Gặp mặt truyền thống cựu chiến binh Ban Liên hợp Quân sự Trại Davis nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam

Ngày 19/4, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp với Ban Liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Davis tổ chức buổi gặp mặt truyền thống, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam (30/4/1975-30/4/2025) và đánh dấu nửa thế kỷ hoàn thành nhiệm vụ ngoại giao quân sự theo Hiệp định Paris.

Gặp mặt truyền thống và triển lãm ảnh tư liệu thi hành Hiệp định Paris.

Gặp mặt truyền thống và triển lãm ảnh tư liệu thi hành Hiệp định Paris.

Tham dự buổi gặp mặt có hơn 100 cựu chiến binh từng công tác tại Ban Liên hợp quân sự Trại Davis cùng thân nhân, đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và nhiều sinh viên Học viện Ngoại giao.

Đại tá Đào Chí Công, Trưởng Ban liên lạc ôn lại truyền thống và những cống hiến của các cựu chiến binh Trại Davis để bảo đảm việc thực hiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

 Quang cảnh buổi gặp mặt.

Quang cảnh buổi gặp mặt.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chính thức được ký kết. Theo Điều 16 của Hiệp định, 4 bên gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa sẽ cử đại diện tham gia Ban Liên hợp Quân sự 4 bên.

Theo Điều 17, hai bên miền nam Việt Nam cũng thành lập Ban Liên hợp quân sự 2 bên. Ban Liên hợp Quân sự có nhiệm vụ phối hợp giữa các bên nhằm thực thi các điều khoản quân sự đã ký kết. Phía Việt Nam thành lập 2 đoàn đại biểu quân sự, quy tụ nhiều tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ ưu tú từ các lực lượng quân đội, công an, ngoại giao, an ninh Trung ương Cục miền nam, thông tấn báo chí và các ban ngành liên quan đến mặt trận đấu tranh ngoại giao-quân sự.

 Đại tá Đào Chí Công ôn lại truyền thống và những cống hiến của các cựu chiến binh Trại Davis.

Đại tá Đào Chí Công ôn lại truyền thống và những cống hiến của các cựu chiến binh Trại Davis.

Trụ sở làm việc của Ban Liên hợp Quân sự đặt tại Trại Davis, vốn là doanh trại cũ của quân đội Mỹ, nằm sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây cũng là nơi 2 đoàn đại biểu quân sự Việt Nam đóng quân. Trại Davis nằm sâu trong khu vực sân bay, bị chính quyền Sài Gòn cô lập bằng nhiều lớp rào dây thép gai và 13 tháp canh, với lính gác ngày đêm chĩa súng vào bên trong.

Trong hoàn cảnh đầy căng thẳng và nguy hiểm, các thành viên Ban Liên hợp quân sự đã kiên cường đấu tranh trực diện, linh hoạt và dũng cảm, góp phần quan trọng trong việc hoàn tất trao trả tù binh quân sự và dân sự, buộc quân đội Mỹ và đồng minh rút khỏi miền nam trong vòng 60 ngày theo đúng cam kết. Đây là yếu tố quan trọng góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường, tạo tiền đề cho giai đoạn cuối cùng giành thắng lợi hoàn toàn.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại tá Đinh Quốc Kỳ xúc động chia sẻ: "Khi chỉ còn ít giờ nữa là chiến thắng, đã có 2 đồng chí ra đi trong khi làm nhiệm vụ, đó là đại úy an ninh Nông Thanh Kiên (Nông Văn Hưởng) và trung sĩ Nguyễn Quang Hòa. Có 3 đồng chí bị thương, nặng nhất là trung tá Nguyễn Tiến Bộ, vết thương đã lấy đi một phần thân thể người cán bộ dũng cảm này. Trong suốt 823 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ thi hành Hiệp định Paris, chúng ta đã mất đi hàng chục đồng đội và hơn 20 đồng chí bị thương. Máu của các anh đã dâng hiến cho Tổ quốc để có ngày toàn thắng 30/4/1975".

 Đại tá Đinh Quốc Kỳ phát biểu.

Đại tá Đinh Quốc Kỳ phát biểu.

Ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc ấy, ngày 12/9/2011, 2 đoàn đại biểu quân sự Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 1553/QĐ-CTN. Bộ Ngoại giao cũng đã trao gần 800 Kỷ niệm chương “Thi hành Hiệp định Paris” cho các cựu thành viên 2 đoàn.

Ngày 9/3/2017, Trại Davis được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL.

Tại buổi gặp mặt, các nhân chứng lịch sử đã giao lưu, chia sẻ ký ức và hành trình thực thi Hiệp định Paris, trong đó có Đại tá Đào Chí Công-sĩ quan đối ngoại của Văn phòng Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời; ông Phan Đức Thắng-phiên dịch viên; ông Phạm Văn Lãi-sĩ quan chính trị, người từng cắm lá cờ giải phóng lên đỉnh tháp nước Trại Davis; và ông Bùi Đức Hòa-chiến sĩ bảo vệ kiêm phụ trách công tác bảo mật.

 Giao lưu các nhân chứng lịch sử.

Giao lưu các nhân chứng lịch sử.

Phát biểu tại sự kiện, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các cựu chiến binh Ban Liên hợp Quân sự Trại Davis đã phối hợp tổ chức triển lãm ảnh, đồng thời trao tặng nhiều tư liệu, kỷ vật chiến tranh quý giá.

Bà Hoa cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ Ban Liên lạc và các cựu chiến binh trong công tác sưu tầm tài liệu, hình ảnh, hiện vật. Việc này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng bảo quản và phát huy giá trị tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, mà còn lan tỏa sâu rộng tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 Đại diện Ban liên lạc và Trung tâm Lưu trữ quốc gia III ký biên bản bàn giao ảnh tư liệu và kỷ vật.

Đại diện Ban liên lạc và Trung tâm Lưu trữ quốc gia III ký biên bản bàn giao ảnh tư liệu và kỷ vật.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức đã trưng bày 128 bức ảnh tư liệu ôn lại 823 ngày, đêm chiến đấu thi hành Hiệp định Paris.

 Triển lãm ảnh tư liệu về thi hành Hiệp định Paris.

Triển lãm ảnh tư liệu về thi hành Hiệp định Paris.

ANH THƠ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gap-mat-truyen-thong-cuu-chien-binh-ban-lien-hop-quan-su-trai-davis-nhan-ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-post873749.html