Sạt lở quốc lộ các tỉnh phía Bắc: Nhiều vị trí cuối tháng 9 mới khắc phục xong
Tính đến chiều 16/9, lực lượng chức năng đã cơ bản khắc phục được các điểm sạt lở ở các tuyến quốc lộ phía Bắc để thông xe tạm thời. Hiện vẫn còn 9 điểm sạt lở ở các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên... chưa xử lý xong.
Đề xuất 800 tỷ đồng xây cầu Phong Châu
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, do ảnh hưởng của mưa lũ, có 4.177 vị trí, đoạn đường quốc lộ từ Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại; hàng trăm báo hiệu đường bộ bị gãy, đổ.
Theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến chiều 16/9, lực lượng chức năng đã khắc phục được 558 vị trí sạt lở đất đá để thông đường toàn bộ mặt đường, hoặc thông một phần mặt đường phục vụ giao thông.
Hiện còn 9 vị trí chưa thông do sạt lở, sụt lún nền đường với khối lượng lớn, địa hình khó khăn trong việc tiếp cận và đưa máy móc vào thi công. Cụ thể, tỉnh Lào Cai còn 2 vị trí trên QL.279 dự kiến đến 30/9 mới có thể xử lý xong để thông xe. Bắc Kạn còn 2 vị trí tắc đường trên QL.279 (từ trung tâm huyện Ba Bể sang tỉnh Tuyên Quang), sạt lở ta luy dương và ta luy âm khối lượng lớn, dự kiến được thông xe từ 25/9.
Tuyên Quang còn 1 vị trí tắc, nguy cơ mất an toàn cao trên QL.2C, Thái Nguyên có 1 vị trí mưa lũ gây đứt hoàn toàn nền mặt đường Hồ Chí Minh, đến hết tháng 9 mới khôi phục tạm để thông xe. Cao Bằng có 1 vị trí trên QL.3 , cố gắng thông xe trước ngày 30/9.
Ngoài ra, còn có 2 bến phà Đống Cao và Đại Nội (tỉnh Nam Định) vẫn tạm dừng khai thác do mực nước sông vẫn ở mức cao, lưu tốc dòng chảy lớn.
Với các điểm ngập nước trên các quốc lộ, cao tốc, đến thời điểm này cơ bản đã khắc phục thông xe. Hiện chỉ còn 1 vị trí nước còn ngập sâu tại đầu cầu Kiện Khê tuyến tránh thành phố Phủ Lý.
Thời gian dự kiến thông xe chưa xác định cụ thể do ngập lụt cả khu vực. Tuy nhiên các vị trí này chỉ bị ảnh hưởng giao thông trên địa bàn, do giao thông liên vùng đi theo tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.
“Bước đầu ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ ở khu vực phía Bắc khoảng 2.900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ GTVT xem xét, giao cục nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện năm 2024-2025.
Về tuyến đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, đến nay các tuyến đường sắt phía Bắc cơ bản đã hoạt động trở lại bình thường. Đặc biệt, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai bị thiệt hại nặng, nhưng hiện đã được khắc phục, và thông đường toàn tuyến, song tốc độ chạy tàu khá chậm.
Đến nay, đã có gần 700 tấn hàng cứu trợ được bốc xếp lên các đoàn tàu từ ga Sóng Thần và các ga dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam hướng về vùng lũ Yên Bái, Lào Cai… Thiệt hại về kết cấu hạ tầng đường sắt sơ bộ ước tính khoảng 130 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đường sắt thiệt hại ước tính 48 tỷ đồng do hoạt động vận tải bị đình trệ...
Còn khoảng 800 cảng, bến luồng chưa hoạt động
Trong lĩnh vực đường thủy nội địa, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay, tại các tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên có 10/763 cảng, bến luồng đã hoạt động. Tại các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương còn 98/155 cảng, bến chưa hoạt động.
Dự kiến, các cảng bến sẽ hoạt động trở lại sau khi mực nước trên các tuyến sông đảm bảo an toàn, các thông báo hạn chế giao thông được gỡ bỏ, triển khai các hệ thống báo hiệu trên tuyến, luồng và khắc phục các thiệt hại do bão gây ra.
Để khắc phục hậu quả sau bão, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đường kết nối các vùng dân cư còn bị cô lập, các trục giao thông chính.
Sở GTVT Phú Thọ chịu trách nhiệm giải trình về sự cố cầu Phong Châu
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ GTVT cho biết, việc xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố sập cầu Phong Châu đến thời điểm này vẫn đang được các cơ quan chức năng vào cuộc. Hiện mực nước sông Thao qua địa bàn vẫn ở mức cao nên các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đánh giá. Song cầu Phong Châu (Phú Thọ) do Sở GTVT Phú Thọ làm chủ đầu tư nên đơn vị này phải chịu trách nhiệm giải trình, làm rõ.
Trước đó, theo báo cáo nhanh của Sở GTVT Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông Thao lên rất cao, tại Ấm Thượng là +27,25m (trên báo động III là 1,25 m). Do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10h2' phút ngày 9/9, cầu Phong Châu bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).