Gặp người kiến tạo 'nhà ven biển' của nhạc sĩ Trần Tiến

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến dọn về sống trong căn hộ yên bình ven biển Vũng Tàu đến nay đã gần 5 năm. Ai từng có dịp ghé thăm tổ ấm ấy, hẳn sẽ bất ngờ khi biết không gian sống mỹ cảm, đậm dấu ấn nhạc - thơ - họa, tầm nhìn đan xen giữa cây xanh với sóng biển… đã được thiết kế bởi một kiến trúc sư trẻ: Ca Hoàng Vĩnh Phúc.

Mở đầu cho chuyên mục “Sống ven biển” - nhận diện tâm thức biển và đặc tính của đời sống định cư ven biển, Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với KTS. Ca Hoàng Vĩnh Phúc.

Thưa anh, duyên may nào đã kết nối để một kiến trúc sư trẻ, tên tuổi còn rất mới, trở thành người thiết kế không gian sống ven biển cho một nhạc sĩ lừng danh?

Nhạc sĩ Trần Tiến sớm lựa chọn chuyển về sinh sống ở vùng biển - nơi không quá xa TP.HCM. Một số bạn bè trong giới văn nghệ của ông đã truyền tai, rủ nhau mua những căn hộ nghỉ dưỡng tại cùng một chung cư.

Với tính nghệ sĩ của mình, mỗi người đều muốn thiết kế một căn hộ mang “chất riêng”, và có một cuộc “thi đua” nhẹ - không chính thức - theo một cách hết sức vui vẻ. Tôi có dịp thiết kế và thi công căn hộ “Hà Nội Phố” cho nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Sau khi nhạc sĩ Trần Tiến ghé chơi căn hộ này, cảm thấy thú vị, đã “đặt hàng” tôi thực hiện căn hộ của ông.

Thiết kế căn hộ của nhạc sĩ Trần Tiến có chú ý đến các yếu tố về thói quen sinh hoạt riêng của chủ nhà, các yêu cầu liên quan đến sức khỏe, các yếu tố đón gió biển hay tránh gió biển, đối lưu không khí… Ảnh: Thái Trần

Thiết kế căn hộ của nhạc sĩ Trần Tiến có chú ý đến các yếu tố về thói quen sinh hoạt riêng của chủ nhà, các yêu cầu liên quan đến sức khỏe, các yếu tố đón gió biển hay tránh gió biển, đối lưu không khí… Ảnh: Thái Trần

So với các công trình nhà ở khác mà anh đã thực hiện, việc thiết kế căn hộ với đặc thù cạnh biển và là nhà của nghệ sĩ nổi tiếng tài hoa, có tạo cảm hứng và thử thách gì với anh?

Thú thật là mỗi chủ nhà đều có một câu chuyện cuộc đời riêng. Là kiến trúc sư kiêm thi công công trình, đôi khi tôi nhận thấy ở khía cạnh nào đó, công việc của mình cũng tương tự như bác sĩ tâm lý. Khi mình thiết kế và xây dựng một ngôi nhà, tự nhiên mình sẽ biết tường tận những góc khuất sâu nhất của gia đình chủ nhân ngôi nhà ấy, giống như biết được sâu dưới nền móng nhà, hay phía trong những bức vách có kết cấu như thế nào vậy.

Điều tôi thích nhất khi làm việc với nhạc sĩ Trần Tiến bởi ông ấy là một bậc tài về sáng tạo, nên sẵn có sự thông hiểu và tôn trọng yếu tố cảm xúc trong sáng tạo.

Mỗi câu chuyện đời riêng đều tạo nên cảm hứng, hay nói một cách thực dụng hơn, giải bài toán các nhu cầu của chủ nhà một cách hay ho, sẽ tạo ra sản phẩm sáng tạo hay ho, bất kể ngôi nhà đó của ai, đặt ở đâu. Ở đây, khi chủ nhà là một nghệ sĩ nổi tiếng tài hoa như nhạc sĩ Trần Tiến, nguồn cảm hứng đó có thêm chất thơ, chất nhạc, lại đặt ở điều kiện cảnh quan môi trường biển, sẽ kích thích người kiến trúc sư hơn khi bắt tay vào thiết kế.

Thử thách thì cũng như với mọi chủ nhà khác, người kiến trúc sư cần phải đi sâu hiểu chủ nhà để giải bài toán thỏa mãn ý thích và nhu cầu, vừa phải tôn trọng câu chuyện đời của họ như nguyên tắc đạo đức của một bác sĩ tâm lý - không được quyền tiết lộ hồ sơ khách hàng; và tôi thường quên đi những công trình mình đã thực hiện, cho đến khi có duyên nào đó được nhắc lại. Riêng với công trình căn hộ của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi nhận thấy việc làm nhà cho người nổi tiếng quả là có khác biệt, rằng vài năm sau vẫn còn được nhắc đến. Chẳng hạn như lúc này.

Nhạc sĩ Trần Tiến đã đưa ra “đề bài” như thế nào trong quá trình giao phó anh kiến tạo “nhà ven biển” cho ông? Anh có giải được trọn vẹn “đề bài” đó hay phải trao đổi trở lại với nhạc sĩ Trần Tiến điều chỉnh yêu cầu, để mọi thứ diễn ra hài hòa, phù hợp?

Điều tôi thích nhất khi làm việc với nhạc sĩ Trần Tiến bởi ông ấy là một bậc tài về sáng tạo, nên sẵn có sự thông hiểu và tôn trọng yếu tố cảm xúc trong sáng tạo. Ông không áp cái thành đạt âm nhạc hay địa vị xã hội của ông vào công việc thiết kế kiến trúc - khi “đặt hàng” tôi. Hiếm có cơ hội được tin tưởng đến mức gần như giao nhiệm vụ “chìa khóa trao tay” với một người có sự nghiệp lừng lẫy như thế.

Còn việc đụng chạm mâu thuẫn trong quá trình trao đổi thực hiện là việc khó tránh khỏi, khi sản phẩm “giao dịch” ở đây là “nhà”- một tài sản không nhỏ, lại có yếu tố “nơi sinh sống” nên khách hàng không thể coi nhẹ như khi đặt mua một cái áo, hay đặt may một cái quần, nhạc sĩ tài hoa hay người thường cũng không khác biệt.

“Nhà ven biển” của nhạc sĩ Trần Tiến thực tế là 3 căn hộ nằm ở hai tầng lầu riêng biệt ghép lại với nhau, với kiến trúc mang đậm dấu ấn các ca khúc của ông. Ảnh: Thái Trần

“Nhà ven biển” của nhạc sĩ Trần Tiến thực tế là 3 căn hộ nằm ở hai tầng lầu riêng biệt ghép lại với nhau, với kiến trúc mang đậm dấu ấn các ca khúc của ông. Ảnh: Thái Trần

Sau gần 5 năm kể từ ngày hoàn tất công việc thiết kế - thi công căn hộ ven biển của nhạc sĩ Trần Tiến, anh có trở lại thăm ông và có nghe ông nhận xét hay góp ý gì về không gian sống đó?

Do một số lý do riêng mà tôi không có dịp đi Vũng Tàu như trước. Nhạc sĩ Trần Tiến thuộc thế hệ cha chú của tôi. Tôi nghĩ ở vị trí của ông, ông có nhiều mối quan hệ tương xứng về địa vị, tuổi tác, và không có nhiều thời gian dành cho số quá đông những người quan tâm quý mến ông một chiều. Tôi cũng cuốn vào các công trình, dự án mới, của khách hàng, và những dự án cá nhân, như dự án đầu tư giáo dục. Thỉnh thoảng, tình cờ một ai đó thông tin với tôi, nhạc sĩ vẫn “khoe” nhà khi có khách đến, thường kể về ý nghĩa của căn hộ có cảm hứng từ chính các bài hát của ông, tôi cảm thấy… vui từ xa. Có lẽ về mặt thiết kế không gian sống, như vậy xem như thành công.

Riêng tôi, tôi mong nhạc sĩ sẽ sống dồi dào sức khỏe trong căn hộ đó, vì ngoài yếu tố đẹp trong kiến trúc như chia không gian theo cảm hứng “thùng đàn guitar” hay những ô cửa khung tranh, căn hộ còn chú ý đến các yếu tố về thói quen sinh hoạt riêng của chủ nhà, các yêu cầu liên quan đến sức khỏe, các yếu tố đón gió biển hay tránh gió biển, đối lưu không khí…

Có những dự báo xu hướng phát triển đô thị trong tương lai sẽ lựa chọn khu vực giáp biển, theo anh xu hướng đó có đặt ra những yêu cầu nào liên quan đến xây dựng và kiến trúc của định cư ven biển?

Thật ra, xu hướng phát triển đô thị giáp biển đã có từ xa xưa, thường gắn liền đời sống, kinh tế khai thác ngư nghiệp địa phương. Ngày nay, theo nhịp sống hiện đại, phát triển đô thị giáp biển còn phải gắn liền với khai thác kinh tế du lịch, nghỉ dưỡng, thường liên quan phần lớn về quy hoạch đô thị, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan nhiều hơn, ở góc độ vĩ mô của một đô thị, còn những yêu cầu đặt ra liên quan đến kiến trúc và xây dựng trong xu hướng này thường rơi vào trường hợp cụ thể, công trình cụ thể.

Ngoài yếu tố đẹp trong kiến trúc như chia không gian theo cảm hứng “thùng đàn guitar” hay những ô cửa khung tranh, căn hộ còn chú ý đến các yếu tố về thói quen sinh hoạt riêng của chủ nhà, các yêu cầu liên quan đến sức khỏe, các yếu tố đón gió biển hay tránh gió biển, đối lưu không khí…

Tuy nhiên, dù như thế nào cũng đều phải cân nhắc đến yếu tố môi trường, cảnh quan, trong tổng thể chung, để tránh hiện tượng phát triển tự phát, manh mún. Chúng ta không thể vì yếu tố cá nhân, phục vụ theo nhu cầu riêng biệt mà thiếu sự hài hòa, thậm chí phá nát môi trường tự nhiên vốn có của địa phương, của không gian đô thị chung, cũng như các thiết kế na ná nhau nhàm chán, đơn điệu. Tôi rất buồn khi nhìn thấy những núi đồi ở các đô thị ven biển như Nha Trang, Vũng Tàu... bị phá nát để xây nên lổn nhổn những tiểu khu nhà biệt thự với mật độ dày đặc. Tôi nghĩ đến sự tham lam của chủ đầu tư lẫn khách hàng của họ, chủ đầu tư cần có doanh thu nhiều, khách hàng lại nghiêng sự lựa chọn vị trí, thể hiện đẳng cấp, hình thức bên ngoài, mà quên đi cốt lõi của việc đầu tư, lựa chọn đô thị ven biển là định cư nghỉ dưỡng, cần nhiều môi trường tự nhiên hơn để nghỉ ngơi, thư giãn.

Vì thế, tôi đang rất mong chờ những dự án đô thị ven biển mới trong nước, với mức đầu tư quy mô lớn, hiện đại, được quy hoạch đô thị quy củ ngay từ đầu, bài bản, cùng phản biện khoa học, phản biện xã hội chặt chẽ, để đạt phương án tối ưu, phù hợp phát triển kinh tế du lịch bền vững, không đánh đổi môi trường tự nhiên hiện hữu bằng mọi giá, dựa trên thế mạnh riêng có của địa phương, khơi dậy tiềm năng kinh tế ở địa phương, nâng cao mức sống của người dân...

KTS. Ca Hoàng Vĩnh Phúc và con trai - một trong những động lực để anh thực hiện công trình trên mặt nước ở Bình Chánh, nhằm mang đến cho trẻ nhỏ được thường xuyên trải nghiệm sống trong môi trường thiên nhiên mà không quá xa nơi ở của mình. Ảnh: TLNV

KTS. Ca Hoàng Vĩnh Phúc và con trai - một trong những động lực để anh thực hiện công trình trên mặt nước ở Bình Chánh, nhằm mang đến cho trẻ nhỏ được thường xuyên trải nghiệm sống trong môi trường thiên nhiên mà không quá xa nơi ở của mình. Ảnh: TLNV

Được biết anh đang thực hiện một công trình trên mặt nước. Anh có thể chia sẻ đôi điều về dự án này?

Một dự án ven biển hay ven sông là quá lý tưởng cho xu thế tìm về thiên nhiên với cảnh quan đẹp và khí trời trong lành. Tuy nhiên sẽ không có chuyện “giá rẻ” cho những nơi lý tưởng như thế.

Tôi đang thực hiện công trình ở một nơi mà trước đó không ai nghĩ có thể khai thác được gì, một công trình hoàn toàn trên mặt nước, bởi vì phần lớn diện tích là mặt nước mà thôi. Có rất nhiều thách thức khi thực hiện công trình trên mặt nước, mà không phải bên bờ biển hay bờ sông. Tuy nhiên, nguyên tắc tôi coi trọng nhất, ngoài yếu tố an toàn về kết cấu, phải hòa nhập thân thiện với cảnh quan môi trường. Đôi khi vì lòng tham, người ta dễ bỏ qua tiêu chuẩn quan trọng này. Khai thác mà không phá nát, được hay không, nằm ở chỗ này đây.

Tôi rất buồn khi nhìn thấy những núi đồi ở các đô thị ven biển như Nha Trang, Vũng Tàu... bị phá nát để xây nên lổn nhổn những tiểu khu nhà biệt thự với mật độ dày đặc. Tôi nghĩ đến sự tham lam của chủ đầu tư lẫn khách hàng của họ...

Xin giới thiệu một chút, đó là dự án Tập đoàn Nhóc Nature Art School - địa điểm giáo dục nghệ thuật ngoài trời cho trẻ em, của chính công ty vợ chồng tôi đầu tư, tọa lạc ở Bình Chánh, chỉ cách chợ Bến Thành 11km, quá gần cho một thiên nhiên ngay trong lòng thành phố.

Theo anh, người Việt khi chọn định cư ven biển hay trên mặt nước, điều gì sẽ chi phối quyết định của họ?

Vấn đề đặt ra quá rộng nhưng tôi cho rằng, việc lựa chọn, nhất là lựa chọn nơi sinh sống, tất cả đều nằm ở việc đáp ứng nhu cầu cốt lõi nào đó trong mỗi con người chúng ta, theo từng điều kiện sống của mỗi người. Người trẻ thích một nơi để đến nghỉ dưỡng cuối tuần, nơi gặp gỡ, họp mặt bạn bè, gia đình..., hay là sự thay đổi không khí, cần một môi trường thư giãn để làm mới bản thân sau những ngày làm việc căng thẳng. Còn người lớn tuổi lại lựa chọn định cư ven biển như là tìm đến sự an nhàn, thanh tịnh ở độ tuổi xế chiều, cũng như sẽ có rất nhiều người lựa chọn đô thị ven biển là nơi để làm việc, những công việc liên quan đến ngành du lịch, phục vụ…

Hay như việc tôi đang làm công trình trên mặt nước của dự án Tập đoàn Nhóc Nature Art School, mục đích cốt lõi là phục vụ lợi ích cộng đồng, vật liệu hoàn toàn mang tính địa phương, thân thiện môi trường, với mong ước mang đến cho trẻ nhỏ được thường xuyên trải nghiệm sống trong môi trường thiên nhiên mà cũng không quá xa nơi ở của mình. Sẽ có dịp chúng tôi nói nhiều hơn về dự án thú vị này.

Nghĩ cho cùng, chọn định cư ven biển hay trên mặt nước, là chúng ta lựa chọn gió và nước, chính là lựa chọn cho bản thân hơi thở của sự sống.

Ngôi nhà ven biển, phía hoàng hôn rơi

Những ngày này, nhạc sĩ Trần Tiến không khỏe, ông cần được tịnh dưỡng riêng tư. Trong một bài viết gửi Người Đô Thị đầu năm nay, nhạc sĩ Trần Tiến tự sự: “Nơi tôi ở, có các danh họa làm việc suốt ngày. Mặt trời vẽ mây. Mây thì vẽ biển. Và biển đêm đêm lại phác thảo chân dung mặt trăng. Trời cho tôi một ngôi nhà ven biển, phía hoàng hôn rơi. Cứ chiều về ngồi với người bạn già để nói chuyện bình minh. Sáng mai sẽ vui mà. Tin tôi đi, đừng mãi làm kẻ của ngày hôm qua. Người của bình minh có thể xấu đẹp, có thể mang lộc hay bất an. Nhưng ít nhất là vui. Không có gì buồn hơn, nếu cứ cũ như ngày qua... Nụ cười đẹp trong ngày mới, có thể cho ta một thế giới”.

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến trong “ngôi nhà ven biển, phía hoàng hôn rơi”. Ảnh TL

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến trong “ngôi nhà ven biển, phía hoàng hôn rơi”. Ảnh TL

Trong một cuộc trò chuyện với báo Bà Rịa - Vũng Tàu và dịp Người Đô Thị đến thăm tháng 6.2019, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết: “Tôi có duyên với Vũng Tàu. Nơi này đã cho tôi nhiều cảm xúc để sáng tác. Mặc dù không viết riêng về một vùng đất nào nhưng cứ tìm trong ca từ của tôi sẽ thấy Vũng Tàu, trong đó có Biển, Sen hồng hư khôngNgũ sắc biển. Đặc biệt, trong ca khúc Ngũ sắc biển tôi kể về cách nhìn những đàn cá đối ngủ gật, về những con phố bằng lăng tim tím và chuyện tình thơ mộng của lão đánh cá tìm được dòng hải lưu, ngày ngày nhờ sóng vỗ gửi tới bà lão bên kia đại dương, những đóa hoa quê tình tứ.

Tôi đang sống một cuộc sống bình yên, sáng dậy sớm chạy thể dục, ngắm biển, ăn sáng và sáng tác nhạc. Dù là trai Hà Nội nhưng tôi thích biển lắm. Ngày nhỏ, tôi luôn mơ mình sống ở một căn nhà nhỏ bên bãi biển, và giờ tôi như vậy đó. Vũng Tàu đẹp, thơ mộng và yên tĩnh. Tôi thường dậy rất sớm, đạp xe một vòng quanh Núi Lớn, dạo biển trước khi bắt đầu một ngày làm việc. Tôi thích những dãy bằng lăng nở hoa tim tím trên đường Trần Phú, thích màu hoa giấy đỏ rực trên những con đường khắp thành phố. Tôi thích màu xanh của biển… và đặc biệt tôi thích tính cách của người dân thành phố biển, đó là đứng trước biển thanh bình nhưng luôn muốn vươn ra biển lớn”.

Hữu Đức - Minh Hoàng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/gap-nguoi-kien-tao-nha-ven-bien-cua-nhac-si-tran-tien-26489.html