Gặp người Việt ở Đài Loan

Cái cảm giác đến một nước khác, gặp người Việt nói tiếng Việt quả thật là điều vô cùng hạnh phúc.

Trong hành trình khám phá bốn phương, tôi đã gặp người bán kem cây ở Angkor Wat chấp nhận giao dịch bằng tiền Việt với giá 5.000 đồng cho một cây kem mát lành. Cũng ở Campuchia, xuôi theo Biển Hồ, tôi bắt gặp một trường học lênh đênh trên sông nước, nơi các em nhỏ người Việt đang theo học.

Trên đường phố Malacca (Malaysia), tôi tình cờ gặp một cô gái Việt nép mình trên con phố với chiếc xe nhỏ bán nước giải khát và trái cây. Hoặc một lần dạo chợ đêm ở Pattaya (Thái Lan), ghé vào một xe bán hàng mua nước uống, tôi khá bất ngờ khi người đàn ông bán hàng thốt lên câu “Tôi là người Việt đây, tôi đã sang đây 30 năm rồi”.

Những người Việt tôi gặp ở các nơi đã đi qua đều có cuộc sống khác nhau. Có thể do trong hành trình du lịch nên tôi hiếm có cơ hội gặp được những người thành đạt, mà chỉ gặp những con người đang kiếm sống bằng cách này hay cách khác. Với họ, gặp được những người Việt từ quê nhà sang, trao đổi với nhau bằng tiếng Việt là một niềm vui khôn tả xiết.

Đến với Đài Loan lần này, tôi cũng bắt gặp một lượng kha khá người Việt tại đây. Theo Tổng hội Việt kiều tại Đài Loan, tổng số người Việt tại đây vào năm 2021 là khoảng 470.000 người.

Một quán bún đậu đúng chuẩn Việt Nam ở Đài Loan.

Một quán bún đậu đúng chuẩn Việt Nam ở Đài Loan.

Ở Đài Trung, chúng tôi ở tại khách sạn Pralmer, ngay con phố chính Shuangshi, đi bộ vài bước là vào những con đường toàn hàng quán Việt, với các bảng tên ghi bằng tiếng Việt rõ ràng. Từ những hàng ăn đa dạng món Việt như phở cho đến cả xe bán sinh tố cũng được thiết kế y hệt như ở Việt Nam. Ngoài con phố nói trên, phố Việt còn bao gồm thêm những cái tên như Chenggang, Dacheng, Minzv…

Ở Đài Loan không có hàng bán ăn sáng. 8 giờ sáng, hàng quán ở đây vẫn chưa mở cửa. Theo một chủ quán cho biết thì anh bắt đầu bán hàng từ 10 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm, xưa nay vẫn như thế, vì vậy thực khách muốn ghé ăn phải canh đúng khung giờ này.

Chúng tôi dạo quanh phố Việt, gặp một hàng phở của một người Việt đến từ Nam Định. Quán của anh bán hết hàng dẫu mới 8 giờ tối, anh cho biết vợ chồng anh qua đây đã 10 năm, quán phở của anh cũng đã bán 10 năm, đảm bảo đúng chất Việt ngon chất vùng, với giá cho mỗi tô khoảng 50 nghìn tiền Việt. Tôi hỏi anh ở đây có nhiều người Việt không? Anh nói vui cứ nghe giọng là biết liền.

Một tiệm làm tóc có bảng hiệu được ghi rõ ràng bằng ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh.

Một tiệm làm tóc có bảng hiệu được ghi rõ ràng bằng ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh.

Những tấm bảng hiệu xen chữ Trung, chữ Việt có khắp Đài Loan. Có nơi bán sim điện thoại, nơi bán hàng ăn rất nhộn nhịp. Mặt bằng quán xá ở đây nhỏ, có thể do nằm ngay phố chính và giá thuê cao. Chúng tôi ghé vào một quán ăn có cái tên rất chi là Việt Nam – “Hồng Hạnh” – khá rộng rãi. Đây là quán cơm Việt do cặp đôi Đài Loan – Việt Nam làm chủ. Khách ăn món gì cứ lấy mảnh giấy ghi món bằng tiếng Việt rồi đưa cho chủ quán. Các món ăn không có rau kèm theo, vì rau xanh ở Đài Loan rất mắc.

Những món ăn ở các quán có phở, bún bò, cơm rang… giá 120 Đài tệ, các món rau cũng 120 Đài tệ, các món như ếch xào, gà ram giá 200 Đài tệ… gần như thống nhất mọi nơi. Tại đây có cả nước mắm và xì dầu, mắm ruốc nhập từ Việt Nam. Chúng tôi mua một chai nước mắm nhỏ có giá khoảng 80 nghìn tiền Việt. Tuy nhiên, các món ăn ở đây chế biến cho hợp khẩu vị người Đài nên chẳng giống món ăn ở quê nhà tí nào.

Tại Đài Bắc cũng có rất nhiều hàng quán của người Việt, có thực đơn hẳn hoi. Vào quán người Việt ở xứ người thật là vui, cô chủ quán đưa ngay thực đơn viết bằng tiếng Việt với giá cả rõ ràng. Riêng bia thì cứ mở tủ lạnh lấy, uống bao nhiêu thì tính tiền bấy nhiêu.

Thế mới thấy, trong những chuyến du ngoạn xa xứ, gặp nhau ở nơi chốn lạ nhưng lại nói cùng ngôn ngữ quê hương luôn là điều thú vị.

Khuê Việt Trường

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/gap-nguoi-viet-o-dai-loan-c17a56338.html