Có chính sách để động viên chiến sĩ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Đại biểu đề xuất cần có các chính sách ưu việt hơn đối với những chiến sĩ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc để khích lệ, động viên, khuyến khích.
Chiều 15-5, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) khẳng định việc cử các sĩ quan (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Điều này cũng thể hiện danh dự lớn của đất nước; mỗi cán bộ, chiến sĩ được cử đi đã mang trên mình màu cờ sắc áo để thực hiện nhiệm vụ tại những nơi khó khăn nhất của thế giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Minh Đức. Ảnh: QUANG PHÚC
“Những cán bộ, chiến sĩ ấy xứng đáng được hưởng cơ chế, chính sách cùng các quy định pháp luật đầy đủ để họ yên tâm làm nhiệm vụ” – ông Đức nói và nhấn mạnh khi lực lượng này quay trở về phải tiếp tục được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) cho biết khi tham gia lực lượng này, các cán bộ, chiến sĩ sẽ có điều kiện để học tập, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia khác. Thông qua việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cũng giúp các cơ quan chức năng của Việt Nam có đánh giá, nhận định phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện phương châm bảo vệ tổ quốc từ sớm từ xa; đồng thời tạo điều kiện để phát triển lực lượng của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Ông Hoàng cũng đề nghị Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến chế độ, chính sách đãi ngộ với những cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng này.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk). Ảnh: QH
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) nêu thực tế có những sĩ quan thực hiện nhiệm vụ hy sinh tại chiến trường hay bị bệnh tật trong thời gian tham gia hoạt động, hoặc sau khi trở về bị ảnh hưởng của môi trường làm việc khắc nghiệt bị nhiễm bệnh tật.
Từ đó, bà Xuân đề nghị bổ sung thêm quy định, chế độ chính sách đối với những cá nhân bị ảnh hưởng sức khỏe sau khi thực hiện xong nhiệm vụ. Đồng thời, đề xuất chính sách ưu việt, ưu tiên hơn đối với những chiến sĩ nữ tham gia để khích lệ, động viên, khuyến khích.
Đại biểu Lê Văn Khảm (đoàn Bình Dương) cho rằng quy định về chế độ, chính sách với những cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại dự luật chưa thực sự nổi trội nên cần được quan tâm bổ sung.
Theo ông, thực tế, một số cán bộ sau một nhiệm kỳ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở khu vực châu Phi trở về nước đã bị suy giảm sức khỏe không thể phục hồi được.

Trung tướng Lê Quang Đạo (đoàn Phú Yên). Ảnh: QH
Trung tướng Lê Quang Đạo (đoàn Phú Yên) cho rằng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi được thông qua sẽ tạo nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc, lan tỏa tinh thần trách nhiệm quốc tế sâu rộng của Việt Nam; khơi dậy niềm tự hào dân tộc và phát huy vai trò tiên phong của Việt nam trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Mặc dù mới thành lập, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong môi trường thực hiện nhiệm vụ quốc tế xa Tổ quốc nhưng những người lính mũ nồi xanh Việt Nam đã xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người dân cũng như chính quyền địa phương, tạo được nhiều thiện cảm, sự tin yêu của họ thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp cải thiện đời sống người dân.
Vị Trung tướng cũng khẳng định trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, cạnh tranh địa chính trị và xung đột gia tăng, sự hiện diện của bộ đội Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là hình ảnh sống động về một quốc gia có trách nhiệm, yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng đóng góp vì mục đích chung của nhân loại. Điều đó cũng nâng cao uy tín, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong các diễn đàn đa phương.
Sau 11 năm chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đến nay Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại các phái bộ của Liên hợp quốc.
Đến nay Việt Nam đã cử 5 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2, luân phiên tham gia Phái bộ Nam Sudan với 63 quân nhân/lượt. Khám, chữa bệnh cho gần 2.000 lượt người/năm; phẫu thuật cấp cứu thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, không để xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng nào.
Đã cử 3 lượt Đội Công binh với 184 quân nhân/lượt, có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng Phái bộ, sửa chữa đường xá, sân bay, các công trình an sinh cho người dân.
Ngoài ra, còn có hàng chục sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam đã làm việc tại các Phái bộ Nam Sudan, Trung Phi và trụ sở Liên hợp quốc được đánh giá lực lượng làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, có tinh thần hợp tác cao.