Gặp lại 'thế hệ vàng' điện ảnh Việt
Kể từ 18 giờ 30 ngày 29-7, Truyền hình cáp SCTV bắt đầu phát sóng kênh SCTV21 mang tên 'Việt Nam ký ức' trên hệ thống truyền hình cáp kỹ thuật số SCTV.
Một trong những điểm nhấn của kênh là khung giờ chiếu bóng (phát sóng lúc 20 giờ 30 mỗi ngày), phát lại hàng loạt phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam thập niên 1960 - 1970.
Những năm tháng gian khổ, khi đất nước còn chiến tranh triền miên, hay khi xây dựng lại đất nước trong điều kiện hậu chiến khó khăn, cũng chính là thời kỳ điện ảnh Việt cho ra đời những tác phẩm kinh điển. Phim điện ảnh thập niên 1960 - 1970 mang đậm màu sắc hoài cổ. Đó chính là hình ảnh làng quê Bắc bộ trong những năm kháng chiến, hình ảnh mái đình làng xưa, chiếc áo nâu sòng hay thân phận con người trong xã hội cũ... Thông điệp sau mỗi bộ phim để lại nhiều suy nghĩ cho người xem. Đặc biệt, nội dung phim thể hiện khát vọng, lý tưởng, đời sống tinh thần của cuộc sống đương đại.
7 bộ phim được chọn giới thiệu dịp này có thể xem là 7 đại diện tiêu biểu nhất của điện ảnh Việt thời kỳ đầu với nhiều khó khăn nhưng đủ để làm nên những dấu ấn sâu đậm, bao gồm: Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc (1961), Chị Tư Hậu của đạo diễn Phạm Kỳ Nam (1962), Con chim vành khuyên của đạo diễn Trần Vũ và Nguyễn Văn Thông (1962), Em bé Hà Nội của đạo diễn Hải Ninh (1974), Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến (1978), Mẹ vắng nhà của đạo diễn Trần Khánh Dư (1979) và Vĩ tuyến 17 ngày và đêm của đạo diễn Hải Ninh (1972).
Đặc biệt, ở thời kỳ này, song song với sự phát triển của điện ảnh miền Bắc, với những tài năng như nhà quay phim Mai Lộc, đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, diễn viên Trà Giang… nền điện ảnh bưng biền miền Nam cũng đã có những đóng góp rất lớn cho nền điện ảnh non trẻ nước nhà mà bộ phim tiêu biểu Cánh đồng hoang được giới thiệu nhân dịp này là một minh chứng.
Phim điện ảnh Việt, đặc biệt là dòng phim cách mạng trước năm 1975, không chỉ truyền tải thông điệp cuộc sống sâu sắc mà còn giới thiệu đến khán giả một thế hệ diễn viên tài năng. Trong đó, nghệ sĩ nổi bật nhất phải kể đến Tố Uyên, Trà Giang, Thế Anh, Trần Phương, Đức Hoàn, Như Quỳnh, Huy Công, Trịnh Thịnh…
Sinh ra tại Hà Nội, nghệ sĩ Tố Uyên sớm “bén duyên” với điện ảnh và thành công ngoài sức tưởng tượng với vai bé Nga trong phim Con chim vành khuyên. Tham gia đóng phim lúc mới 13 tuổi nhưng diễn xuất ấn tượng của nghệ sĩ Tố Uyên đã tạo tiền đề cho sự phát triển sự nghiệp của bà sau này. Truyện vợ chồng anh Lực, Dòng sông âm vang, Biển gọi… là những tác phẩm có sự góp mặt của diễn viên tài ba này.
Thế hệ đầu của điện ảnh Việt không thể không nhắc đến NSND Trần Phương. Người hâm mộ thường nhớ đến chàng trai A Phủ trong phim Vợ chồng A Phủ năm nào. Trần Phương được đánh giá là một trong những diễn viên kỳ cựu và tài năng của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Với ngoại hình điển trai, diễn xuất thu hút, Trần Phương đã để lại dấu ấn qua hàng loạt vai diễn như anh Khoa trong Chị Tư Hậu, Lực trong Truyện vợ chồng anh Lực, Khiêm trong Tiền tuyến gọi… Không chỉ là một diễn viên tài ba, ông còn thành công trong vai trò đạo diễn. Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng, Hy vọng cuối cùng, Săn bắt cướp… là những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của ông. Bộ phim điện ảnh chuyển thể Vợ chồng A Phủ còn giúp cố nghệ sĩ Đức Hoàn ghi lại dấu ấn khó quên với vẻ đẹp vừa sắc sảo, vừa hoang dã. Mị là vai diễn ấn tượng nhất của bà trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật. Nghệ sĩ Đức Hoàn còn tham gia những bộ phim thời chiến khác như Bình minh trên rẻo cao và Đi bước nữa.
Một đại diện tiêu biểu của thế hệ trưởng thành từ nền điện ảnh bưng biền là NSND Trà Giang. Từ Cánh đồng hoang của miệt bưng biền, tài năng của bà liên tục tỏa sáng không chỉ trong nước mà còn được quốc tế công nhận. Có thể nói, Trà Giang là một cái tên sáng giá của nền điện ảnh Việt Nam thập niên 1960 - 1970. Bà được người xem ví như “nữ hoàng” điện ảnh Việt trong những năm chiến tranh. Với nét đẹp sắc sảo, đôi mắt mạnh mẽ, nụ cười dịu dàng và lối diễn xuất tinh tế, đầy cảm xúc, Trà Giang đã thành công trong các bộ phim nổi tiếng như Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bài ca ra trận…
Điều thú vị là, với những bộ phim ở thời kỳ này, người xem dễ dàng nhận ra vẻ đẹp rất riêng của từng nghệ sĩ. Chẳng hạn với nghệ sĩ Như Quỳnh là vẻ đẹp dịu dàng, phúc hậu hiếm thấy, hay như NSND Trịnh Thịnh ghi dấu ấn qua những vai các cụ già nhà quê hoặc những nhân vật mang đậm dấu ấn của làng quê nông thôn Việt Nam.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/gap-lai-the-he-vang-dien-anh-viet-608086.html