Gặp rắc rối vì mua bán xe không sang tên đổi chủ

Mua bán ô tô, xe máy nhưng không sang tên theo quy định mới có thể khiến người bán cũng như người mua gặp nhiều rủi ro và bị xử phạt hàng triệu đồng.

Bị xử phạt vì không sang tên xe

Ngày 9/8, anh Vũ V.S (trú quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đến Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội để làm thủ tục đăng ký cấp biển số cho chiếc xe nhãn hiệu Hyundai mua của một showroom từ giữa năm 2023.

Nhiều tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính do không sang tên đổi chủ sau khi mua bán xe.

Nhiều tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính do không sang tên đổi chủ sau khi mua bán xe.

Tại đây, anh S bị lập biên bản xử phạt vì mua xe ô tô cũ nhưng không sang tên đổi chủ trong thời hạn 30 ngày theo quy định.

"Sau khi mua xe, chủ cũ đã thu hồi biển số, nhưng tôi chủ quan không đi sang tên để đăng ký biển số mới, nên bị xử phạt 3 triệu đồng", anh S chia sẻ.

Trước đó, ngày 15/4, anh Phan V.K (ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng nhận thông báo xử phạt 3 triệu đồng do bị Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội phát hiện không sang tên đổi chủ sau khi mua chiếc ô tô Hyundai tại một cửa hàng kinh doanh xe cũ tại quận Long Biên.

Anh K cho biết, dù mua xe từ tháng 7/2023 nhưng anh thường xuyên phải di chuyển giữa các tỉnh nên "quên" đi làm thủ tục.

Đến đầu tháng 4 vừa qua, anh đến nộp hồ sơ cấp biển số mới thì bị cán bộ CSGT tra cứu dữ liệu và lập biên bản xử phạt.

Không chỉ các cá nhân, một số công ty cũng bị lực lượng đăng ký, quản lý phương tiện ra quyết định xử phạt với số tiền 6 triệu đồng (dành cho tổ chức vi phạm) do bán xe ô tô mà chậm làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Đơn cử, ngày 31/12/2023, Công ty TNHH P.D (trụ sở ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) bán lại chiếc xe nhãn hiệu KIA cho một showroom kinh doanh xe cũ. Tuy nhiên, quá thời hạn 30 ngày, doanh nghiệp này không xuất hóa đơn cho bên cửa hàng mua xe.

Gần một tháng sau, showroom bán lại chiếc KIA cho anh Lê H.P (ở quận Đống Đa, Hà Nội).

Đến khi anh P đi làm thủ tục sang tên, lực lượng quản lý phương tiện phát hiện Công ty TNHH P.D làm thủ tục quá thời hạn 30 ngày nên đã tiến hành lập biên bản xử phạt.

Xe không sang tên đổi chủ bị phát hiện thế nào?

Trung tá Tạ Quang Minh, Đội Đăng ký, quản lý phương tiện, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, với lỗi vi phạm không sang tên đổi chủ, xe sẽ được cơ quan chức năng phát hiện trong quá trình giải quyết thủ tục đăng ký, cấp biển số.

Hành vi không sang tên đổi chủ sẽ được CSGT phát hiện khi tra soát công tác đăng ký, quản lý phương tiện. Ảnh: Hoàng Lam.

Hành vi không sang tên đổi chủ sẽ được CSGT phát hiện khi tra soát công tác đăng ký, quản lý phương tiện. Ảnh: Hoàng Lam.

Trong khi đó, theo một cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, lỗi không sang tên đổi chủ xe ô tô còn có thể bị phát hiện trong quá trình lực lượng chức năng điều tra vụ tai nạn giao thông nếu phương tiện đó liên quan.

"Sau khi một phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông, cơ quan công an sẽ tiến hành xác minh, tra cứu thông tin của phương tiện đó để giải quyết vấn đề pháp lý.

Như vậy, việc phương tiện đang được chủ sở hữu sử dụng hay đã bán cho người khác sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Nếu phát hiện việc mua bán đó chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ thì xử phạt", vị cán bộ CSGT thông tin.

Chủ xe cần làm gì để tránh rắc rối?

Thượng tá Tạ Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, theo quy định tại Thông tư 24 của Bộ Công an, từ ngày 15/8/2023, biển số xe sẽ cấp định danh trọn đời cho chủ xe.

Do đó, khi mua bán, chuyển nhượng phương tiện, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi, nộp lại biển số cho cơ quan đăng ký xe.

Biển số định danh này được lưu giữ trong kho dữ liệu của chủ xe đó trong vòng 5 năm để người này khi mua xe mới sẽ được cấp lại biển số định danh.

Trong thời hạn 30 ngày mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi biển số và sang tên đổi chủ thì sẽ bị xử phạt theo quy định.

Trung tá Minh lý giải thêm, quá trình đăng ký quản lý phương tiện, CSGT còn gặp nhiều trường hợp xe không có giấy tờ mua bán hoặc đã được mua bán qua nhiều đời chủ khác nhau.

Khi đó, lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn người đang sử dụng phương tiện viết cam kết đối với nguồn gốc tài sản.

Trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, CSGT xác minh để làm rõ phương tiện đó có thuộc trường hợp khiếu nại, tranh chấp hoặc có phải xe tang vật hay không.

Sau khi có kết quả, CSGT sẽ làm thủ tục thu hồi biển số, sang tên và cấp biển số định danh cho chủ đang sở hữu xe.

Ngoài những vấn đề nêu trên, luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khuyến cáo thêm, sau khi các bên hoàn tất giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho tặng hoặc thừa kế tài sản là xe ô tô, chủ sở hữu và người nhận tài sản nên đi làm thủ tục thu hồi biển số, sang tên đổi chủ.

Theo luật sư, phương tiện giao thông thường xuyên được sử dụng để tham gia giao thông, nên có thể gặp rủi ro, tai nạn trên đường, đặc biệt là khi chủ xe cho người khác mượn.

Do đó, nếu đã bán xe, cho tặng hoặc thừa kế, chủ xe nên làm thủ tục sang tên, đổi chủ để hoàn tất trách nhiệm dân sự đối với phương tiện, tránh gặp rắc rối về mặt pháp lý khi chiếc xe đó đã chuyển quyền quản lý, sử dụng cho người khác.

Tối 11/8, tài khoản mạng xã hội có tên là Huấn Hoa Hồng (tên thật là Bùi Xuân Huấn, quê Yên Bái) phát đi đoạn clip dài gần 8 phút chia sẻ, anh đã mua chiếc xe SH biển số 97B1-999.99 với giá 490 triệu đồng vào ngày 14/7/2023.

Tháng 5/2024, anh Huấn liên hệ với người chủ cũ để làm thủ tục thu hồi biển số ngũ quý 9, làm thủ tục định danh và chuyển biển số này sang xe khác.

Tuy nhiên, chủ cũ nói rằng chỉ bán xe, không bán biển số. Lúc này, anh Huấn phát hiện biển số ngũ quý 9 đã được gắn vào một chiếc xe máy khác (chủ xe này không phải anh Huấn).

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gap-rac-roi-vi-mua-ban-xe-khong-sang-ten-doi-chu-192240820171832074.htm