Gập ghềnh lối vào NATO
Sự trì hoãn từ hai thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary khiến lộ trình gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới của Thụy Điển vẫn gập ghềnh, khó khăn.
Cho đến ngày 29-11, tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vẫn đang để ngỏ. Theo Reuters, phía Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thông báo Ankara sẽ thông qua đơn xin gia nhập NATO của Stockholm trong vài tuần tới, nhưng không nêu thời gian cụ thể. Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết đã có cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan một ngày trước đó, nhưng thông tin duy nhất ông nhận được là lời hứa hẹn không chắc chắn của Ankara.
Trước đó, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Ngoại trưởng Fidan nói rằng ông đang xúc tiến vấn đề này và khả năng sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Giống như Na Uy và Đan Mạch, Thụy Điển là một trong những quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia-khu vực chiến lược từ lâu đã được NATO hướng đến. Nhưng dù các quốc gia láng giềng Na Uy và Đan Mạch là những thành viên đầu tiên của NATO, Thụy Điển vẫn thực hiện chính sách không liên minh quân sự. Chỉ sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Thụy Điển và Phần Lan mới đồng gửi đơn xin gia nhập NATO. Ấy vậy nhưng Phần Lan đã được kết nạp thành thành viên NATO vào tháng 4 vừa qua, trong khi đó, Thụy Điển vẫn đang chờ câu trả lời của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary-hai nước cuối cùng trong số 31 quốc gia thành viên NATO chưa phê chuẩn đơn gia nhập của Stockholm.
NATO hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, tức là mọi quyết định chỉ được thông qua khi tất cả 31 quốc gia thành viên đồng ý. Do vậy, Thụy Điển chỉ có thể kiên nhẫn chờ cái gật đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Tờ Time từng phân tích các nguyên nhân dẫn tới việc con đường gia nhập NATO của Thụy Điển vấp phải nhiều chông gai, trong đó nêu bật quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức mà Ankara xếp vào diện khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần cáo buộc Stockholm là nơi ẩn náu cho các nhà hoạt động người Kurd có liên kết với PKK. Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình đốt Kinh Koran diễn ra tại quốc gia Bắc Âu cũng làm mối quan hệ giữa Stockholm và Ankara thêm căng thẳng.
Để xoa dịu mối quan hệ, Stockholm đã đưa ra dự luật chống khủng bố, quy định tư cách thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp, đồng thời dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tới tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cuối cùng đã đồng ý đưa cuộc thảo luận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển lên Quốc hội. Ngày 23-10 vừa qua, hồ sơ xin gia nhập NATO của Thụy Điển chính thức được trình lên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan lập pháp này vẫn chưa thông báo thời gian tiến hành bỏ phiếu về vấn đề trên.
Trong khi đó, với Hungary, Tổng thống Viktor Orban cho biết lý do không phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển là quốc gia này đã bày tỏ quan điểm về tính dân chủ và pháp quyền ở Hungary một cách phiến diện. Budapest cương quyết rằng, chỉ khi Thụy Điển thay đổi thái độ, họ mới chấp thuận để nước này gia nhập NATO.
Một số chuyên gia nhận định, có thể Chính phủ Hungary đang chờ xem Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định ra sao. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận để Thụy Điển gia nhập NATO thì lúc đó Hungary sẽ ở vị thế mạnh hơn nhiều để yêu cầu Stockholm nhượng bộ với tư cách là nước duy nhất không chấp thuận. Dẫu vậy, cũng không loại trừ khả năng cả Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang chờ Thụy Điển đưa ra cái giá xứng đáng hơn để đổi lấy tư cách thành viên NATO.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/gap-ghenh-loi-vao-nato-753564
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/627873-gap-ghenh-loi-vao-nato.html