Gặp gỡ gia đình đam mê nghệ thuật dân tộc Khmer
Từ sự đam mê học hỏi các loại hình nghệ thuật ca, múa, hát L'khôn Ba-săk (dù kê), gia đình bà Lý Thị Sà Quyên đã trở thành một trong những gia đình có truyền thống 3 thế hệ gắn bó với Đoàn Nghệ thuật quần chúng Khmer Pra-sath Kong (Ánh Bình Minh), xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) và Đoàn Nghệ thuật Khmer Ron Ron, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng).
Đến ấp An Nhơn, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), hỏi về gia đình bà Lý Thị Sà Quyên, bà con ở đây gọi thân thiện là bà Quyên đam mê nghệ thuật múa hát, cách chùa Pô-thi Thlâng khoảng 500m là tới nhà của bà. Khi tiếp chúng tôi, bà mỉm cười và khoe những tấm giấy khen của Ban Tổ chức Liên hoan dân ca, múa, nhạc Khmer Nam Bộ lần thứ I năm 2019 và lần thứ II năm 2022. Bà Sà Quyên vui mừng chia sẻ: “Mỗi lần tham dự liên hoan khu vực, cả đội và bà cháu chúng tôi cảm thấy rất vui. Các ngành đã tạo sân chơi bổ ích, có dịp giao lưu nghệ thuật, thể hiện tài năng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua các tiết mục ca, múa, hát. Tham gia lần thứ I đạt giải khuyến khích với tiết mục trích đoạn truyện “Tum-teo”, hai bà cháu chúng tôi đóng vai mẹ con; cháu gái đạt giải diễn viên nhỏ tuổi ấn tượng lần thứ I và lần thứ II. Đó là niềm vui và hạnh phúc đối với gia đình chúng tôi”.
Đang đi học trở về, bé Lý Thị Ngọc Oanh (cháu ruột bà Sà Quyên) tâm sự: “Lần đầu tiên lên sân khấu thi diễn trước công chúng, cháu rất run và hồi hộp, sợ quên lời thoại. Tuy nhiên, trong lúc thi diễn nhờ sự động viên của các cô chú, bà con ủng hộ nhiệt tình, cháu cảm thấy tự tin lên để có tâm trạng nhập vai theo truyện “Tum-teo”. Niềm vui được đền đáp khi 2 lần tham gia, giành được 3 giải. Nếu có dịp tham dự lần sau, cháu sẽ cố gắng thi diễn tốt hơn”.
Bà Lý Thị Sà Quyên năm nay ở tuổi 66. Bà sinh ra trong gia đình dân tộc Khmer có truyền thống yêu thích loại hình nghệ thuật sân khấu dù kê, đội nhạc cụ truyền thống lễ cưới. Cha và mẹ của bà từng là nhạc công, diễn viên, vũ đạo, vũ thuật đoàn gánh hát dù kê ông Chhà Kọn, tại Phum Pô (Sóc Vồ), xã An Ninh, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) trước kia. Thuở nhỏ, cô bé Sà Quyên rất thích xem văn nghệ, đặc biệt là nghệ thuật múa ro băm, hát dù kê của dân tộc. Mỗi lần trong xóm có tổ chức đám phước, lễ hội hay có đoàn nghệ thuật tới diễn, cô bé theo cha mẹ xem các anh, chị biểu diễn.
Biết con gái có niềm đam mê nghệ thuật, ông Lý Hương (cha ruột bà Sà Quyên) cũng đặt niềm tin vào cô con gái. Đến năm 13 tuổi, cô bé Lý Thị Sà Quyên tiếp tục chọn theo “nghiệp” nghệ thuật của cha mẹ đi múa, hát cho đoàn nghệ thuật quần chúng, đi diễn phục vụ tại lễ hội dân tộc, ở những nơi có chùa và đông đồng bào Khmer sinh sống. Bà Sà Quyên nhớ lại: “Lúc mới gia nhập, lãnh đạo đoàn phân cho hát và vũ thuật. Được một thời gian, tôi được đóng vai chánh. Ngoài tham gia cho đoàn ông Chhà Kọn, tôi tiếp tục đến với Đoàn Nghệ thuật Khmer Pra-sath Kong, rồi đến Đoàn Nghệ thuật quần chúng Khmer Ron Ron. Còn ông xã thì cũng đi theo các đoàn đờn với các nhạc cụ như đờn cò, nhạc khưm… Trong 6 người con của tôi thì có 5 đứa theo đoàn nghệ thuật quần chúng, một thời gian sau, nhiều đứa nghỉ. Hiện chỉ còn một đứa con gái thứ tư tên Lý Thị Sà Vết đang là diễn viên, ca sĩ phục vụ trong Đoàn Nghệ thuật quần chúng Khmer Ron Ron. Gia đình chúng tôi đã thành lập một đội Chhăy-dăm chuyên phục vụ trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer như: lễ Dâng y Ka-thin-na, tết Chôl Chnăm Thmây, lễ xuất gia... Với tôi thì việc sống với nghệ thuật truyền thống không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm bảo tồn nghệ thuật của dân tộc. Đây chính là lý do hàng chục năm qua, gia đình chúng tôi đã gắn bó với nghệ thuật và truyền dạy cho con cháu nhằm bảo tồn, phát huy loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Dù cuộc trò chuyện rất ngắn ngủi, nhưng bà Lý Thị Sà Quyên đã làm cho tôi ấn tượng sâu sắc từ niềm đam mê đến việc “truyền lửa” loại hình nghệ thuật múa, hát cho các cháu nhằm nâng cao lòng tự hào về vốn di sản văn hóa phi vật thể của ông cha để lại, để cho thế hệ trẻ nâng cao nhận thức, tích cực tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Khmer trường tồn mãi với thời gian.