Gặp gỡ các tác giả đoạt giải cao Giải thưởng Báo chí tỉnh Tuyên Quang lần thứ I năm 2019
Giải thưởng Báo chí tỉnh Tuyên Quang lần thứ nhất đã vinh danh các tác giả, tác phẩm đoạt giải. Phóng viên Báo Tuyên Quang đã gặp gỡ và trao đổi với một số tác giả về quá trình thực hiện tác phẩm.
“Đắt” từ chủ đề đến tư liệu
Nhà báo Trịnh Thành Công, chia sẻ, tác phẩm “Phát triển kinh tế lâm nghiệp: Những bước đi khoa học, hiệu quả” (giải A) là đề tài đã được phòng ấp ủ từ lâu và được Ban Biên tập Báo Tuyên Quang quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Tuyên Quang là một trong 3 địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, đạt trên 64%. Vì vậy Tuyên Quang cũng là tỉnh gần đây ít chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Từ trước đến nay, đã có nhiều nhà báo địa phương, trung ương viết về phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, nhưng chủ yếu là những bài viết đơn lẻ, chưa toàn diện, khái quát. Đặc biệt, phát triển kinh tế lâm nghiệp còn là một trong 3 khâu đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Vì vậy, kinh tế lâm nghiệp đã được tỉnh quan tâm, chú trọng và có những bước phát triển rất nhanh. Trên cơ sở đó, phòng đã xây dựng đề cương chi tiết. Ban Biên tập cho ý kiến về cách làm và tham gia thực hiện.
Để triển khai loạt bài, các tác giả đã có sự thống nhất cao về nội dung, cách thể hiện, đầu tư kỹ lưỡng về tư liệu. Mỗi tác giả đã đến từng địa phương, không chỉ gặp gỡ những người làm công tác quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, mà còn leo đồi, núi, đến từng cánh rừng để phỏng vấn những chủ rừng đang phát triển kinh tế bền vững từ rừng. Trong đó, tác giả Trịnh Thành Công đã trực tiếp xuống Hà Nội gặp Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học, chuyên gia lâm nghiệp Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Việt Nam - người đã có hơn 60 năm gắn bó với rừng “bước chân ông đi khắp các nẻo rừng cả nước, trong đó có Tuyên Quang” và điều mà ông ấn tượng nhất, đó là “người dân vùng đất này yêu rừng như “máu thịt” của mình”. Vì vậy, ông đã nói chuyện một cách say sưa về cách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Tuyên Quang. Đó chính là những tư liệu quý giá giúp nhóm tác giả thực hiện tốt loạt bài.
Còn nhà báo Hà Linh đã lặn lội đến nhiều xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu và viết về việc trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế FSC, khẳng định hướng đi mới cho người làm rừng.
Nhà báo Trần Liên cũng đã trực tiếp phỏng vấn nhiều hộ trồng rừng ở các huyện, để thấy được sự thay đổi của người dân trong nhận thức, từ tự giác trồng rừng nhỏ lẻ manh mún, đến việc liên doanh trồng rừng, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng. Nhờ đó, diện tích rừng của tỉnh ngày càng tăng, thu nhập của người dân được nâng lên, đồng thời chủ động được nguồn nguyên liệu trong sản xuất. Đặc biệt là độ che phủ của rừng ngày càng được nâng lên, góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương.
Tác phẩm không chỉ thể hiện sự tâm huyết, quyết tâm của nhóm tác giả từ khi có ý tưởng, xây dựng đề cương đến quá trình thu thập tư liệu và thể hiện từng tác phẩm, mà còn cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện, sâu sắc, chi tiết, cụ thể về từng bước đi vững chắc, khoa học trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh. Đó chính là điểm nhấn, góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm.
Huyền Linh
Nguồn tư liệu phong phú từ cơ sở
“Hàng tháng trời, chúng tôi cùng nhau đi thực tế, đến tận từng bản làng, nghe từng người dân, cán bộ cơ sở chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Càng đi càng thấy có nhiều tư liệu hay, càng “hăng”. Có ngày chúng tôi đi liền một mạch mấy xã cách nhau hàng trăm cây số. Nhiều lúc mệt nhưng đến với cơ sở trình bày ý định bài viết được bà con nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi lại cảm thấy vui và trách nhiệm hơn”. Đó chính là tâm sự của nữ nhà báo Trịnh Thủy Châu, một trong hai tác giả viết thành công tác phẩm báo chí “Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị: Nhìn từ việc kiêm nhiệm các chức danh ở cơ sở” (giải B).
Đây là đề tài do Ban Biên tập định hướng và quan tâm, chỉ đạo sát sao ngay từ khâu xây dựng đề cương đến quá trình triển khai thực hiện. Chính vì thế, loạt bài được đánh giá cao bởi cách tiếp cận và cách thể hiện.
Nhà báo Trịnh Thủy Châu cho biết: Trong quá trình thực hiện, bên cạnh chú trọng tình hình thực tế tại cơ sở, nhóm tác giả luôn phải bám sát Nghị quyết, chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Hai yếu tố này luôn được kết hợp nhuần nhuyễn để đưa ra những luận điểm, dẫn chứng đắt giá, hấp dẫn bạn đọc. Chính vì thế, để hoàn thành tác phẩm, nhóm tác giả nhiều lần đi cơ sở, cùng trao đổi, phỏng vấn nhân vật. Sau đó, ngồi lại với nhau bàn bạc, thống nhất từng chi tiết đưa vào tác phẩm. Bên cạnh đó, có lúc phải chia tách địa bàn, mỗi người đi một hướng tìm ra điểm nổi bật để có dẫn chứng thuyết phục nhất”.
Chính cách làm việc nhóm linh động đó đã góp phần tạo sự thành công cho bài viết. Sau khi tác phẩm được đăng, các tác giả cũng nhận được phản hồi tích cực từ phía độc giả. Nhiều lần quay lại cơ sở, gặp lại những nhân vật được phỏng vấn, nhận được cái bắt tay cảm ơn, lời động viên chân thành nên rất vui. Giang Lam
Chân dung sinh động về một trưởng thôn người Mông
Tác phẩm “Trưởng thôn người Mông Cháng A Bào” (giải A) được nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Trang, Lê Kim Thắng, Đỗ Đại Dương, Vi Văn Hà, Nguyễn Việt Bách (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh) và tác giả Tạ Văn Cường, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Lâm Bình thực hiện đã miêu tả chân thực, sinh động những việc làm của một trưởng thôn người Mông.
Phóng viên Nguyễn Thị Thu Trang, phòng Chuyên đề, Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh chia sẻ, tác phẩm được nhóm tác giả thực hiện trong tháng 11 năm 2018. Nhân vật Cháng A Bào, là Trưởng thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình), rất năng nổ, nhiệt tình và có ý thức cầu tiến. Từ khi chuyển xuống tái định cư ở thôn Tiên Tốc, anh đã tham gia các tổ chức đoàn thể và là Bí thư Chi đoàn thôn. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, 21 tuổi Cháng A Bào đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Và đến năm 2015, khi thôn Nà Xé và thôn Tiên Tốc tách ra, Cháng A Bào đã được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng thôn Tiên Tốc.
Từ khi nhận cương vị là Trưởng thôn, Cháng A Bào đã làm nhiều việc giúp thay đổi tư duy và thúc đẩy cuộc sống của bà con trong thôn phát triển: Tuyên truyền để bà con không theo đạo trái phép, không tảo hôn; vận động trẻ em trong thôn đi học đúng độ tuổi... Ngoài việc tích cực vận động, tuyên truyền cho bà con, Cháng A Bào đã gương mẫu làm trước, khi gia đình anh làm tốt và đem lại hiệu quả bà con trong thôn mới tin tưởng học theo. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã xây dựng đề cương, kế hoạch chi tiết để ghi hình về chàng trai người Mông dám nghĩ, dám làm, nhằm khắc họa sinh động những việc làm cụ thể, ý nghĩa của Cháng A Bào.
Để ghi hình và hoàn thành tác phẩm, nhóm tác giả đã phân công công việc cho từng người, đi thực tế tìm hiểu về cuộc sống của bà con trong thôn, của nhân vật; đánh giá của chính quyền, người dân địa phương về nhân vật; những việc làm cụ thể có hiệu quả của Cháng A Bào đối với bà con trong thôn. Qua đó, hình ảnh chàng trưởng thôn trẻ người Mông với sự nhiệt tình, trách nhiệm và tư duy đổi mới đã được thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn người xem.
Bài, ảnh: Tố Mai
Thể hiện cái mới trên đề tài cũ
Nhà báo Dương Thủy, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã có 15 năm gắn bó với nghề, trải qua bao kỷ niệm nhưng đọng lại với chị sâu lắng nhất là quá trình hoàn thiện tác phẩm “Khi nông dân làm du lịch” (giải B). Chị Thủy chia sẻ, đây không phải là đề tài mới nhưng lại là sự mới mẻ đối với người nông dân vùng cao Na Hang, Lâm Bình. Chị đã nhấn mạnh vào cái mới, cái lạ lẫm đó để rồi thấy được họ thực sự sáng tạo trong làm du lịch.
Để hoàn thành tác phẩm, chị và quay phim Lưu Khiêm ở cơ sở đến hơn chục ngày. Những góc quay sinh động, không chỉ diễn tả toát lên vẻ đẹp hữu tình của đất và người Hồng Thái mà còn khẳng định người dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc quảng bá du lịch. Trở lại khu du lịch sinh thái Na Hang, như mọi lần chị Thủy thường đi “tiền trạm” để chuẩn bị sẵn sàng cho những cảnh quay tới. Khi đó, chị bắt gặp người nông dân đang hoàn thiện một chiếc thuyền rộng để đưa vào phục vụ khách du lịch. Chị liền trao đổi với người dân và cùng quay phim ghi lại khuôn hình này. Rồi chị hẹn đến ngày hạ thủy sẽ tiếp tục quay lại để ghi hình. Những hình ảnh hạ thủy tại lòng hồ, khiến ai nấy xem đều nức nở. Bởi đây là khuôn hình “đắt” mang đậm dấu ấn của người nông dân hăng say, nhiệt huyết quyết đầu tư có bài bản làm du lịch.
Trong tác phẩm còn có nhiều khung hình người dân được huyện mở lớp hỗ trợ đào tạo tiếng Anh để nâng cao khả năng giao tiếp với du khách nước ngoài, hay khách du lịch được trải nghiệm làm xôi ngũ sắc tại xã Thượng Lâm (Lâm Bình), được thăm các lồng cá trên lòng hồ Na Hang… Chị bảo, đồng nghiệp Lưu Khiêm đã đồng hành cùng chị rất nhiều tác phẩm đoạt giải tại các cuộc thi báo chí Trung ương và tỉnh tổ chức. Sự ăn ý là ở chỗ chị luôn để quay phim được sáng tạo hết mình, họ không bị gò bó trong cách thể hiện. Từ đó sẽ có những khuôn hình hiện đại và nêu bật được ý đồ của người viết. Thùy Linh