'Gặp gỡ' truyền thống và hiện đại cùng Bùi Thanh Tâm

Có thể thấy các tác phẩm của Bùi Thanh Tâm mang chất đương đại (contemporary) rất đậm nét, gắn kết dòng chảy của thời gian từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, để tạo ra những 'chân trời chờ đợi'.

Sinh ra và lớn lên ở đồng bằng Bắc bộ, Bùi Thanh Tâm có một sự dung dưỡng tự nhiên với những loại hình nghệ thuật dân gian từ mỹ thuật như tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống cho tới diễn xướng như tuồng, chèo, quan họ và múa rối nước. Có lẽ, sự thừa hưởng các yếu tố truyền thống được nghệ sĩ sử dụng nhuần nhuyễn, đưa vào tác phẩm như phần thông điệp bối cảnh không thể thiếu, trước những biến đổi đương đại của xã hội ngày nay.

Sáu triển lãm cá nhân trong suốt hơn 10 năm, từ Việt Nam vươn ra Hồng Kông, Mỹ và châu Âu, Bùi Thanh Tâm là một trong những nghệ sĩ đại diện của nền nghệ thuật đương đại, mang câu chuyện ngày xưa hòa vào tính thời sự với những giá trị nhân văn, mỹ học song song tồn tại.

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm. Ảnh" Robb Report Vietnam

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm. Ảnh" Robb Report Vietnam

Gặp gỡ (Encounter) là triển lãm tranh cá nhân nhìn lại chặng đường sáng tác nghệ thuật của Bùi Thanh Tâm từ năm 2009 đến 2023. Trong triển lãm trưng bày những tác phẩm điểm lại từng giai đoạn nghệ thuật, với các phẩm từ các bộ tranh Monalisa, Những kẻ điên, Chân dung những cô gái Việt, Thiên đường bỏ ta đi... và cả bộ mới nhất Adam Eva - Con Rồng cháu Tiên, được thể hiện trên nhiều chất liệu gồm như sơn dầu, tổng hợp (Mix media)... trong 10 năm sáng tác của Bùi Thanh Tâm.

Đặc biệt, trong triển lãm lần này, họa sĩ cũng cho ra mắt series mới – “Adam Eva” và “Con Rồng cháu Tiên” được lấy ý tưởng về sự khởi sinh nguồn gốc của loài người, với chất liệu tổng hợp, sử dụng tranh dân gian làng Sình cùng với tranh Đông Hồ, Kim Hoàng và Hàng Trống.

Tranh dân gian làng Sình là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế nhằm mục đích cúng lễ, và khác với các dòng tranh khác, sau khi phục vụ thờ cúng xong sẽ đốt, thả sông cho ông bà, tổ tiên.

Tác phẩm Con Rồng cháu Tiên (2023), chất liệu tổng hợp, 300 x 300 x 300 cm.

Tác phẩm Cõi nhân gian I (2019), chất liệu Tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, vàng lá, bạc lá, acrylic trên toan_ kích thước 180x375 cm.

Bùi Thanh Tâm chia sẻ về triển lãm của mình: “Hơn 10 năm từ khi tác phẩm còn ngây ngô hồn nhiên cho đến những sáng tạo của giai đoạn hiện tại, tôi tin rằng là một nghệ sĩ tôi có trách nhiệm phải là người tiên phong, chia sẻ những những cảm hứng thú vị của niềm đam mê nghệ thuật.

Bằng cách lan tỏa ý nghĩa của tình yêu, thứ mà theo tôi luôn giúp cho chúng ta vượt qua mọi nỗi đau, hàn gắn những vết thương của chiến tranh, thiên tai dịch bệnh, giúp cho chúng ta tồn tại cho đến ngày nay và mai sau.

Trong thế giới riêng biệt ấy, tất cả những gì đẹp, rung cảm, điên rồ nhất đều được tôi tạo lên. Tôi thường không tuân thủ theo bất cứ một nguyên tắc thông thường đã từng có trong các giai đoạn lịch sử nghệ thuật. Tôi luôn thích sự phá vỡ nguyên tắc của các thế hệ đi trước bằng việc cho phép mình chọn cái mới. Tạo ra một định dạng mới mang tính bước ngoặt lịch sử.

Đó là những thứ đẹp đẽ nhất, ý nghĩa nhất mà tôi mong muốn. Nó luôn làm tôi được thỏa mãn trong những đòi hỏi mãnh liệt từ trong sâu thẳm bản thân mình và tôi biết, tôi sẽ còn làm như vậy cho đến khi con tim tôi ngừng lại...”.

Tác phẩm Chân dung những cô gái Việt VI (2015), tranh sơn dầu trên canvas, 120 x 120 cm.

Tác phẩm Tình yêu thời hiện đại - Modern love (2015), chất liệu Sơn dầu trên toan, kích thước 150 x 200cm.

Đánh giá về các tác phẩm của nghệ sĩ Bùi Thanh Tâm, giám tuyển Đỗ Tường Linh cho biết: “Với mong muốn đối diện với những câu hỏi lớn của lịch sử và nhân loại, Tâm quay lại những hình tượng khởi thủy từ thuở ban đầu như câu chuyện của Adam - Eva hay Lạc Long Quân - Âu Cơ. Hai biểu tượng mang tính truyền thuyết về sự khởi sinh của con người từ góc nhìn Kinh thánh của phương Tây và từ góc nhìn dân gian của người Việt Cổ.

Trên nền những nhân vật tượng trưng như những linh vật, con người của tranh dân gian Đông Hồ hay Hàng Trống, Adam - Eva hay Lạc Long Quân - Âu Cơ - biểu tượng hai cơ thể nam giới và nữ giới được khởi sinh hay tan biến vào cõi vô tri. Sự đối nghịch của những biểu tượng này mang một sự ngạo nghễ và thách thức tạo nên những xung đột của những giá trị cổ điển và hiện đại.

Có lẽ đây cũng chính là một minh họa toàn cảnh cho xã hội đầy những mâu thuẫn trong thế giới ngày nay. Biểu tượng quả trứng gợi nhớ đến tích chuyện Trăm trứng đẻ trăm con và là biểu tượng của sự khởi sinh: mầm sống hay cái hố đen lớn của vũ trụ sau vụ nổ Big Bang. Sự khởi sinh này tuy vậy cũng tồn tại nhị nguyên với chính sự hủy diệt hay tàn lụi.

Từ các biểu tượng, hình thức hay chất liệu sáng tác, Adam Eva và Con Rồng cháu Tiên là một cuộc gặp gỡ của truyền thống và hiện đại, của di sản và tương lai”.

Không gian triển lãm Gặp gỡ của Bùi Thanh Tâm.

Có thể thấy các tác phẩm của Bùi Thanh Tâm mang chất đương đại (contemporary) rất đậm nét, gắn kết dòng chảy của thời gian từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, để tạo ra những “chân trời chờ đợi”. Tác phẩm của anh được thực hiện rất kỹ lưỡng, công phu đến tỉ mỉ từng chi tiết và chính quá trình tạo ra tác phẩm quan trọng không kém tác phẩm.

Triển lãm Gặp gỡ sẽ diễn ra đến hết ngày 30.9 tại Gate Gate Gallery – 55 Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội).

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm sinh năm 1979, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2009.

Triển lãm Gặp gỡ cũng đánh dấu sự ra mắt của Gate Gate Gallery – không gian nghệ thuật đương đại mới nhất tại Hà Nội. Gate Gate Gallery hướng đến một không gian mở, nơi giới thiệu đến công chúng những tác phẩm/kiệt tác nghệ thuật đã được tuyển chọn bởi giám tuyển, nơi trao đổi đối thoại, định hướng tới những nhà sưu tập nghệ thuật có trách nhiệm, và đặc biệt, trở thành một phần không thể thiếu của hệ sinh thái nghệ thuật – thúc đẩy nghệ thuật Việt Nam đương đại tới các mối hợp tác quốc tế.

Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gap-go-truyen-thong-va-hien-dai-cung-bui-thanh-tam-40680.html