Cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh tại ASEAN thông qua Việt Nam
Ổn định chính trị, Chính phủ thân thiện, khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và hệ thống mạng lưới đối tác địa phương… là những lợi thế của Việt Nam và điều đó giúp ích cho các doanh nghiệp phát triển thị trường ASEAN…
Trong khuôn khổ Hội nghị kinh tế “Gateway to ASEAN” (“Cửa ngõ vào ASEAN”) do Ngân hàng UOB tổ chức vào đầu tháng 9/2024 đã diễn ra tọa đàm “Growing in ASEAN through Vietnam” (Phát triển tại ASEAN thông qua Việt Nam). Ngoài những câu chuyện kinh doanh thành công tại Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư như Warburg Pincus, BW Industrial, Viessmann Đông Nam Á và Châu Đại Dương đã chia sẻ kinh nghiệm chinh phục thị trường Việt Nam, mở rộng xuất khẩu…
Tọa đàm được điều phối bởi ông Jimmy Koh, Giám đốc Quan hệ đối tác và Tiếp thị chiến lược, Khối Tư vấn đầu tư nước ngoài - Ngân hàng UOB (Singapore).
CHÍNH PHỦ THÂN THIỆN, PHÁP LÝ RÕ RÀNG
Là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lâu đời và tăng trưởng hàng đầu thế giới với hơn 113 tỷ USD, hiện diện hơn 40 quốc gia, Warburg Pincus đã lựa chọn Việt Nam là một trong năm điểm đến đầu tư trên toàn cầu và đầu tư lớn thứ ba ở châu Á.
Việt Nam được các doanh nghiệp đa quốc gia nhận định là quốc gia có Chính phủ thân thiện, pháp lý rõ ràng.
Giám đốc Điều hành Warburg Pincus, ông Li Fan, cho biết có ba khía cạnh vượt trội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến Việt Nam như cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á (góc nhìn top-down từ trên xuống).
Thứ nhất,môi trường chính trị ổn định và Chính phủ Việt Nam thân thiện với doanh nghiệp. “Việt Nam đang làm rất tốt. Nếu nhìn vào thị trường mới nổi khu vực châu Á, Việt Nam là nước duy nhất theo đuổi mô hình East Asia Growth (Tăng trưởng Đông Á) cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore. Và Chính phủ Việt Nam liên tiếp được các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam xếp thứ hạng tín nhiệm cao và đều có kết quả tiến bộ theo từng năm”, ông Li Fan khẳng định.
Đại diện quỹ Warburg Pincus minh họa trong giai đoạn dịch, Chính phủ đã có những hành động thiết thực như ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), có những hành động tích cực, khuyến khích đầu tư ở những quốc gia đối tác chiến lược toàn diện,… Có thể nói, các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam có được nền tảng lợi thế và có sẵn mạng lưới kết nối với các quốc gia khác, khu vực thương mại tự do, thỏa thuận song phương, đa phương… Khó có quốc gia nào như Việt Nam, chỉ trong vòng 3-4 năm đã hoàn thành tốt các thỏa thuận FTA với Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản.
Thứ hai, khung pháp lý rõ ràng, minh bạch. Đối với thời điểm hiện nay, tuy vẫn có những quy định còn chồng lấp nhưng cũng đã có không ít những sáng kiến đáng khích lệ và Chính phủ đã thực hiện làm cho môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch và bình đẳng hơn đối với các doanh nghiệp.
Dễ dàng thấy rõ, chính sách ưu đãi thu hút FDI và lực lượng lao động với chi phí thấp (bằng khoảng ½ so với Trung Quốc). Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư chưa xem xét kỹ yếu tố khi lựa chọn địa điểm thị trường "Trung Quốc +1".
Việt Nam là nước có biên giới trực tiếp với Trung Quốc và rất tiện lợi cho xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam thuận lợi hơn các quốc gia khác. Đồng thời, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã cải thiện, đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng (khoảng 6-7% GDP và điều này cũng giống như Trung Quốc trước đây đã từng chi gấp 3 lần đầu tư hạ tầng).
Thứ ba,“Network” hệ sinh thái kết nối với các đối tác địa phương. Warburg Pincus đã có hẳn danh mục đầu tư rất lớn và đa dạng, hợp tác với nhiều đối tác địa phương. Chẳng hạn, đối tác bất động sản công nghiệp và VinaCapital (một trong những quỹ đầu tư lớn nhất của Việt Nam).
Là nhà phát triển bất động sản logistics và công nghiệp cho thuê hàng đầu tại Việt Nam, BW Industrial cung cấp không gian sản xuất, kho bãi linh hoạt và giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp. Ông Gene King, Giám đốc Đầu tư BW Industrial cho rằng sau đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng cần phải phân tán, phi tập trung.
“Hầu hết các doanh nghiệp đều hiểu điều đó. Các doanh nghiệp từ châu Âu, Mỹ đòi hỏi nhà cung cấp, nhà sản xuất phải đa dạng hóa… và Việt Nam được xem có nhiều yếu tố thuận lợi để lựa chọn. Ngày nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) linh hoạt hơn thời gian thuê, dòng vốn. Do đó, họ có thể thuê ngoài và tập trung vào kế hoạch kinh doanh để làm sao đầu tư được hiệu quả hơn, kiểm soát tốt chi phí và hướng đến bền vững. Đó là xu hướng cần nắm bắt khi chuyển sang đầu tư tại Việt Nam", ông Gene King chia sẻ kinh nghiệm.
Tại tọa đàm, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi và là cửa ngõ giúp các doanh nghiệp tiến sâu vào thị trường ASEAN nhờ vào sự ổn định chính trị, Chính phủ thân thiện, khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và hệ thống mạng lưới đối tác địa phương…
TƯ DUY TOÀN CẦU, HIỂU SÂU RỘNG ĐỊA PHƯƠNG
Chia sẻ câu chuyện vì sao đầu tư tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Viessmann Đông Nam Á và Châu Đại Dương, ông Alexandar Ziehe, cho biết Viessmann cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Lựa chọn ASEAN thì Việt Nam có nhiều ưu điểm vững vàng để phục vụ thị trường khác ngoài Đức như các nước Đông Nam Á. Trong tương lai Viessmann có thể sẽ nâng cấp các sản phẩm của mình để vươn xa hơn xuất khẩu sang châu Âu, Australia… Việt Nam có thể làm căn cứ xuất khẩu sang các khu vực khác.
"Dùng tư duy toàn cầu nhưng sử dụng tài năng địa phương. Do đó, đối tác địa phương rất quan trọng, phải có mạng lưới “Network”, chuỗi cung ứng đủ lớn, chất lượng để có thể làm ra sản phẩm tốt và phân phối đến người tiêu dùng phù hợp nhất”.
“Việc mở rộng sản xuất kinh doanh, Viessmann đã lựa chọn và xây dựng nhà máy đầu tiên khu vực Đông Nam Á tại khu công nghiệp An Phước (tỉnh Đồng Nai, Việt Nam) là hoàn toàn đúng đắn. Nơi đây có mạng lưới chuỗi cung ứng tại địa phương khá mạnh. Người tiêu dùng châu Á có xu hướng thay đổi rất nhanh. Do đó, chuỗi cung ứng cũng phải thay đổi nhanh theo kịp như vậy. Sản phẩm của Viessmann cũng đa dạng nguồn cung ứng, không bị lệ thuộc hoặc có thể nhập từ Trung Quốc… Còn 1 yếu tố thành công khác, Việt Nam có quy mô người tiêu dùng khá lớn và dễ dàng tiếp nhận các thương hiệu nước ngoài. Đó là nguồn cảm hứng và Viessmann muốn nắm bắt được xu thế này”, ông Alexandar Ziehe cho hay.
Để hiểu rõ về thị trường, Viessmann đã phải làm qua nhiều bước như marketing, hiểu rõ văn hóa và dùng người địa phương. Đó là cả một quá trình và không hề dễ dàng. Hiện tại, Viessmann có khá nhiều người Việt tham gia vào bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D).
“Dùng tư duy toàn cầu nhưng sử dụng tài năng địa phương. Do đó, đối tác địa phương rất quan trọng, phải có mạng lưới “Network”, chuỗi cung ứng đủ lớn, chất lượng để có thể làm ra sản phẩm tốt và phân phối đến người tiêu dùng phù hợp nhất”, ông Alexandar Ziehe nói.
Tâm đắc quan điểm “Tư duy toàn cầu và hiểu biết sâu rộng địa phương”, Giám đốc Điều hành Warburg Pincus ông Li Fan, thừa nhận việc hiểu được văn hóa, quy định pháp luật ở nước sở tại hay chính sách lợi ích về thuế… sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiến sâu hơn vào thị trường khu vực ASEAN.
VAI TRÒ CẦU NỐI TỪ PHÍA CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH
Là ngân hàng có mạng lưới Thương mại sâu rộng nhất khu vực ASEAN, UOB đóng vai trò cầu nối quan trọng trong nhiều năm qua, giúp các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh đến các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam.
Vào năm 2011, UOB đã thành lập các Trung tâm Tư vấn Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực. Trung tâm này cung cấp dịch vụ tư vấn một cửa bao gồm cung cấp thông tin chuyên sâu về thị trường, dịch vụ tư vấn và các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp như các giải pháp tài chính thương mại, cho vay vốn lưu động và quan hệ đối tác chiến lược với chính quyền địa phương để giúp khách hàng điều hướng các yêu cầu, quy định pháp lý một cách hiệu quả.
Hiện tại UOB đã có 10 trung tâm tư vấn FDI trên khắp khu vực trong đó có Việt Nam. Trong hơn 10 năm qua, hơn 4.500 công ty đã sử dụng dịch vụ tư vấn FDI của UOB để mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là vào ASEAN.
Riêng đối với Việt Nam, UOB đã hỗ trợ khoảng 300 công ty các nước mở rộng vào Việt Nam trong 5 năm qua. Theo đó, các công ty này đã cam kết đầu tư khoảng 7,3 tỷ SGD (đô la Singapore) cùng với kế hoạch tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động ở Việt Nam.