'Gập ghềnh' đầu tư công
Đầu tư công được xem là phần quan trọng của 'cỗ xe tam mã' (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) thúc tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Tuy nhiên, lộ trình vẫn rất gập ghềnh khi hết quý I/2021 phần lớn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới giải ngân đạt dưới 10%.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tình hình giải ngân tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 3 là hơn 66 nghìn tỷ đồng, đạt 11,7% kế hoạch. Như vậy, tỷ lệ giải ngân ước 3 tháng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.
“Ì ạch”… giải ngân
Bộ Tài Chính cho biết, đến hết quý I/2021, phần lớn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân đạt dưới 10%, trong đó có 31 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn. Chỉ có 3 bộ và 19 địa phương giải ngân đạt trên 15% kế hoạch.
Nguyên nhân được chỉ ra là do trong các tháng đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung giải ngân vốn năm 2020 song song với việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2021, dẫn đến tỷ lệ giải ngân đầu năm 2021 còn thấp. Đồng thời, trong các tháng đầu năm nay, nhiều chủ đầu tư đang triển khai các công việc như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công nên chưa có khối lượng để thanh toán. Các dự án lớn còn đang phải thực hiện điều chỉnh các thủ tục đầu tư (dự án đường cao tốc Bắc - Nam…). Đặc biệt, các khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng vẫn tồn tại (đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích).
Trước thực trạng trên, Nghị quyết số 45/NQ-CP về Phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV mới đây đã xác định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo điều hành.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, trong đó tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm. Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổng kết, đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Qua đó, đề xuất giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả để khắc phục, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất; bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Phải chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý. Trong đó, quý I hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; quý II hoàn thành việc giải ngân các dự án được phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 sang năm 2021; quý III giải ngân 80% kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 của các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2021 và hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư năm 2021 và lũy kế đến quý IV phấn đấu giải ngân 90% kế hoạch năm 2021 được giao.
Cách đây không lâu, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đề ra các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu…, đẩy nhanh tiến độ dự án; đồng thời lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, việc Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án gặp vướng mắc kéo dài tại các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Luật Đầu tư công ra đời năm 2019 đã góp phần giúp Chính phủ quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu ngân sách đầu tư, đảm bảo phòng chống tham nhũng, minh bạch trong điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân là cán bộ, công chức trong một số bộ, ngành, địa phương không thay đổi tư duy kịp thời, vẫn làm theo phương thức cũ, nên không hiệu quả. Vì vậy mới có tình trạng địa phương, bộ ngành này giải ngân hết vốn, nhưng nơi khác lại không giải ngân được, xin trả lại.
Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang
Năm 2021, tỉnh Tiền Giang bố trí vốn đầu tư công trên 3.703 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách địa phương trên 2.973 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Trung ương. Tính đến hết quý I/2021, Tiền Giang đã giải ngân đạt trên 20% kế hoạch.
Để thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong phân cấp, quản lý đầu tư xây dựng công trình và đẩy mạnh huy động tốt các nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển trong năm và tạo bước ngoặt cho cả nhiệm kỳ 2021-2025. Đặc biệt là theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; chủ động điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gap-ghenh-dau-tu-cong-608383.html