Gấp rút hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng từ đầu năm đến nay, hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định, bắt kịp đà tăng trưởng. Các chỉ số huy động vốn, dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng từ đầu năm đến nay, hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định, bắt kịp đà tăng trưởng. Các chỉ số huy động vốn, dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp.

Được vay vốn tín dụng chính sách, chị Nguyễn Thị Tho ở xóm Hải Điền, xã Hải Đông (Hải Hậu) phát triển kinh tế VAC đem lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, đến hết tháng 10-2021, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt trên 84.794 tỷ đồng, tăng 6.227 tỷ đồng (8,6%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 77.400 tỷ đồng, tăng 7.734 tỷ đồng (11,1%) so với đầu năm; nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 0,32% tổng dư nợ cho vay. Ngay từ đầu năm, cùng với thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN Việt Nam về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chủ động gắn nhiệm vụ xử lý nợ xấu với cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD); gắn kiểm soát tăng trưởng tín dụng với mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển mạng lưới của TCTD. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD về chấp hành các quy định cấp tín dụng, an toàn trong hoạt động ngân hàng, các quy định về cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; thanh tra, giám sát chặt chẽ nợ xấu và chất lượng tín dụng.

Các TCTD khác trên địa bàn tỉnh cũng tích cực mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với quản lý chất lượng tín dụng. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD nói chung tương đối ổn định, lãi suất huy động ở một số ngân hàng tăng nhẹ, chủ yếu ở kỳ trung, dài hạn nhằm đảm bảo sự cân đối kỳ hạn và giới hạn an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng. Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động tối đa là 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; tối đa là 4,0%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của các TCTD là 4,5% (áp dụng đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch). Xét về cơ cấu, tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Không chỉ tập trung duy trì tăng trưởng tín dụng, các TCTD còn chú trọng chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất phát triển sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chất lượng hoạt động tín dụng; thực hiện cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại tín dụng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật.

Bước vào quý IV năm 2021, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Nam Định (Vietinbank Bắc Nam Định) tập trung đẩy mạnh hỗ trợ, tiếp sức cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch bao gồm: Bệnh viện, trung tâm y tế; các đơn vị công an; quân đội; UBND và cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp với gói tín dụng quy mô lên tới 10 nghìn tỷ đồng với gói sản phẩm, dịch vụ “Đồng hành tuyến đầu - Tiếp sức bền lâu”. Ngoài ra, khách hàng tham gia còn được hưởng các tiện ích như vay thấu chi online không tài sản bảo đảm với lãi suất chỉ 6%/năm, mức cho vay lên tới 50 triệu đồng/cán bộ nhân viên; vay tiêu dùng ưu đãi đặc biệt; hưởng mức lãi suất cộng thêm tới 0,4% khi gửi tiết kiệm online; miễn phí trọn đời 5 loại phí dịch vụ bao gồm: Quản lý gói tài khoản thanh toán, duy trì tài khoản, duy trì iPay, duy trì biến động số dư OTT/SMS, chuyển khoản trong và ngoài hệ thống qua iPay. Đối với vốn vay ngắn hạn, Vietinbank Bắc Nam Định triển khai chính sách lãi suất đa dạng với thời gian ưu đãi lên tới 12 tháng, đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng. Vietinbank Bắc Nam Định cũng dành 20 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất cho các khách hàng vay vốn trung dài hạn, thời gian ưu đãi lên tới 36 tháng. Bên cạnh đó, Vietinbank Bắc Nam Định cũng tập trung triển khai ký kết hợp đồng dịch vụ thu hộ học phí, viện phí, tiền nước với các đơn vị liên quan; đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ xấu, nợ xử lý rủi ro; cải thiện mạnh mẽ, toàn diện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cung cấp giải pháp tài chính tổng thể, toàn diện tới khách hàng, phát triển mạnh hoạt động ngân hàng thanh toán và ngân hàng đầu tư. Tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh, đến hết tháng 10-2021, dư nợ đạt 3.417,8 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 204,3 tỷ đồng (6,4%), đạt 99,6% kế hoạch dư nợ, với 97.845 khách hàng đang có dư nợ. Các tháng cuối năm, ngân hàng đẩy mạnh giải ngân các khoản vay cho học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ mới thoát nghèo. Ngay đầu quý IV, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Bắc Nam Định cũng chỉ đạo cán bộ nhân viên tăng cường công tác tiếp thị cho vay, huy động vốn, phát triển các sản phẩm dịch vụ đến khách hàng trên địa bàn thành phố, tại các xã, làng nghề phía bắc tỉnh, doanh nghiệp, nhà trường, cơ quan, đơn vị. Chú trọng cho vay trung, dài hạn; cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ thấu chi trên tài khoản thanh toán gắn với phát triển các sản phẩm dịch vụ như mở tài khoản tiền gửi, phát hành thẻ ATM, SMS Banking, Internet Banking, các sản phẩm bảo hiểm ABIC… Thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ dư nợ, phân tích kỹ từng món nợ tiềm ẩn, nợ xấu, chỉ đạo thu hồi quyết liệt không để phát sinh nợ xấu. Tiếp tục đôn đốc thu nợ đối với tất cả các khoản nợ đã xử lý rủi ro. Chi nhánh phấn đấu hết năm 2021, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 12 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt trên 8.000 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm là thời điểm nước rút để hoàn thành sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu về nguồn vốn đầu tư tăng mạnh, cộng với quyết tâm của từng TCTD, chắc chắn ngành Ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021. Các TCTD cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ hạn mức dư nợ để điều chỉnh kế hoạch dư nợ hợp lý. Chủ động phân tích tình hình thực tế để áp dụng các biện pháp điều hành linh hoạt, bảo đảm phát triển an toàn, bền vững. Tập trung tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được giao gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, khả năng quản lý khoản vay, tiếp tục linh hoạt trong lãi suất cho vay nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202111/gap-rut-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-tin-dung-nam-2021-2547680/