Gặp khó khăn trong triển khai Nghị định 116, Lạng Sơn có kiến nghị, đề xuất
Kinh phí hỗ trợ đến người học cơ bản là kịp thời, tuy nhiên còn phụ thuộc vào sự phối hợp giữa nhà trường, sinh viên và đơn vị giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được triển khai từ năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm vẫn gặp khó khăn như có nơi sinh viên chưa nhận được tiền hỗ trợ, có trường chưa nhận được hợp đồng “đặt hàng” nào từ phía địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã có những chia sẻ, thông tin về thực tế triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.
Nguồn tuyển dụng của địa phương có cả sinh viên đã tốt nghiệp nhiều năm trước
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn, cho biết: "Hiện tại, địa phương có Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đang thực hiện đào tạo sinh viên ngành Giáo dục Mầm non.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cho Nhà trường thực hiện đào tạo sinh viên sư phạm Mầm non theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP hằng năm. Việc giao nhiệm vụ đào tạo sinh viên hệ cao đẳng Sư phạm Mầm non trên cơ sở số lượng, kết quả tuyển sinh của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
Nguồn tuyển dụng luôn gắn liền với nguồn tuyển sinh tại địa phương. Tuy nhiên, nguồn tuyển dụng của địa phương không chỉ là khóa sinh viên tốt nghiệp trong năm đó mà còn cả những sinh viên đã tốt nghiệp ở nhiều năm trước, của nhiều cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước".
Trước đó, căn cứ Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; Công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH ngày 11/5/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên quan. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn nghiêm túc triển khai thực hiện theo các văn bản hướng dẫn.
"Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên; xác định nhu cầu tuyển dụng, sử dụng đến năm 2025 làm căn cứ xác định nhu cầu đào tạo theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho hay.
Trong năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn và đặt hàng đào tạo với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên. Năm 2022, đang dự kiến giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, đặt hàng với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Trả đầy đủ kinh phí hỗ trợ đào tạo sinh viên sư phạm theo quy định
Được biết, năm học 2021-2022, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chi trả đầy đủ kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP cho các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ, đặt hàng.
"Tại mục a, Khoản 2, Điều 5 của Nghị định 116/2020/NĐ-CP:
2. Chi trả kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước:
a) Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành;
Theo quy định này, kinh phí đào tạo giáo viên do địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng lấy từ nguồn ngân sách địa phương trên cơ sở cân đối thu chi ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Nguồn kinh phí này địa phương hoàn toàn tự quyết định, không phải chờ ngân sách Trung ương. Kinh phí hỗ trợ đến người học cơ bản kịp thời. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào sự phối hợp giữa nhà trường, sinh viên và đơn vị giao nhiệm vụ, đặt hàng", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Cũng theo Giám đốc Sở, thực hiện văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát đội ngũ giáo viên các cấp học ở 11 huyện, thành phố và 40 đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, có dự báo số lượng lớp của học sinh từ năm học 2021-2022 đến năm học 2024-2025 ở từng cấp học và nhu cầu giáo viên theo định mức. Dự báo số lượng giáo viên nghỉ hưu giai đoạn 2021-2025, số lượng giáo viên tinh giản biên chế giai đoạn 2021-2025, dự báo số lượng tuyển dụng giai đoạn 2021-2025. Từ đó, báo cáo số lượng về nhu cầu đào tạo giáo viên, đề xuất nhu cầu đào tạo theo giai đoạn cụ thể đối với từng chuyên ngành phù hợp với thực trạng cơ cấu giáo viên, nguồn tuyển hiện nay của địa phương để triển khai thực hiện Nghị định 116 gắn với công tác chuẩn bị đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có những phương án tuyển dụng đối với số sinh viên này sau khi tốt nghiệp ra trường theo các chuyên ngành đã đăng ký đào tạo.
Sẽ ra Quyết định thu hồi kinh phí hỗ trợ với sinh viên sư phạm không giữ cam kết
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2021, tỉnh Lạng Sơn giao nhiệm vụ, đặt hàng 40 chỉ tiêu sinh viên sư phạm.
Cụ thể, giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn: 20 chỉ tiêu sinh viên ngành Giáo dục Mầm non;
Đặt hàng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên: 20 chỉ tiêu sinh viên các ngành: Giáo dục Tiểu học (12 chỉ tiêu), sư phạm Tin học (3 chỉ tiêu), sư phạm Tiếng Anh (2 chỉ tiêu), sư phạm Công nghệ (3 chỉ tiêu).
Trong năm 2022, dự kiến giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo 140 chỉ tiêu. Gồm: Giáo dục Mầm non (50 chỉ tiêu), Giáo dục Tiểu học (50 chỉ tiêu), sư phạm Khoa học tự nhiên (10 chỉ tiêu), sư phạm Lịch sử (10 chỉ tiêu), sư phạm Tiếng Anh (6 chỉ tiêu), sư phạm Toán (3 chỉ tiêu), sư phạm Vật lý (3 chỉ tiêu), sư phạm Hóa học (3 chỉ tiêu), sư phạm Tin học (5 chỉ tiêu).
"Trong quá trình triển khai, trên cơ sở phối hợp với các cơ sở đào tạo, tiến hành cho sinh viên nghiên cứu quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 116, làm đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt. Mặt khác, khi đặt hàng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai tiêu chí [1] lựa chọn sinh viên thực hiện chế độ theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, có tiêu chí bắt buộc là “Sinh viên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lạng Sơn (chỉ xét sinh viên không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lạng Sơn trong trường hợp còn số lượng chỉ tiêu đặt hàng”.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng để sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên là con em của địa phương về địa phương công tác. Tuy nhiên, việc sinh viên thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng của địa phương sau khi tốt nghiệp có tự giác trở về công tác tại địa phương hay không, phần lớn phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm, mong muốn của cá nhân
Đối với các sinh viên không giữ cam kết, căn cứ theo Khoản 1 Điều 6, Nghị định 116/2020/NĐ-CP thì:
“1. Đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm:
a) Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp;
b) Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
c) Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học”.
Như vậy, nếu sinh viên không giữ cam kết hoặc rơi vào các trường hợp theo quy định nêu trên, thì Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định thu hồi kinh phí hỗ trợ", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn thông tin.
Một số vướng mắc và 3 kiến nghị ngành giáo dục điều chỉnh
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: chủ trương thu hẹp các trường và các ngành đào tạo giáo viên. Trong những năm tới, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn triển khai đánh giá thực trạng, xây dựng lộ trình, tạo bước chuyển mạnh mẽ để phát triển Nhà trường theo hướng đa ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong quá trình thực hiện Nghị định 116, tỉnh Lạng Sơn bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với phối hợp giữa các sở, ngành địa phương liên quan, để Nghị định 116 tiếp tục triển khai hiệu quả, chặt chẽ, sau quá trình đánh giá, xem xét từ thực tế, tỉnh Lạng Sơn đề xuất như sau:
Một là, quan tâm cấp ngân sách triển khai giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên năm 2022 và những năm tiếp theo để thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP cho địa phương do ngân sách còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Hai là, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, có những định hướng, hướng dẫn chính sách tuyển dụng cho địa phương đối với các đối tượng sinh viên đăng ký hưởng chính sách theo Nghị định 116.
Cụ thể, về vấn đề tuyển dụng sinh viên đăng ký hưởng chính sách theo Nghị định 116 sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, chưa có cơ chế đặc thù dành riêng cho đối tượng sinh viên đào tạo theo Nghị định 116 sau khi tốt nghiệp mà vẫn thực hiện theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức.
"Điều này nghĩa là, với những sinh viên được đào tạo theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng theo Nghị định 116, các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Theo đó, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu để có những định hướng, hướng dẫn chính sách tuyển dụng cho địa phương đối với các đối tượng này", lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Ba là, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có những hướng dẫn cụ thể cho địa phương về việc trường hợp sinh viên dự tuyển 2 năm liên tục đều không trúng tuyển có áp dụng quy định bồi hoàn hay không.
Một trong các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ là "sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp". Trong khi đó, việc tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên thực hiện quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức. Nghị định 116 chưa đề cập đến trường hợp sinh viên dự tuyển 2 năm liên tục đều không trúng tuyển có áp dụng quy định bồi hoàn hay không. Do vậy, kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn là ngành giáo dục sớm có hướng dẫn cụ thể về vấn đề trên.
Căn cứ Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Thực hiện Công văn số 1289/UBND-KGVX ngày 10/9/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc đăng ký nhu cầu đào tạo giáo viên năm 2021 theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đề nghị sinh viên tham gia đăng ký đề nghị hưởng hỗ trợ học phí sinh hoạt theo đặt hàng, giao nhiệm vụ của tỉnh Lạng Sơn quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP, và hướng dẫn sinh viên thực hiện các thủ tục liên quan. Trong đó, quy định các tiêu chí xét chọn sinh viên cụ thể như sau:
Tiêu chí bắt buộc:
- Tiêu chí 1: Sinh viên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lạng Sơn (chỉ xét sinh viên không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lạng Sơn trong trường hợp còn số lượng chỉ tiêu đặt hàng).
- Tiêu chí 2: Sinh viên được xét theo thứ tự điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp căn cứ vào kết quả tuyển sinh (số lượng xét chọn theo tỉ lệ các phương thức tuyển sinh cho đến khi đủ chỉ tiêu đặt hàng).
- Tiêu chí 3: Kết quả học tập 03 năm trung học phổ thông đạt học lực và hạnh kiểm khá trở lên.
- Tiêu chí 4: Có đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt (theo Phụ lục đính kèm của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP); cam kết tốt nghiệp đạt loại khá trở lên.
Tiêu chí phụ:
Trường hợp thí sinh cùng điểm xét chọn theo kết quả tuyển sinh thì ưu tiên xét chọn:
- Tiêu chí 1: Sinh viên có kết quả 03 năm trung học phổ thông đạt loại giỏi nhiều hơn hoặc có điểm số trung bình cộng 03 năm trung học phổ thông cao hơn.
- Tiêu chí 2: Sinh viên thuộc diện gia đình chính sách hoặc hộ nghèo, cận nghèo (có xác nhận của chính quyền địa phương).