Gấp rút giải phóng mặt bằng để khu công nghiệp VSIP trở thành 'nam châm' FDI Nghệ An
Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, khu công nghiệp VSIP Nghệ An thu hút 50 dự án đầu tư, trong đó có 30 dự án FDI. Chưa dừng ở đó, nhiều dự án cũng đang 'nóng lòng' đợi đất sạch để triển khai đầu tư.
Hơn 3 tỷ USD đầu tư vào VSIP Nghệ An
Ngày 3-2 ( tức mùng 6 năm Ất Tỵ), các nhà máy ở khu công nghiệp VSIP Nghệ An đi vào sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Khu công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An - VSIP Nghệ An 1 chính thức ra đời năm 2015 với diện tích lên đến 750ha. Dự án được đầu tư xây dựng bởi Công ty TNHH VSIP Nghệ An thuộc tập đoàn VSIP.
Tính đến tháng 1/2025, khu công nghiệp VSIP Nghệ An 1 đã thu hút 55 dự án đầu tư (51 nhà đầu tư), diện tích đất cho thuê là 251,8 ha, đạt tỉ lệ lấp đầy khoảng 97%, tổng vốn đầu tư 49.145,6 tỷ đồng (tương đương 2.063,6 triệu USD).
Trong đó, 34 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho khoảng 23.000 lao động. Có 7 dự án khác đang xây dựng nhà máy và 13 dự án còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang thực hiện thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng.
Có 34 dự án FDI (30 nhà đầu tư), tổng vốn đầu tư 46.872 tỷ đồng (tương đương 1.976,1 triệu USD) từ các quốc gia như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thụy Điển.
Đó là những dự án FDI có quy mô lớn trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí, may mặc: như Luxshare-ICT, Everwin Precision Việt Nam, Innovation Precision Việt Nam, May An Nam Matsuoka, Trang phục Quốc tế Gaiwach Việt Nam, Sangwoo Việt Nam…
Dự kiến khi toàn bộ các nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 70.000 lao động. Trong đó, năm 2025, sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.000 người.
Đặc biệt, riêng năm 2024, Công ty TNHH VSIP Nghệ An đã nỗ lực thu hút đầu tư đạt hơn 1 tỷ USD, qua đó đóng góp rất lớn vào kết quả thu hút FDI của tỉnh, góp phần giúp Nghệ An lọt top 10 cả nước.
Ngoài ra, Công ty TNHH VSIP Nghệ An cũng đã được chấp nhận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Thọ Lộc - VSIP Nghệ An 2 (đóng tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) với quy mô diện tích 500ha.
Tại dự án khu công nghiệp Thọ Lộc, đến nay, có 1 nhà đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với diện tích 51,2ha, tổng vốn đầu tư 590 triệu USD.
Hiện có khoảng 10 nhà đầu tư thứ cấp tiềm năng (nhu cầu quỹ đất khoảng 150-200 ha) đã và đang làm việc để tìm hiểu và thực hiện đầu tư, trong đó, 3 nhà đầu tư đang chuẩn bị ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với diện tích hơn 70ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD.
Lũy kế đến nay, tổng vốn đầu tư vào khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ VSIP Nghệ An - VSIP Nghệ An 1 và khu công nghiệp Thọ Lộc - VSIP Nghệ An 2 đến ngày 2/2/2025 là 3,098 tỷ USD. Trong đó, vốn của các nhà đầu tư thứ cấp là 2.653,6 triệu USD và vốn của Công ty TNHH VSIP Nghệ An là 444,5 triệu USD.
Quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng dự án khu công nghiệp VSIP Nghệ An
Mặc dù vậy, hiện nay các dự án của VSIP Nghệ An vẫn còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, dự án VSIP Nghệ An 1 còn 7,89ha chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, trên tổng diện tích 750ha dự án. Trong đó, có 0,18ha đất khu công nghiệp và 7,71ha đất khu đô thị, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Còn VSIP Nghệ An 2 hiện vẫn còn hơn 100ha chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng trên tổng 500ha của dự án. Trong khi đó, nhiều dự án đang "nóng lòng" đợi đất sạch để đầu tư triển khai.
Phía chủ đầu tư nhiều lần kiến nghị, mong muốn được đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ di dời hệ thống đường điện để sớm bàn giao mặt bằng cho các dự án.
Thậm chí, để tiếp tục thu hút đầu tư, Công ty TNHH VSIP Nghệ An cũng đã có công văn xin chủ trương chấp thuận địa điểm thực hiện dự án khu công nghiệp VSIP Nghệ An 3 với quy mô 220ha tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.
Để giải quyết việc này, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp với các các sở, ban ngành, địa phương liên quan về việc hỗ trợ Công ty TNHH VSIP Nghệ An tối đa trong việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2025.
Trong đó, UBND tỉnh đã giao Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam chủ trì thường xuyên theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh đến lãnh đạo UBND tỉnh để giải quyết.
Người đứng đầu tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị phải định kỳ tổ chức các cuộc làm việc và thực hiện các báo cáo cập nhật tình hình vướng mắc, khó khăn và kiến nghị, đề xuất của Công ty TNHH VSIP Nghệ An trong quá trình đầu tư, xây dựng và phát triển khu công nghiệp. Từ đó, kịp thời đưa ra chỉ đạo sát sao và thiết thực, hỗ trợ xử lý các vướng mắc của chủ đầu tư, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.