Gặp người tâm huyết với gạo hữu cơ
Không biết từ khi nào, tôi và rất nhiều gia đình khác tại Phan Thiết và vùng lân cận đã trở thành khách hàng quen thuộc của HTX Nông nghiệp Đức Bình (Tánh Linh). Bởi lẽ, sản phẩm gạo hữu cơ Đức Lan được sản xuất tại đây đã thực sự chinh phục được người tiêu dùng về chất lượng.
Gặp người tâm huyết với gạo hữu
Người làm ra gạo sạch
Căn nhà khang trang của gia đình ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Đức Bình - Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn 3, xã Đức Bình nằm vững chãi ngay trung tâm xã Đức Bình. Trong nhà, vô số các bịch gạo hữu cơ Đức Lan vừa thu hoạch vụ mới đã được đóng gói sẵn, chờ phân phối ra thị trường. Chủ nhà, ông Nguyễn Anh Đức với dáng người nhỏ bé, đậm chất nông dân đon đả mời chúng tôi vào nhà, không ngần ngại chia sẻ về sản phẩm do HTX làm ra.
Tâm huyết với sản xuất lúa hữu cơ, lại nắm giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Đức Bình, nên ông Đức lại càng phải nỗ lực hơn. Trong 5 năm qua, ngoài công tác hội, ông đã tổ chức tuyên truyền vận động 10 hội viên tham gia thành lập được HTX nông nghiệp. Làm thế nào để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần tổ viên là vấn đề ông luôn trăn trở. Chính vì thế, từ năm 2016 đến nay, bản thân ông vận động hội viên sản xuất trên 15 ha lúa sinh học và được Chi cục Đo lường chất lượng Bình Thuận chứng nhận gạo sạch. Bản thân ông Đức đã mạnh dạn đầu tư đăng ký thương hiệu gạo sạch Đức Lan nổi tiếng lâu nay trên thị trường.
Ngoài ra, với vai trò là Chi hội trưởng Hội Nông dân, dù công việc gia đình bận rộn, tất bật với ruộng đồng, nhưng ông đã dành thời gian vận động hội viên và nhân dân tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật như tập huấn cách chăm sóc cây điều, cây thanh long, hội thảo mô hình nhân giống lúa xác nhận. Đặc biệt là mô hình sản xuất lúa theo chương trình SRI, sản xuất gạo sạch hữu cơ để bà con học tập kinh nghiệm.
Thương hiệu vươn xa
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đức cho biết HTX bình quân mỗi năm sản xuất 2 vụ, với sản lượng từ 70 - 80 tấn/năm. Sản xuất lúa hữu cơ bình quân mỗi sào lợi nhuận khoảng 2 - 2,5 triệu đồng, cao hơn sản xuất lúa thường từ 1 - 2 triệu đồng/sào. Với sự ưa chuộng của người tiêu dùng, hiện nay nhu cầu tiêu thụ gạo hữu cơ rất cao. Số lượng gạo sạch đã sản xuất nay không đủ cung cấp cho bà con trong và ngoài địa phương, với giá bán từ 17.000 - 30.000 đồng/kg, tùy loại.
Với những thành công ấy, quá trình thành lập và hoạt động HTX, hàng năm lợi nhuận mang lại của HTX sau khi đã trừ chi phí, mỗi thành viên thu về từ 50 - 60 triệu đồng. Ngoài ra bản thân ông Đức mỗi vụ trong năm còn sản xuất lúa giống xác nhận, cung cấp từ 15-20 tấn lúa giống phục vụ cho nhân dân trong xã, với giá bán ra 8.000 đồng/kg, giảm khoảng 4.000 đồng/kg so với giá ngoài thị trường. Riêng gia đình ông Đức thu nhập đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm, xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm tiện nghi phục vụ cuộc sống.
Đáng mừng hơn, hiện sản phẩm gạo Đức Lan đang trong quá trình thực hiện các thủ tục thuộc chương trình OCOP của huyện (mỗi xã một sản phẩm). Không dừng lại ở đó, mục tiêu của mô hình mà HTX Đức Bình hướng tới là một nền nông nghiệp hữu cơ, xanh sạch, an toàn và bền vững. Qua đó, tạo ra sản phẩm hữu cơ thân thiện với con người và môi trường.
Tại Hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm (giai đoạn 2016-2020) do Hội Nông dân tỉnh tổ chức mới đây, nông dân Nguyễn Anh Đức vinh dự trở thành một trong những điển hình. Đây là thành quả vô cùng xứng đáng cho sự cần cù, không ngừng học hỏi và nỗ lực vì một thương hiệu gạo hữu cơ Đức Lan ngày càng vươn xa…
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/gap-nguoi-tam-huyet-voi-gao-huu-co-131082.html