúng theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh XK gạo và Luật Quản lý ngoại thương. Nhờ đó, đã tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân, đảm bảo nguồn tiêu dùng trong nước, có lượng XK ổn định về giá.
Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, XK gạo đã đạt 4,61 triệu tấn, tăng 0,6% về lượng và 13% về giá trị, sang 150 thị trường và khu vực thị trường. Trong đó, châu Á vẫn là khu vực thị trường trọng điểm, chiếm trên 60% tổng kim ngạch XK gạo; châu Phi 19%; châu Âu 2%...
Cơ cấu chủng loại gạo cũng dần có sự thay đổi, từ sản xuất, XK các sản phẩm cấp thấp, cấp trung bình sang các sản phẩm cấp cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thế giới.
Có thời điểm lượng gạo XK tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước. Theo ông, nguyên nhân do thiếu cung hay chất lượng gạo XK đã được cải thiện?
Theo tôi do cả 2 yếu tố. Về cung, ngay từ những tháng đầu năm, ảnh hưởng của Covid-19 và thiên tai, tác động dịch bệnh đã ảnh hưởng, làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng của người dân các nước và nguồn dự trữ các quốc gia nên lượng XK gạo tăng cao.
Ngoài ra, về chất lượng, do có sự điều chỉnh trong sản xuất lúa gạo, có sự chuyển đổi từ sản phẩm chất lượng thấp, chất lượng trung bình sang chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng những quốc gia khó tính như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… nên giá trị XK cũng tăng cao.
Theo cam kết, EU sẽ cấp hạn ngạch cho 80.000 tấn gạo Việt Nam khi EVFTA đã có hiệu lực, việc xuất khẩu của DN có gì thay đổi so với trước đây không, thưa ông?
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm ta XK sang thị trường EU khoảng 100.000 tấn gạo. Hiện nay, theo cam kết EVFTA, phía bạn dành cho ta mức hạn ngạch 80.000 tấn/năm miễn thuế.
Khi Việt Nam tham gia EVFTA, các điều kiện tiêu chuẩn mà EU áp cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có gạo là rất cao, kể cả về quy định an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sản phẩm… Bên cạnh đó, theo Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm XK sang EU, DN muốn XK gạo thơm vào EU phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn giống; phải có diện tích vùng trồng, địa điểm sản xuất đáp ứng yêu cầu; có các biên bản kiểm tra, đánh giá chất lượng từng lô hàng ở từng thời điểm kiểm tra để có thể XK hàng hóa vào các thị trường này... Thông qua đó, DN đã có sự thay đổi, cải thiện về quá trình sản xuất để đáp ứng được tiêu chuẩn của EU, nên chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường EU mà còn nhiều thị trường khó tính khác.
Việc giảm thuế suất cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt Nam trên thị trường EU so với các sản phẩm của các nước khác, những thương hiệu gạo khác. Chúng tôi hy vọng, hạn ngạch này sẽ giúp tăng lượng XK gạo Việt Nam vào thị trường EU cũng như thúc đẩy nhiều DN trong nước tham gia XK gạo vào thị trường này. Đồng thời, thúc đẩy DN đầu tư, nghiên cứu, sản xuất nhiều chủng loại gạo khác để được XK vào EU, ngoài 9 loại gạo đã được thị trường này cho phép.
Khả năng của DN Việt Nam hiện nay có đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường EU không , thưa ông?
Để được XK, các thương nhân Việt Nam phải đáp ứng một số tiêu chuẩn được quy định rõ. Đơn cử như Nghị định 107 về kinh doanh XK gạo đã quy định chặt chẽ việc thương nhân XK gạo phải có được cơ sở sản xuất, chế biến; phải đầu tư vùng trồng, liên kết chặt chẽ với bà con nông dân và các quy trình canh tác chặt chẽ để đưa ra các sản phẩm chất lượng cao vào các thị trường khó tính… Do đó, với các điều kiện của thị trường EU, tôi tin rằng DN của chúng ta có thể đáp ứng được.
Chưa kể, năm 2019, gạo ST25 của Việt Nam đã đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, khẳng định chất lượng giống gạo của Việt Nam. Bên cạnh đó, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ DN phát triển ngành nghề lúa gạo. Như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đề án phát triển thương hiệu gạo Việt. Các địa phương cũng đã quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất; tạo chuỗi liên kết giữa hợp tác xã, hộ nông dân với các nhà sản xuất, XK nên đến nay, các quy trình sản xuất của thương nhân rất chặt chẽ, tạo ra nguồn gạo chất lượng và có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gao-viet-nam-tu-tin-dap-ung-tieu-chuan-eu-144901.html