Gấp rút khắc phục sự cố do ảnh hưởng bão số 3, vận hành các trạm bơm tiêu úng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 17h 30 phút ngày 8/9, có 134.205 ha lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; trên 1.100 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh); 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.

Toàn tỉnh Hà Nam có hơn 10.800 ha lúa bị đổ. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Toàn tỉnh Hà Nam có hơn 10.800 ha lúa bị đổ. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Cụ thể, 109.382 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, tập trung tại Hải Phòng 7.005 ha; Thái Bình 29.000 ha; Hà Nội 6.218 ha; Hưng Yên 12.119 ha; Hải Dương 18.500 ha; Hà Nam 10.869 ha; Bắc Giang 4.822 ha; Vĩnh Phúc 6.000 ha...

Có 17.921 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, tập trung tại Hải Phòng 1.600 ha; Nam Định 2.500 ha; Thái Bình 3.345 ha; Hải Dương 2.900 ha… Cùng với đó là 6.902 ha cây ăn quả bị hư hại, tập trung tại Hải Phòng 2.200 ha; Thái Bình 1.385 ha, Hưng Yên 1.841 ha…

Theo Cục Thủy lợi, hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà đang vận hành 11 trạm bơm với 83 máy để tiêu nước (Như Trác 6 máy, Hữu Bị 4 máy, Nhân Hòa 4 máy, Cốc Thành 7 máy, Sông Chanh 27 máy, Vĩnh Trị I 5 máy, Vĩnh Trị II 3 máy, Cổ Đam 6 máy, Quỹ Độ 12 máy, Nhâm Tràng 6 máy, Kinh Thanh I -12 máy).

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, các cống tiêu Cầu Xe, An Thổ đang mở thông; trạm bơm My Động đang mất điện, các đơn vị có liên quan đang gấp rút khắc phục sự cố, dự kiến khoảng 19h ngày 8/9 đảm bảo cấp điện vận hành trạm bơm.

Lập nhiều trạm bơm dã chiến ở vùng trọng điểm của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình để chống úng. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Lập nhiều trạm bơm dã chiến ở vùng trọng điểm của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình để chống úng. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Các địa phương khu vực Bắc Bộ, tính đến 16h ngày 8/9, các địa phương hiện đang vận hành 280 trạm bơm với 1.316 máy bơm.

Một số tỉnh, thành phố, khu vực đang tiếp tục khắc phục sụ cố mất điện gồm: Hải Dương, Thái Bình. Lãnh đạo các tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố để vận hành tiêu nước ngay khi điều kiện cho phép.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Thanh Hóa hiện vận hành 32 công trình công trình tiêu úng (18 cống và 14 trạm bơm). Trong số đó, Công ty TNHH MTV Sông Chu vận hành 7 trạm bơm; Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Sông Mã vận hành 7 trạm bơm và 13 cống tiêu; Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Sông Mã vận hành 5 cống tiêu.

Về tình hình hồ chứa thủy lợi, hiện không có báo cáo về sự cố đập, hồ chứa. Các hồ chứa hiện an toàn.

Dung tích bình quân của các hồ tại khu vực Bắc Bộ đạt từ 81 - 96% dung tích thiết kế, cụ thể theo tỉnh. Các hồ đang vận hành xả tràn: hồ Tràng Vinh, hồ Yên Lập, hồ Chúc Bài Sơn, hồ Đầm Hà Động (Quảng Ninh); hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); hồ Cấm Sơn (Băc Giang); hồ Đồng Mô (Hà Nội). Hồ Cấm Sơn có lượng nước đạt 113% dung tích thiết kế và đang xả với lưu lượng 120 m3/s.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, dung tích bình quân của các hồ đạt từ 43 - 65% dung tích thiết kế. Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) đang vận hành xả tràn. Các hồ chứa lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý như: hồ Cửa Đại, hồ Ngàn Trươi, hồ Tả Trạch cũng đang vận hành xả, nhưng các hồ còn hàng trăm triệu m3 để trữ lũ.

Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý công trình thủy lợi theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình, đặc biệt lưu ý tới các hồ chứa nước xung yếu, hồ chứa có cửa van, hạ du đông dân cư sinh sống khi có mưa trên lưu vực hồ chứa.

Đối với công trình đang thi công, phải có phương án thi công phù hợp, đảm bảo không để xảy ra sự cố, tuyệt đối không triển khai các hạng mục không đáp ứng tiến độ thi công vượt lũ.

Các đơn vị vận hành các hồ chứa nước theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt. Các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp; đặc biệt thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố, các hồ chứa đầy nước để kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.

Bích Hồng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/gap-rut-khac-phuc-su-co-do-anh-huong-bao-so-3-van-hanh-cac-tram-bom-tieu-ung-20240908191112302.htm