Gặp gỡ người thầy gần 60 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Thủ đô
Dù thời gian có phủ nhuộm mái tóc bạc màu nhưng chúng tôi vẫn thấy ánh mắt thầy Nguyễn Tùng Lâm rực sáng với ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê.
Gần 60 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo, dù thời gian có phủ nhuộm mái tóc bạc màu nhưng khi gặp chúng tôi, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng vẫn thấy ánh mắt thầy rực sáng với ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê.
Người thầy đáng kính ấy đã cùng với đồng nghiệp và cha mẹ học sinh trong hành trình “vun trồng” “dạy con nên người” cho nhiều thế hệ học sinh Hà thành, góp một phần công sức cho sự nghiệp phát triển giáo dục của Thủ đô và đất nước.
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm sinh ngày 15 tháng 02 năm 1943 tại Hà Nội, thuộc thế hệ những người sinh ra và lớn lên khi đất nước đang chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ đầy đau thương gian khó nhưng rất đỗi tự hào, tuổi thơ ông là những tháng ngày dài đầy gian nan và cơ cực. Nhưng ông cũng may mắn được hưởng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, trưởng thành từ nguyên lý “học đi đôi với hành”, “học tập kết hợp lao động sản xuất”, “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Ông được trưởng thành từ mái trường giàu truyền thống Trung học phổ thông Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1967, ngay trên ghế nhà trường, ông đã nỗ lực rèn luyện, phấn đấu được kết nạp Đảng (4/1967).
Ông gắn bó ngay với giáo dục Thủ đô từ những năm mới ra trường tại Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội. Ông trưởng thành cùng ngôi trường này từ những năm 1970 đến 1982. Đây là ngôi trường tiên tiến, xuất sắc của Hà Nội, của miền Bắc rồi của cả nước về thành tích “Dạy tốt – Học tốt” gắn với lao động sản xuất và hướng nghiệp.
Với hơn 20 năm làm Chủ tịch Công đoàn giáo dục Hà Nội đã giúp ông gắn bó với sự nghiệp giáo dục Thủ đô, đặc biệt giúp ông thấy rõ vai trò và sứ mệnh của người thầy.
Luôn tâm niệm rằng: “Một nhà giáo thực sự không chỉ cần trang bị cho mình những kiến thức tốt mà còn phải biết vận dụng những tri thức đó vào đời sống xã hội, đời sống của học trò để thấu hiểu và cảm thông sâu sắc hơn. “Trồng người” là một sự nghiệp cao quý có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách, năng lực và quyết định đến tương lai của mỗi học trò. Vì thế, ngoài truyền dạy những kiến thức chuyên môn, mỗi người thầy phải là người truyền cảm hứng, cùng với học trò khám phá những điều tốt đẹp giúp các em xác định được con đường phù hợp với khả năng nhất, hiệu quả nhất để chinh phục thành công”.
Bằng bản lĩnh, trí tuệ và nghị lực của một nhà giáo yêu nghề, cả cuộc đời Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm đã nhận thức rõ ràng sứ mệnh và dốc hết tâm huyết phụng sự cho sự nghiệp của một nhà giáo chân chính. Với ông, điều quan trọng nhất mà cả cuộc đời theo đuổi chính là việc truyền cảm hứng, đam mê học tập đến các thế hệ học sinh, mở ra cho các em những chân trời mới, niềm tin mới để dựng xây cuộc sống tốt đẹp sau này.
Ông luôn nhắc nhở các đồng nghiệp của mình phải luôn ghi nhớ nhận xét của nhà Tâm lý học Mỹ nổi tiếng Stephen Covey: “Thách thức lớn nhất của giáo dục là làm sao khơi mở tiềm năng của tất cả trẻ em để chúng có thể dẫn dắt cuộc sống của chính mình thay vì người khác dẫn dắt. Đây là mấu chốt của chuyển đổi giáo dục… nhiệm vụ của giáo dục là giúp đỡ mỗi đứa trẻ đưa ra những quyết định cho chính mình”.
Ông cũng tâm đắc với câu nói của Tổng Thống Ấn Độ Abraham (2002-2007) “Nhà giáo là một nghề rất cao quý giúp hình thành nhân cách, năng lực và tương lai của mỗi cá nhân. Nếu mọi người nhớ tôi là một giáo viên giỏi, đó sẽ là vinh dự lớn nhất đối với tôi”.
Những sáng tạo và đổi mới quan trọng trong sự nghiệp giáo dục
Tư tưởng đổi mới và sáng tạo của ông luôn thể hiện rõ trong suốt cuộc đời, sự nghiệp trên từng chặng, hành trình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Từ khi còn là một thầy giáo trẻ, ông năng động, tự tin, khắc phục những khó khăn của cuộc sống, tận tâm với nghề và tiên phong trong mọi công việc. Ông luôn tìm tòi kiến thức mới, trau dồi nghiệp vụ, liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy, để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các em học sinh.
Khi là Hiệu phó Phụ trách Giáo dục trường Cao Bá Quát (1976 -1982), ông đã góp sức không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển nhà trường. Tuy trong điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cực khổ, không có phương tiện đi lại, các thầy cô đi dạy chủ yếu là đi xe bus và đi xe đạp, đường sá xa xôi, đồng lương eo hẹp, nhiều nhà giáo không chịu được đã bỏ nghề đi làm kinh tế. Đứng trước nhu cầu giải quyết khủng hoảng đó, năng lực sáng tạo của ông đã được phát huy một cách triệt để.
Dưới sự chỉ đạo của thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Lung – người thầy bản lĩnh, tâm huyết sáng tạo của giáo dục Thủ đô lúc đó, cùng với đội ngũ nhà giáo tận tâm, sáng tạo của trường Cao Bá Quát, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm xây dựng mô hình gắn trường học với lao động sản xuất, tập hợp giáo viên giỏi để giúp đỡ học sinh kém, con em thương binh liệt sĩ, quan tâm, động viên, cổ vũ tinh thần các thầy cô và học trò…
Ông đã góp phần cùng các thầy cô trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát thành lập các xưởng may, xưởng mộc, xưởng rèn, làm vườn trường trồng táo, ghép cây, giúp học sinh đem kiến thức văn hóa gắn với lao động sản xuất.
Từ năm 1978 ông được mời tham dự Hội nghị Sáng kiến kinh nghiệm giáo dục toàn quốc, để báo cáo sáng kiến “Dạy may dạy người” của xưởng trường Cao Bá Quát. Chính trường cấp 3 Cao Bá Quát là cái nôi để ông cùng các thầy cô giáo của nhà trường trưởng thành. Nhiều thầy cô cùng công tác với thầy Lâm chuyển về các trường nội thành đều là những giáo viên giỏi dạy trường chuyên về làm cán bộ quản lý của nhiều trường trung học phổ thông của Hà Nội.
Ấn tượng đặc biệt tiếp theo cũng là khoảng thời gian ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội (1982 -2003). Hơn 21 năm ở cương vị này, ông đã cùng với các đồng chí trong Thường vụ, Ban chấp hành Công đoàn giáo dục Hà Nội tổ chức các phong trào thi đua vừa để bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, vừa động viên khích lệ tinh thần trách nhiệm của thầy cô giáo Hà Nội.
Công đoàn giáo dục Hà Nội từ năm 1993 đã tổ chức cuộc thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” để biểu dương những nét đẹp và sự cống hiến sáng tạo của đội ngũ đông đảo giáo viên nữ Hà Nội. Đặc biệt, khẩu hiệu vận động thầy cô giáo Hà Nội “Kỷ cương – tình thương – trách nhiệm” để giữ vững phong trào thi đua Hai tốt. Năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công Đoàn giáo dục Việt Nam đã phát huy sáng kiến của Công Đoàn Giáo dục Hà Nội lấy làm phong trào thi đua vận động giáo viên cả nước. Đây là cuộc vận động lớn có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến phong trào thi đua hai tốt của toàn ngành suốt gần 30 năm qua.
Song song với quá trình quản lý, làm tốt công tác xã hội ông không ngừng hoàn thiện, trau dồi tri thức cho bản thân, chủ động tiếp cận những tư tưởng tiến bộ. Năm 1997, ông hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản lý giáo dục tại Học viện Quản lý Giáo dục và tiếp tục hoàn thiện chương trình Tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2003. Sáng tạo và đổi mới nổi bật của ông trong thời gian này là kết hợp chặt chẽ các kỹ năng kinh nghiệm đã tích lũy qua thời gian để xây dựng các chính sách, quản lý lãnh đạo phù hợp với thời đại, kịp thời và hoàn thiện mang lại nhiều thành tựu cho giáo dục Thủ đô.
Bước ngoặt sáng tạo, nhân văn và thành quả tự hào
Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng được đặt những viên gạch “nền móng” đầu tiên từ năm 1989, nhà trường ra đời gắn liền với một mô hình giáo dục đặc biệt: Đó là giáo dục lại những học sinh gặp khó khăn bậc trung học phổ thông. Và bởi vậy, phương pháp giáo dục của trường cũng không giống so với các trường khác. Đó là điểm sáng tạo, đổi mới nổi bật, thầy Lâm đã tạo nên một mô hình giáo dục phù hợp phát triển nền kinh tế thị trường, nhưng vẫn phát huy được tính ưu việt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “ai cũng được học hành”.
Ông xây dựng nhà trường với phương châm chấp nhận không chọn lọc chất lượng đầu vào, nhưng lại chú trọng chất lượng đầu ra. Nhà trường nhận tất cả mọi học sinh có nhu cầu đi học. Ông và Nhà trường luôn có một quan niệm rõ ràng là các em học sinh có quyền được đến trường, được đi học, được quan tâm đúng lứa tuổi… nhà trường cùng đồng hành với phụ huynh trong việc tìm kiếm và áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp với năng lực của mỗi học sinh giúp quá trình rèn luyện của các em đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh hoàn thiện nhân cách học sinh, là người đứng đầu nhà trường, ông luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đưa ra các chế độ đãi ngộ khích lệ với đội ngũ giáo viên, tạo tâm lý thoải mái chủ động sáng tạo cho các thầy cô trong công việc.
Ông luôn chú ý xây dựng đội ngũ nhà giáo Đinh Tiên Hoàng thành đội ngũ tập hợp những nhà giáo tâm huyết sáng tạo trong bầu không khí văn hóa phát triển bản thân theo công thức rất Đinh Tiên Hoàng, đó là: ft = đ.t.h-x2 + cđ.
Đó là mỗi thầy cô phải luôn đổi mới cách dạy, cách giáo dục học sinh (đ); luôn tận tâm với công việc, với sự nghiệp giáo dục Đinh Tiên Hoàng (t) và luôn học hỏi, hợp tác với nhau trong công việc, luôn “ham học, ham làm, ham tiến bộ (h) và luôn phải cảnh giác, phải tự kiềm chế những xấu xí trong ứng xử (x2) và luôn hướng tới sự đóng góp cho cộng đồng, cho học sinh (cđ). Điều đó đã giúp nhà trường hạn chế tối đa các vấn nạn tiêu cực trong giáo dục như dạy thêm, chạy điểm.
Nhờ có những chính sách thích hợp, mặc dù tỷ lệ học sinh có xuất phát điểm thấp khi vào trường hàng năm không phải là một con số nhỏ, thế nhưng sau 3 năm học tập và rèn luyện tại trường, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học hàng năm của trường đạt trên 90 % và tỷ lệ học sinh đạo đức yếu kém chỉ còn từ 2%. Tỷ lệ đỗ các trường đại học cao đẳng nhiều năm nay vẫn cao.
Để có được thành tích đó, ông chia sẻ rằng: “Biết đối tượng của trường phần lớn hổng kiến thức từ trước, sinh ra ham chơi, lãnh đạo trường chủ trương đẩy lùi tâm lý ngại học, sợ sách vở, lôi kéo các em tham gia vào hoạt động ngoại khóa”. Chi phí cho hoạt động ngoại khóa luôn chiếm 10 % tổng chi ngân sách hàng năm. Rất nhiều bạn đã được dẫn dắt, định hướng phát triển tích cực, các em có khả năng thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng mình mong muốn, chinh phục thành công và làm chủ cuộc đời, giảm bớt gánh nặng cho xã hội cho gia đình.
Bí quyết “dạy dân lập theo cách dân lập” của ông là xây dựng những “lớp học hạnh phúc”. Ở đó, những tiêu chí cứng nhắc trong lớp học được thay thế bằng phương châm “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” giúp các em ý thức rõ ràng hơn về giá trị của cuộc sống. Từ đó kích thích hứng thú tự học tập, tự rèn luyện của mỗi cá nhân, chuyển hóa mong muốn của nhà trường trở thành chính mong muốn của các em.
Là người thầy có cái tâm rộng mở, luôn quan tâm đến các học sinh cá biệt, yếu, kém, ông cho rằng: “Yếu tố tạo nên chất lượng giáo dục của mỗi trường lâu nay chúng ta nói nhiều đến công tác quản lý, đến việc xây dựng đội ngũ những nhà sư phạm, đến cơ sở vật chất nhưng có một yếu tố về vai trò của người học chưa được chúng ta nghiên cứu và tác động chưa đúng mức, chưa đúng cách. Theo tôi, giáo dục không chỉ là “đòi hỏi” học sinh “phải thế này, phải thế kia” mà cái chính là nhà sư phạm phải chủ động tìm phương pháp để giúp học sinh tự phấn đấu đạt được những điều tốt đẹp mà chúng mong muốn”.
Điều đó khiến thầy đau lòng khi thấy nhiều học sinh bỏ học, nghỉ học mà không có sự quan tâm đúng mức của gia đình, cộng đồng khi tuổi các em còn quá nhỏ, suy nghĩ còn ngây thơ.
Một trong những sáng tạo quan trọng của Tiến sĩ Tùng Lâm góp phần đổi mới nền giáo dục nói chung và kiến tạo nên môi trường giáo dục hiệu quả tại Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng nói riêng là tập trung giáo dục nhân cách mỗi đứa trẻ từ những giá trị văn hóa tốt đẹp.
Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng là một trong hai ngôi trường dân lập đầu tiên trên mảnh đất Thủ đô vào những năm 1989 với mô hình giáo dục đặc biệt khơi mở tiềm năng sẵn có, giúp các em tự nhận thức được giá trị của bản thân, từ đó chủ động dẫn dắt cuộc đời của chính mình.
Trên cơ sở đó, ông đề cao 5 nguyên tắc ứng xử: Trước tiên các lực lượng giáo dục phải chấp nhận những mặt riêng có của mỗi học sinh cả măt mạnh và cả điểm yếu kém để giúp đỡ các em biết cách điều chỉnh. Thứ hai, là phải khách quan trong việc nhìn nhận đánh giá mặt mạnh và thiếu sót của học sinh. Đây vừa là cái tâm của người thầy vừa là phương pháp sư phạm khoa học. Thứ ba, là giúp học sinh biết cái lợi cái hại của mỗi hành vi ứng xử để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực chung xã hội. Thứ tư, là các lực lượng giáo dục phải giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể cộng đồng. Sau cùng là nhà giáo dục phải biết gieo nhu cầu và tổ chức cho học sinh thực hiện dần các yêu cầu giáo dục bằng cách tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện một cách chặt chẽ và nghiêm túc thông qua hình thức tự đánh giá.
Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường mà ông đưa ra không chỉ nhằm tạo lập cho học sinh những thói quen ứng xử tự ‘học sinh Đinh Tiên Hoàng “ Tự học, sáng tạo, biết sống tự chủ, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm”. Mỗi học kỳ các thầy cô, các bậc phụ huynh còn giúp học sinh biết cách đánh giá khách quan hơn, toàn diện hơn trong mọi hoạt động học tập rèn luyện của mình.
Bên cạnh việc đào tạo kiến thức, ông cũng chú trọng đến việc xây dựng các chương trình giáo dục “Giá trị sống”, “Kỹ năng sống” giúp học sinh hình thành những kỹ năng cần thiết của mỗi con người như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đặt mục tiêu, kỹ năng ra quyết định….
Năm học 2004 - 2005, ông đã có một quyết định mạnh dạn quản lý giáo dục theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2000 mà trong cả nước mới có vài trường trung học phổ thông áp dụng. Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng là trường đầu tiên thành lập văn phòng Tâm lý học đường trong các trường trung học phổ thông Hà Nội (năm 2001) để chăm lo sức khỏe tinh thần và hướng nghiệp cho học sinh.
Dưới sự dẫn dắt của ông, trong suốt gần 35 năm qua trường Đinh Tiên Hoàng không sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước nhưng vẫn tồn tại và phát triển đạt nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Ông từng bước xây dựng, hoàn thiện nhà trường, chương trình học phù hợp cho học trò. Nhiều năm qua đi, ông đã trở thành ngọn lửa soi đường, tiếp sức cho nhiều thế hệ học trò vượt qua những khó khăn của bản thân và gia đình, từng bước đi lên trong cuộc sống.
Có thể nói toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển nhà trường gắn với tâm huyết và tài năng sáng tạo, đổi mới liên tục của ông dựa trên hoàn cảnh thực tế của nhà trường và xã hội.
Những bước thử thách, thăng trầm nghiệt ngã nhất qua đi, dù ở cương vị một người quản lý hay một nhà sư phạm… ông vẫn luôn làm tròn trách nhiệm trên mọi vị trí công tác. Hình ảnh Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm trong tâm trí nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp luôn là người thầy kính yêu, là niềm tin vững chắc cho sự nghiệp phát triển của mỗi người.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm đã đóng góp cho nền khoa học giáo dục nhiều đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, cụ thể:
Đã công bố 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và thành phố, tham gia nghiên cứu xuất bản 5 sách chuyên khảo về giáo dục, hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế, hướng dẫn thành công 1 học viên thạc sĩ, bồi dưỡng 2 giáo viên giỏi.
Đã chỉ đạo Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội tham gia xây dựng các đề án cho “Ngày sáng tạo Việt Nam” và đạt giải, đề án “Vì một cộng đồng không có HIV/ AIDS” và đề án “Xây dựng mô hình giám sát cộng đồng trường học”.
Ông được bầu làm Ủy viên Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (khóa 2011 – 2016); Được mời tham gia tổ tư vấn cho Ủy Ban quốc gia giáo dục và đổi mới nguồn nhân lực (2016 – 2021).
Ông thường xuyên được mời tham gia phản biện cho những đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục, những chủ trương chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Đảng, Nhà nước về giáo dục cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Ủy Ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Hà Nội; Và với những đóng góp không ngừng nghỉ trên nhiều vị trí quản lý, công tác quan trọng, ông vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba (2001); Nhà giáo ưu tú (2010) và danh hiệu là Công dân ưu tú thủ đô (2015).
Và mới đây ông được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tôn vinh danh hiệu Trí thức tiêu biểu năm 2022.