Gặp lại những người hùng trong lũ

Những ngư dân ngày thường chân chất, mộc mạc ấy đã dám bước qua lời nguyền, bất chấp nguy hiểm, mang cả gia sản của mình chiến đấu với thủy thần để cứu hàng trăm, hàng nghìn đồng bào đang gặp nạn trong cơn 'đại hồng thủy'. Kết thúc trận chiến, trở về trong muôn vàn khó khăn, nhưng họ đã từ chối tất cả sự đền ơn, đáp nghĩa… nhường ân tình đó cho đồng bào lũ lụt.

Hàng nghìn người dân được cứu khỏi “lưỡi hái” của “thủy thần”

Hàng nghìn người dân được cứu khỏi “lưỡi hái” của “thủy thần”

Từ bỏ lời nguyền nghìn năm để… cứu người

Có về xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vào mùa đông mới thấu hết sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi xứ cát. Ông Phan Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh đã dùng hai tay cầm chiếc ấm rót trà mời khách nhưng nước vẫn rớt ra ngoài. Ông Liệu phân bua: “Năm nay đúng là một năm trời hành, hết nắng hạn, đến bão lũ, và nay thì rét cắt da cắt thịt. Lâu nay người ngoài vẫn nghĩ, nơi “gió Lào cát trắng” chỉ khắc nghiệt về mùa Hè, nhưng không mấy ai biết, cát cũng hấp thu cái lạnh của mùa đông, để rồi theo gió len lỏi khắp nơi để hành hạ người dân xứ cát”.

Theo ông Liệu, có lẽ vì thiên nhiên khắc nghiệt, nên những ai đã sinh ra và lớn lên trên xứ cát đều chân chất, mộc mạc, yêu thương, đùm bọc nhau, nhưng cũng không kém phần anh dũng, kiên cường. Việc người vùng cát vác thuyền từ biển vào vùng ruộng để cứu hộ người dân trong cơn “đại hồng thủy” hồi cuối tháng 10 là một minh chứng cụ thể.

“Tụi tui chỉ nghe tiếng kêu yếu ớt phát ra từ lỗ thông gió. Mấy anh em quyết định phá cửa chính để lặn vào. Khi ngoi lên phía trong nhà mới thấy rợn người. Hai vợ chồng cô Dung và 2 đứa con gái đang ngoi ngóp trong ngôi nhà bịt kín. Anh em phải cõng từng người lặn xuống để thoát ra ngoài”, anh Truyền kể

Anh Ngô Văn Truyền (37 tuổi) người đầu tiên đưa thuyền bơ nan vào cứu hộ người dân vùng lũ nhớ lại: “Hôm ấy tui đang trực ngoài hồ tôm. Triều cường cộng với sóng lớn, hồ sắp vỡ, nhưng thấy chính quyền và dân tình kêu cứu nhiều quá, nóng ruột, tôi gọi cho trưởng thôn hỏi, đưa thuyền bơ nan vào cứu hộ được không? Có cần hỏi ý kiến xã không? Trưởng thôn nói: “Không cần hỏi xã, mình làm phúc làm đức thì tự nguyện thôi. Đêm hôm thế này lãnh đạo xã không dám điều thuyền của dân đi đâu, lỡ có chuyện gì…”.

Bỏ mặc hồ tôm đang sắp bị vỡ, anh Truyền gọi điện cho anh em, bạn bè cùng nhau vác thuyền từ bờ biển vào đường cái để ô tô chở vào vùng lũ. Một số cụ già trong xóm có ý ngăn cản. Các cụ nói, những người làm nghề biển phải tuân thủ những điều kiêng kỵ của cha ông nghìn đời để lại như: Cứu người sắp đuối nước sẽ làm mất lòng Hà Bá; phụ nữ không được bước lên thuyền; rồi những chiếc bơ nan kia có thể tung hoành trên biển nhưng chưa một lần vào vùng ruộng… Nhưng anh Truyền cương quyết: “Có xui xẻo thì chỉ một mình tui chịu, chứ tui mà không đi là hàng trăm, hàng nghìn người đang gặp xui xẻo”.

Những người hùng thầm lặng

Thấy chồng cương quyết, mặc dù rất lo lắng nhưng vợ anh Truyền đành chiều theo, chuẩn bị cho anh 1 thùng mì tôm, 1 thùng nước và 30 lít dầu.“Khoảng 21 giờ ngày 18/10, tụi tui mới đến điểm hạ thuyền. Đêm tối như mực, mưa gió táp vào mặt, nước lũ đục ngầu chảy cuồn cuộn... Trong đêm tối, chưa một lần vào vùng ruộng, nhóm 5 người tụi tui cứ lần mò theo tiếng kêu cứu mà tới. Khi đi đến ngã tư thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh, bèo tây và cây cối bị nước lũ cuốn về kẹt lại dày đặc ngáng đường. Chiếc thuyền bị đám bèo vây chặt không di chuyển được. Có người bàn lùi. Cách đó không xa, ran tiếng bà con kêu cứu. Không đành lòng, tôi cho tắt máy, anh em vịn vào những ngọn cây để kéo thuyền nhích từng tí một, mất hơn 1 giờ đồng hồ mới vượt qua đám bèo”.

Anh Truyền nói, giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. Trên những nóc nhà lấp ló trong nước lũ phát ra tiếng kêu cứu khản đặc, những cách tay chới với trong tuyệt vọng. Nhóm anh Truyền lao đến dỡ ngói, cõng từng người lên thuyền đưa đến nơi an toàn. Đến 4 giờ sáng thì đói rét lả người, cả nhóm nhai mì tôm sống cầm hơi để tiếp tục. “Nhớ nhất là trường hợp cô Dung có chồng là thầy Bảy bị tàn tật ở xã Duy Ninh. Ngôi nhà đổ bằng, không có lối thoát lên trên, mà nước lúc đó đã ngập cửa chính. Tụi tui chỉ nghe tiếng kêu yếu ớt phát ra từ lỗ thông gió. Mấy anh em quyết định phá cửa chính để lặn vào. Khi ngoi lên phía trong nhà mới thấy rợn người. Hai vợ chồng cô Dung và 2 đứa con gái đang ngoi ngóp trong ngôi nhà bịt kín. Anh em phải cõng từng người lặn xuống để thoát ra ngoài” – anh Truyền kể.

Cũng như anh Truyền, nhóm của Mai Văn Tiện (27 tuổi) cũng vác thuyền qua đồi cát trong đêm vào vùng lũ cứu người khi vợ vừa mới sinh con. Kinh nghiệm sông nước từ bé, cộng với sự đào luyện trong Hải quân ở khu vực Trường Sa hơn 1 năm, Tiện cùng nhóm bạn lao vào vùng lũ bất chấp nguy hiểm, bất chấp kiêng kỵ để cứu được rất nhiều người. “Nếu không nhanh trí thì chúng em đã bị lật thuyền ở xã Tân Ninh. Lúc đó nhóm của em cứu được 15 người toàn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ đang trên đường đến trung tâm xã. Do không thuộc đường nên thuyền chúng em va vào một tường rào của nhà ai đó xây rất cao. Thuyền thủng, nước tràn vào, em xé áo nhét tạm. Nước lũ chảy cuồn cuộn, xô thuyền kê vào đỉnh hàng rào, nghiêng hẳn về một bên, nước bắt đầu tràn vào từ mạn thuyền. Em hô mọi người ngồi yên, dùng dây thừng níu lên ngọn cây để cân bằng thuyền, nổ máy vù ga và may mắn thoát ra được. Giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ run người, nếu thuyền chìm, bọn em có thể không sao, nhưng 15 con người già yếu ấy không biết sẽ như thế nào” – Tiện nhớ lại.

Cũng có mặt trong đêm 18 dữ dội ấy, Mai Xuân Phụ (27 tuổi) cùng 5 người bạn vác thuyền vào vùng lũ cứu người. Có mặt lúc 22 giờ cùng ngày. Phụ cùng nhóm bạn vật lộn với lũ dữ không màng nguy hiểm. Đến ngày thứ hai, thuyền của Phụ bị thủng, đành phải đưa về sửa chữa. Phụ tâm sự: “Nói thiệt, đến giờ em cũng không nhớ nhóm của mình đã cứu được bao nhiêu người, nhiều lắm đếm không xuể. Sau này có nhiều người gọi điện cảm ơn nhưng em cũng không hình dung được mình đã cứu họ như thế nào. Thuyền của em sửa hết 8 triệu, nhiều nhà hảo tâm muốn hỗ trợ số tiền ấy nhưng em từ chối, vì người dân vùng lũ còn khổ gấp vạn lần mình”.

Ngư dân Hải Ninh cùng nhau vác thuyền qua cát vào vùng lũ cứu người

Ngư dân Hải Ninh cùng nhau vác thuyền qua cát vào vùng lũ cứu người

Theo thống kê của xã Hải Ninh, trong trận lũ lịch sử, ngư dân Hải Ninh đã huy động 24 chiếc thuyền bơ nan vào cứu hộ và tiếp tế lương thực người dân vùng lũ. Thuyền bơ nan vào cứu hộ vùng lũ chiếc ít nhất là 2 ngày, chiếc nhiều nhất hơn 1 tuần. Nhiều chiếc thuyền bị gãy chân vịt và bị thủng nhưng ngư dân đã từ chối nhận sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, nhường phần quà ấy cho người dân vùng lũ. Ngoài ra, chị em phụ nữ Hải Ninh cũng đã nấu hơn 26.000 suất cơm để tiếp tế người dân vùng lũ. Xã Tân Ninh đang ngỏ ý kết nghĩa với xã Hải Ninh vì cảm cái ơn ngư dân Hải Ninh.

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/gap-lai-nhung-nguoi-hung-trong-lu-1792199.tpo