Gặp khó trong việc kêu gọi đầu tư, nâng cấp chợ huyện

Theo phản ánh của tiểu thương và Ban quản lý chợ Dương Minh Châu, công trình này đã đưa vào hoạt động hơn 40 năm, đến nay xuống cấp nghiêm trọng, mưa đến là ngập nước, khu nhà lồng cũng không còn phù hợp với tình hình thực tế nên gần như không có ai kinh doanh ở bên trong.

Dù hạ tầng cơ sở chợ Dương Minh Châu xuống cấp nghiêm trọng nhưng Ban quản lý chợ và các tiểu thương vẫn ý thức bảo đảm công tác vệ sinh môi trường tại chợ.

Dù hạ tầng cơ sở chợ Dương Minh Châu xuống cấp nghiêm trọng nhưng Ban quản lý chợ và các tiểu thương vẫn ý thức bảo đảm công tác vệ sinh môi trường tại chợ.

Dù đã xuống cấp, nhưng điều đáng biểu dương là công tác vệ sinh môi trường luôn được Ban quản lý và tiểu thương thực hiện tốt. Vào chợ những lúc trời không mưa, quang cảnh rất vệ sinh, thoáng đãng không có cảnh nước tù đọng như một nơi khác.

Bà Thái Thị Chuyên- tiểu thương kinh doanh tại chợ Dương Minh Châu cho biết, chỉ sợ lúc trời mưa, nước mênh mông. Dọn vào nhà lồng thì buôn bán ế ẩm vì chẳng ai vào mua nên hầu hết tiểu thương tại đây đành chấp nhận “sống chung với lũ”.

Tiểu thương Nguyễn Thị Liễu cho biết, trước đây bà kinh doanh trong nhà lồng, nhưng không hiệu quả nên thuê ki-ốt bên ngoài, buôn bán thuận lợi hơn, chỉ khổ lúc trời mưa, nước lắp xắp lên đến bậc thềm.

Theo ông Vũ Công Đoàn- Trưởng BQL chợ Dương Minh Châu, vì được xây dựng cách nay hơn 40 năm, hạ tầng chợ đã xuống cấp, nhất là hệ thống thoát nước, hễ mưa là ngập. Ông Đoàn mong muốn huyện sớm có dự án nâng cấp hoặc xây dựng mới, tạo điều kiện thuận lợi để tiểu thương và người dân kinh doanh.

Theo UBND huyện, chợ Dương Minh Châu có tổng diện tích 10.200m2, 262 điểm kinh doanh, hiện đang xuống cấp trầm trọng. Hệ thống điện chằng chịt, các ki-ốt hư hỏng, hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn, mái nhà lồng bị gỉ, sét, thấm dột… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, đời sống của các tiểu thương.

Để tiểu thương an tâm mua, bán, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND Thị trấn và các cơ quan hữu quan thường xuyên tuyên truyền cho các tiểu thương trong chợ về việc bảo đảm vệ sinh, tránh tình trạng vứt, rơi vãi rác làm ứ đọng mương thoát nước, tắc nghẽn dòng chảy; thay thế các thiết bị sử dụng điện bảo đảm an toàn, tránh chập cháy điện, đồng thời chỉ đạo phòng, ban chuyên môn thực hiện công tác thu, gom, vận chuyển rác thải thường xuyên, tránh ùn ứ rác, khơi thông dòng chảy mương thoát nước trong chợ, gia cố lại các công trình phụ trợ…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 về “Đầu tư xây dựng trung tâm thương mại - chợ huyện”, UBND huyện phối hợp với sở, ngành tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư nâng cấp, xây dựng chợ.

Năm 2017, Công ty cổ phần chợ Kiết Tường Tây Ninh có đến xin đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, qua việc khảo sát, rà soát, tính toán về lợi ích, không có tính khả thi. Do vậy, Công ty đã không thực hiện dự án nữa. Đến năm 2019, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam xin đầu tư với điều kiện huyện phải giao đất trống, đồng thời tạo quỹ đất công bố trí khu vực chợ tạm cho các tiểu thương.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 15.6.2021, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về việc kêu gọi đầu tư thực hiện dự án “Trung tâm thương mại chợ huyện Dương Minh Châu” và dự án Khu thương mại dịch vụ chợ huyện, bến xe, diện tích 6 ha, tại ngã ba Khedol. Các dự án này đã được cập nhật vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 3.2.2023.

Năm 2022, Công ty CP TV ĐTXD SX DV TM xuất nhập khẩu Đại Lộc Phúc Gia Hưng cũng đến xin đầu tư nhưng kiến nghị huyện phải có quỹ đất sạch giao cho công ty; bố trí quỹ đất để các tiểu thương bán tạm. Năm 2023, Công ty TNHH đầu tư Yên Tử đến xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng “chợ” Dương Minh Châu, không phù hợp với định hướng kêu gọi đầu tư của huyện.

UBND huyện Dương Minh Châu cho biết thêm, khó khăn trong quá trình kêu gọi đầu tư xây dựng chợ là hầu hết các doanh nghiệp đều đề nghị UBND huyện thực hiện thủ tục thu hồi đất giao quỹ đất sạch và có quỹ đất để bố trí tạm cho các tiểu thương mua, bán. Bên cạnh đó, hiện nay trong chợ còn 36 ki-ốt thuê 50 năm (hợp đồng còn 18 năm mới kết thúc); nhà đầu tư đưa ra giá cho thuê mặt bằng cao, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của các tiểu thương.

Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các sở, ngành tỉnh nắm quy trình, tham mưu UBND huyện công nhận hạng chợ, đồng thời đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn theo phân cấp (tập trung sửa chữa, nâng cấp chợ). Song song đó, tiếp tục kêu gọi đầu tư để thực hiện dự án Trung tâm thương mại chợ huyện và dự án Khu thương mại dịch vụ chợ huyện, bến xe.

Tấn Hưng

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/gap-kho-trong-viec-keu-goi-dau-tu-nang-cap-cho-huyen-a160952.html