Gập ghềnh Đồng Văn

Tôi lên Hà Giang lần đầu tiên vào năm 1978 khi đang là một chàng trai trẻ. Sau gần chục ngày lang thang cùng mấy anh thủy lợi, người đi xây những hồ nước dành cho dân vùng cao ở thung lũng quanh vùng thị trấn Phó Bảng đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về một vùng đất địa đầu, phên dậu phía Bắc Tổ quốc. Đó là con đường mang cái tên chứa đầy ước vọng của người vùng cao: Hạnh Phúc. Đường Hạnh Phúc nối từ thị xã Hà Giang lên Đồng Văn dài 160km, trườn qua vách núi cheo leo.

Con đường Hạnh Phúc như ngày càng hẹp dần và gập ghềnh hơn.

Trước đó chỉ là lối mòn chênh vênh men theo các triền núi đá, con đường Hạnh phúc được làm nên sau hơn một vạn ngày với sự góp sức của hơn vạn con người của 6 tỉnh Việt Bắc: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang. Họ đã treo mình trên núi đá chon von tận Mã Pí Lèng với choòng, đục vừa mở đường vừa chống phỉ.

Vậy mà hơn 30 năm sau trở lại Hà Giang, đi vòng vèo theo con đường Hạnh Phúc giờ lâu lắm không mấy được sửa chữa tu bổ, lại liên tục chịu đựng những đợt lũ quét, núi lở, khiến con đường ước vọng của người vùng cao có nguy cơ thu hẹp và gập ghềnh. Có sự an ủi thầm lặng trong lòng, ấy là tôi như gặp lại thời trai trẻ của mình giữa một khung cảnh vẫn gần như xưa từ cảnh đến người... Sông Miện, rồi sông Nho Quế như ngàn năm trước vẫn cặm cụi và nhẫn nại chảy lặng lẽ dưới chân triền núi đá Yên Minh, Mã Pí Lèng.

Những cái tên nằm lòng gợi nhớ một thủa nay hiển hiện ra. Nào Bắc Quang, Bắc Mục, Quản Bạ, Cổng trời, Yên Minh, Mèo Vạc, Xín Mần, Đồng Văn... Với những thông số trơ mòn mà canh cánh một niềm thương. Cả nước có 61 huyện nghèo, Hà Giang có 6 huyện. Quá nửa đời người trôi qua, nay vẫn gặp lại cảnh một gia đình người Mông quây tròn bên nhau giữa đường, ăn bữa trưa bằng thứ mèn mén bột tơi giống như cám và thoang thoảng mùi mọt ngô. Và rượu vẫn đang ngự trị tại Hà Giang như một nếp sống, một thú vui độc nhất chưa biết bao giờ có thể thay thế...

Xe lệt bệt, ngả nghiêng trườn qua những vũng nước mưa đọng qua đêm. Vừa vượt khỏi địa danh Yên Minh, chạm đất Đồng Văn đã trùng trùng rừng đá tai mèo. Mắt chúng tôi như nhòa đi bởi màu đá xám lô nhô, trập trùng nối tiếp nhau đua chen trong tượng hình đứng lặng của một xã hội người, như chẳng bao giờ hết.

Con đường nhỏ xíu lách giữa tầng tầng, lớp lớp đá. Nhìn rừng đá nhọn hoắt, gập ghềnh, uốn lượn, tôi cứ ngỡ Đồng Văn ngày xưa là một biển lớn, rồi hôm nào đó bị một lời nguyền khiến mặt nước đang chồm dậy trong một cơn bão táp bỗng khô cứng lại, trơ ra hóa thành đá. Cũng may, tôi lên Đồng Văn vào dịp ngô núi đang rộ. Giữa rừng đá bạt ngàn, tầng lớp đó dường như không có chỗ cho đất. Người trồng ngô phải tìm thật kĩ những thẻo đất như bàn tay trẻ để găm hạt ngô vào cho nảy mầm lớn lên.

Chỗ nào không có đất, người ta gùi đất lên đổ trên nền đá để trồng ngô và lanh. Hai thứ cây dành cho cái ăn, cái mặc như sự ban phát ngặt nghèo của thiên nhiên cho người vùng cao Hà Giang để sống qua ngày. Ngay cỏ, cây ngô dành cho bò ăn cũng nằm trên những đôi vai gầy guộc của người vùng cao.

Cho nên người ta mới bảo, dân vùng cao Hà Giang nuôi bò, trồng cây trên vai là thế. Núi gần như dốc ngược mà ngô vẫn mọc lên phất lá cho màu xanh làm mỡ màng và sức sống hơn những triền núi đá xám hoang vu bớt đi mầu u tối. Hơn một ngày, chiếc xe tròng trành, chông chênh trên con đường nhỏ như cánh tay gầy guộc của người Mông trườn qua những vách núi chạm mây.

Từ Mã Pí Lèng nhìn xuống, thị trấn Đồng Văn mở òa ra trong khoảng bình nguyên được bao bọc xung quanh dãy núi đá tai mèo. Trụ sở UBND huyện Đồng Văn là một quần thể nhà tam cấp mang vẻ thanh bình, yên tĩnh có lẽ bởi hai cây sa mộc lưu niên, trong đó có một cây do nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trồng khi lên thăm, đứng hai bên trầm mặc, chờ đón khách. Trụ sở UBND huyện Đồng Văn tựa vào trái núi mà trên đỉnh chót vót vẫn còn dấu tích một lô cốt của thực dân Pháp xây nên trước đây để án ngữ vùng biên cương rộng lớn. Không biết có phải vì ấn tượng của cảnh vật hay những lời nói nghe được dọc đường nên khi nhìn thấy bản đồ Đồng Văn, tôi mường tượng ra đó là mặt người xõa tóc, ngửa cổ chờ nước...

Một “đại gia đình” người Mông ăn trưa ven đường. Ảnh: N.H

Đồng Văn là một trong 6 huyện nghèo của Hà Giang. Huyện biên giới này có 17 xã và 2 thị trấn với 8,3 vạn dân. Trong 11.980 hộ thì có 6.198 hộ (chiếm gần 52%) là hộ nghèo. Dân Đồng Văn đa số là người Mông. Cả huyện có diện tích 46.100ha, trong đó có 6.320ha trồng ngô, 615ha trồng lúa nước. Con số thống kê nghe trù phú vậy nhưng thực ra diện tích canh tác chỉ leo heo vài mảnh ruộng bậc thang bé xíu và những thẻo đất hiếm hoi nằm chen giữa ngút ngát, cheo leo nơi rừng đá tai mèo.

Cái khổ cho dân canh tác nơi đây là một năm thiếu nước ít là 4 tháng, còn nhiều là 6 tháng. Ngô trồng cả năm một vụ đều trông chờ vào “nước trời”. Có mưa xuống thì đến vụ tay người mới được bẻ bắp, không mưa coi như mất trắng mùa. Thế cho nên, xây trụ sở UBND huyện Đồng Văn tốn rất nhiều công sức và tiền của, khi 1m3 cát ở đây lên đến 700 nghìn đồng, một khối nước rẻ nhất cũng là 500 nghìn đồng. Các nhu cầu đơn giản cho con người về sự uống, sự ăn, sự tắm giặt ở đây thật khó khăn.

Vậy mà, người Đồng Văn vượt qua tất cả sự khắc nghiệt này để làm tròn công việc lặng lẽ và quang vinh; khẳng định ranh giới lãnh thổ non sông ta. Triệu Long Giang, Bí thư xã Lũng Táo, một trong những xã nghèo của Đồng Văn được một tập đoàn nhà nước bảo trợ nói với tôi: Tình yêu đất nước đã ngấm vào người dân ở đây từ khi mới đẻ ra.

Dọc đường đi lên cột cờ Lũng Cú, niềm kiêu hãnh và cũng là dấu hiệu chủ quyền của cương thổ Việt Nam, thấy lấp ló giữa bụi mua, bụi sim, những cột mốc xi măng, những bóng người mặc áo tả pù loáng thoáng tỉa ngô trên sườn núi, chúng tôi mới hiểu non sông ta, cương thổ ta được giữ gìn, được khẳng định bằng chính những người dân hiền lành, lặng lẽ và suốt đời vất vả kia...

Qua lời cô Cồ Thị Anh, người Thái, nhân viên của Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Văn, tôi nhận ra rằng: Dù nơi heo hút đến đâu của Tổ quốc mình, cha ông ta đều dày công để tìm ra những địa danh khả dĩ làm vẻ vang cho non sông và để khẳng định ranh giới, lãnh thổ của Tổ quốc. Núi Rồng, nơi cột cờ địa đầu phía Bắc của Tổ quốc nằm trong địa phận Lũng Cú tên gọi địa phương là Lũng Cú, nghĩa là nơi rồng ở.

Tương truyền, có con rồng từ trời cao thấy mảnh đất lành đậu xuống. Khi bay về trời, vì thương dân ở đây không có nước nên con rồng đã để đôi mắt lại. Đôi mắt này chính là hai hồ bán nguyệt nằm ở hai làng Tả Gia Khâu và Lô Lô Chải của xã Lũng Cú. Đây cũng chính là nơi thủ lĩnh người Mông Phô Công Minh có công khai khẩn ra vùng đất biên cương này. Lũng Cú có 7 dân tộc từ bao đời nay hiền hòa sinh sống bên nhau.

Ngoài 80% người Mông, gần 10 % người Lô Lô, còn có người Kinh, Tày, Hoa... trú tại 9 thôn, trong đó có 7 thôn biên giới. Vượt qua 284 bậc thang, chúng tôi trèo lên đỉnh núi Rồng cao 1.600m so với mặt biển và 1.300m so với mặt đất Đồng Văn, nhìn lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang phần phật bay trong gió.

Phóng tầm mắt nhìn ra bờ cõi mênh mông của ta vững vàng, ai nấy đều trào lên tình yêu bao la với non sông. Tình yêu này càng được tô đậm khi chúng tôi rời đỉnh núi Rồng cũng vừa lúc gặp đoàn đại biểu Tỉnh ủy Cà Mau, mảnh đất tận cùng phía Nam Tổ quốc do ông Lư Dũng, Chánh văn phòng Tỉnh ủy dẫn dầu cùng Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang Lê Khánh đưa lên để nhìn tận mắt, sờ tận tay cột cờ trên địa đầu phía Bắc Tổ quốc...

Non sông ta đấy! Còn đói nghèo, còn vất vả lắm, nhưng mỗi ngưòi dân của xứ sở này sẽ chịu đựng tất cả để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng của cha ông...

Nguyễn Hiếu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gap-ghenh-dong-van/