Gặp chủ tàu cá, quyết liệt triển khai cao điểm 180 ngày chống khai thác IUU

Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang tổ chức gặp gỡ, trao đổi với 20 chủ tàu cá, đại diện cho các chủ tàu cá ở TP Rạch Giá, cùng tìm giải pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, chấm dứt việc đưa tàu cá đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài.

Đây là một trong những nội dung trọng tâm mà Ban chỉ đạo IUU của tỉnh triển khai thực hiện trong đợt cao điểm 180 ngày. Tỉnh kêu gọi bà con ngư dân cùng đồng hành với địa phương khắc phục triệt để tình trạng vi phạm IUU, không chỉ để khôi phục kinh tế mà còn để nâng cao hình ảnh trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế.

TP Rạch Giá là địa phương có số lượng tàu khai thác thủy sản nhiều nhất tỉnh Kiên Giang với gần 2.000 tàu cá, chiếm gần phân nửa lượng tàu của cả tỉnh. TP Rạch Giá rất tự hào khi có đội tàu hùng hậu và có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế cho thành phố.

Tuy nhiên, những năm gần đây nghề khai thác thủy sản gặp khó khăn khi khai thác kém hiệu quả do chi phí xăng dầu, ngư lưới cụ và chi phí khác đều tăng trong khi nguồn lợi thủy sản ngày một suy giảm, nhiều chuyến đánh bắt thua lỗ. Theo bà Trần Thị Lý, chủ tàu cá ở phường Vĩnh Quang, thời gian qua không riêng gì nguyên liệu mà tất cả sở hụi đều tăng từ 15-25%, riêng ngư lưới cụ tăng 30% nên ngư dân vô cùng khó khăn. Bản thân bà làm nghề đánh bắt hơn 30 năm, vì yêu nghề bám biển nên không thể bỏ nghề mà cũng không thể để tàu đậu trên bờ vì các đồ nghề sẽ bị rỉ sét, hư hao.

Ban chỉ đạo IUU của tỉnh Kiên Giang gặp gỡ, trao đổi với 20 chủ tàu cá, tại TP Rạch Giá.

Ban chỉ đạo IUU của tỉnh Kiên Giang gặp gỡ, trao đổi với 20 chủ tàu cá, tại TP Rạch Giá.

“Mỗi cặp tàu đóng và trang thiết bị để đi làm hơn 10 tỷ đồng nhưng bây giờ trị giá xuống chỉ còn 5-6 tỷ đồng mà người ta còn không mua. Chúng tôi cũng khuyên răn tài công của mình đi làm không được đi ngoài phạm vi cho phép nhưng ra ngoài khơi là quyền của anh em. Tôi ở nhà làm sao được đây, hổng lẽ về mỗi chuyến tôi đuổi mỗi ông tài công. Tôi mà đuổi ổng thì tôi phải làm lại tất cả đồ nghề trên 1 tỷ bạc mới cho anh em khác đi làm được. Nỗi khó khăn này chủ tàu tụi tui rất trăn trở nhưng không biết phải làm sao” - bà Trần Thị Lý chia sẻ.

Còn ông Phan Quốc Việt, một chủ tàu ở phường An Bình có 2 cặp tàu cho biết, tài công nói thẳng nếu không cho đi đánh bắt vùng biển nước ngoài thì họ không làm nên hiện nay cả 4 tàu cá không có tài công nên phải đậu bờ.

“Cho đi nước ngoài thì đi còn không cho đi thì tài công nghỉ. Tôi bây giờ đậu tàu ở nhà nghỉ hết rồi, còn ngân hàng thì tới tháng siết tiền chứ không bao giờ hỗ trợ được cái gì hết” - ông Phan Quốc Việt nói.

Đánh bắt thua lỗ, nhiều chủ tàu rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, tài sản, nhà cửa, đều cầm cố thế chấp ngân hàng. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều đối tượng tài công vì lợi ích kinh tế bất chấp vi phạm pháp luật để đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.

Tặng quà cho các chủ tàu cá tại TP Rạch Giá.

Tặng quà cho các chủ tàu cá tại TP Rạch Giá.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá đại diện cho các chủ tàu cá trên địa bàn TP Rạch Giá cho rằng muốn tháo gỡ nhanh trong thời điểm này thì cần phải có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi cho bà con ngư dân để bà con không bị áp lực phải mang tàu đi đánh bắt dẫn đến vi phạm. Hiện nay bà con không thể thế chấp con tàu mà phải thế chấp nhà cửa, đất đai mới được vay vốn để tiếp tục bám biển làm nghề nhưng lãi suất hiện nay quá cao cũng là một trong những áp lực mà chủ tàu cá phải đối mặt.

Ông Trương Văn Ngữ cũng kiến nghị cần sửa luật ngay, phải có chế tài nghiêm hoặc xử lý hình sự các tài công khi vi phạm đưa tàu ra nước ngoài đánh bắt bởi vì chủ yếu tài công là người cố tình đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài nhưng chủ tàu cá lại là người phải chịu trách nhiệm thì khó mà ngăn chặn được vi phạm. Về lâu dài, tỉnh cần phải có biện pháp để triệt bỏ cào bờ, xiệp mé vì đây là hình thức đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản rất lớn nhưng lại có nơi tiêu thụ rất mạnh, đó là các cơ sở chế biến bột cá.

“Muốn tháo gỡ thẻ vàng chúng ta phải tập trung làm sao ngăn ngừa cho được vấn đề cào bờ, xiệp mé bởi vì hiện nay chúng ta còn nhà máy xay bột cá nằm trên địa bàn mà vùng biển Kiên Giang có cá con, cá đẻ ở vùng biển cạn. Nếu chúng ta ngăn được khai thác hữu hiện thì tái tạo nguồn lợi thủy sản rất nhanh. Từ việc tái tạo ngư trường thì bà con ngư dân có đánh bắt hiệu quả thì không đi đánh bắt nước ngoài nữa” - ông Trương Văn Ngữ nói.

Ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU của tỉnh cho biết, trong thời gian qua Kiên Giang đã tổ chức tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định bằng nhiều hình thức nhưng tàu cá trong tỉnh vẫn đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài và bị các nước sở tại bắt giữ, xử phạt. Điều này rất nguy hiểm trong việc thực hiện các khuyến nghị của Thanh tra EC trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU.

Có thể nói một trong những lý do chưa gỡ được “thẻ vàng” suốt những năm qua là do tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép vẫn còn diễn ra. Khi bị áp “thẻ vàng”, không chỉ các mặt hàng thủy sản của Việt Nam mà các sản phẩm khác khi xuất sang nước ngoài đều bị làm khó bằng các rào cản về pháp lý, về thuế quan…

Trong năm 2022, tỉnh Kiên Giang có 11 vụ, 14 tàu, 154 ngư dân bị bắt, Kiên Giang luôn là tỉnh đứng đầu về vi phạm IUU. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Kiên Giang đã có 6 vụ, 6 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Với mong muốn các chủ tàu và ngư dân hiểu rõ hơn về quy định pháp luật, vì lợi ích chung của đất nước không vì lợi ích cá nhân ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia dân tộc, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, nâng cao hình ảnh trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ quốc tế.

Ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kêu gọi các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân từ nay tới hết tháng 5/2023 không đưa tàu đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; chấp hành nghiêm các quy định thủ tục hành chính khi tham gia khai thác thủy sản trong vùng biển được cho phép; thiết bị giám sát hành trình mở 24/24.

Tỉnh Kiên Giang cam kết sẽ có những giải pháp mang tính đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân; đồng thời kiến nghị Chính phủ có giải pháp khoanh nợ giãn nợ cho các chủ tàu chấp hành chủ trương, đồng thời xử lý nghiêm các chủ tàu cố tình vi phạm, công bố danh sách chủ tàu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/gap-chu-tau-ca-quyet-liet-trien-khai-cao-diem-180-ngay-chong-khai-thac-iuu-post1002963.vov