Gặp gỡ, tri ân và tiếp bước lý tưởng cách mạng tại Nhật Bản
Ngày 15/5, tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại thành phố Mimasaka, tỉnh Okayama, nơi vinh dự được đặt tượng 'Hồ Chí Minh đọc báo' - bức tượng đầu tiên của Bác Hồ kính yêu tại Nhật Bản, đã diễn ra Hội thảo '135 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Di sản, Đoàn kết và Khát vọng Việt Nam mới'.
Đây là sự kiện quan trọng do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Fukuoka phối hợp cùng chính quyền thành phố Mimasaka tổ chức nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và lý tưởng cách mạng.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Phạm Tuân/PV TTXVN tại Nhật Bản
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, tham dự Hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka Ngô Trịnh Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Chi Mai cùng các cán bộ, đảng viên thuộc các chi bộ Đảng tại Nhật Bản, đại diện các chi Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, lưu học sinh, người lao động Việt Nam tiêu biểu tại Nhật Bản. Về phía chính quyền địa phương, có ông Hagiwara Seiji, Thị trưởng Mimasaka, cùng các cán bộ chính quyền thành phố và người dân Nhật Bản yêu mến Hồ Chủ tịch.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh Hội thảo là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già của dân tộc, Lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho rằng trong số những giá trị di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề thực hiện sự đoàn kết, hợp tác quốc tế có ý nghĩa sâu sắc đối với công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ hiện nay. Thực hiện di nguyện của Người, toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng trên toàn thế giới.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đạt được những thành tựu vĩ đại có ý nghĩa lịch sử, tạo được cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Hòa cùng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm trọng thể 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội thảo là hoạt động tưởng nhớ, tri ân công lao trời biển và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc Việt Nam; khơi dậy ý chí, tinh thần quyết tâm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có cán bộ, đảng viên các cơ quan đại diện và kiều bào đang sinh sống, học tập, công tác ở Nhật Bản thực hiện thành công ước nguyện cao cả của Người.
Bày tỏ cảm xúc khi được chọn là địa phương đăng cai tổ chức buổi Hội thảo quan trọng này, ông Hagiwara Seiji, Thị trưởng Mimasaka, cho biết chính quyền thành phố cảm thấy vinh dự khi là địa điểm thứ 18 trên thế giới được Chính phủ Việt Nam trao tặng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ đó, Mimasaka đã đón tiếp đông đảo người dân Việt Nam và Nhật Bản đến tham quan, trở thành biểu tượng sinh động cho mối quan hệ hữu nghị ngày càng phát triển giữa hai nước. Ông nhấn mạnh việc được lựa chọn tổ chức Hội thảo nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh càng làm tăng thêm ý nghĩa và niềm tự hào của địa phương.
Tham gia Hội thảo có các tham luận của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản, Hội người Việt Nam tại Nhật Bản và Hội hữu nghị Nhật Bản Việt Nam với nhiều chủ đề khác nhau.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka Ngô Trịnh Hà trình bày tham luận. Ảnh: Phạm Tuân/PV TTXVN tại Nhật Bản
Với chủ đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh: Di sản tinh thần vĩ đại soi đường cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka Ngô Trịnh Hà khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam một kho tàng tư tưởng đồ sộ và sâu sắc, phản ánh toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội: từ chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục đến ngoại giao. Tư tưởng của Người là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ánh sáng soi đường cho mỗi người dân Việt Nam trên hành trình dựng xây và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, việc vận dụng và phát huy Tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - trong đó có cộng đồng tại Nhật Bản - Tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, thúc đẩy tinh thần yêu nước, trách nhiệm với quê hương.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Chi Mai phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Tuân/PV TTXVN tại Nhật Bản
Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Khát vọng phát triển Việt Nam - Tiếp bước lý tưởng Hồ Chí Minh trên hành trình hội nhập và đổi mới”, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Chi Mai cho rằng, tư tưởng phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ qua các nội dung: Xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; Kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; trọng dụng nhân tài, phát triển con người toàn diện; gắn kết chặt chẽ giữa đạo đức và năng lực trong đội ngũ cán bộ. Khi Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với thế giới, khát vọng trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 là tiếp nối lý tưởng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phải được cụ thể hóa bằng hành động ngay từ hôm nay là “một thái độ tích cực, một việc làm tử tế, một ý tưởng đóng góp và một tinh thần vượt khó”.
Đại diện cho người dân Nhật Bản yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Ino Hirotoshi, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam đánh giá cao đóng góp của Người đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, là nhân tố then chốt đưa cuộc kháng chiến chống xâm lược nước ngoài đi đến thắng lợi cuối cùng. Ông Hirotoshi đã chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về ý chí và quyết tâm của người Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh trong dịp đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào tháng 1/1979. Ông bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Nhật-Việt sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Trong tham luận của mình tại Hội thảo, Giáo sư Trần Đăng Xuân, giảng viên Đại học Hiroshima, Chủ tịch Hội người Việt tại miền Nam Trung Nhật Bản đã tập trung làm rõ nội dung “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng người Việt ở nước ngoài”. Giáo sư Xuân đã kể lại câu chuyện của một cựu lính Nhật từng tham gia chiến tranh ở Đông Dương về kỷ niệm nói chuyện với một cụ già (khi đó chưa biết là Chủ tịch Hồ Chí Minh) bằng “bút đàm” do cả hai đều không hiểu ngôn ngữ có nhau, nhưng cùng biết chữ Hán. Câu chuyện xúc động về cách Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm hóa người lính Nhật đó bằng tình cảm chân thành, bằng kiến thức sâu rộng về tình hình thế giới, khu vực. Câu chuyện đã gợi ý cho những người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản về tinh thần đại đoàn kết không giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Tư tưởng và tấm gương của Người tiếp tục là điểm tựa tinh thần vững chắc cho chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày nay, đặc biệt là trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Tuân/PV TTXVN tại Nhật Bản
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Đại sứ Phạm Quang Hiệu đánh giá cao chất lượng các bài tham luận, vừa mang tính lịch sử vừa mang tính thời đại. Đồng thời nhấn mạnh, với hơn 600.000 người Việt Nam đang học tập, lao động và sinh sống tại Nhật Bản, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, cộng đồng người Việt Nam cần luôn phấn đấu gìn giữ và phát huy niềm tự hào dân tộc Việt Nam, vận dụng nguồn tri thức, trí tuệ và sức sáng tạo lao động Việt Nam trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như vun đắp cho tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Trước đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã dâng hương, bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Không gian Việt Nam - Hồ Chí Minh, thuộc khuôn viên Trung tâm văn hóa Việt Nam tại thành phố Mimasaka.