Gấp rút khơi thông giải ngân đầu tư công
TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với trọng tâm giải ngân đầu tư công hiệu quả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc và tối ưu hóa nguồn lực, chống lãng phí, coi đây là yêu cầu cấp bách để tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững, phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển của khu vực.
Là trung tâm kinh tế hàng đầu Việt Nam, TP Hồ Chí Minh cần một nguồn lực đầu tư ổn định và kịp thời để xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, từ giao thông, năng lượng đến giáo dục, y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Việc giải ngân đúng tiến độ không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống, tạo việc làm cho người lao động mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công còn có tác dụng tạo động lực cho các dự án tư nhân, thu hút đầu tư từ các nguồn lực khác, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của thành phố trên bản đồ kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh, việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối quý III-2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố mới đạt trên 24% kế hoạch đề ra. Đến hết tuần đầu tháng 12-2024, tỷ lệ này mới đạt 33% trong tổng số vốn 79.263 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố đã tổ chức đồng bộ nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm; tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý; tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” nhiều công trình giao thông trọng điểm. Đến nay, thành phố đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được 9/30 dự án đầu tư và đang tiếp tục rà soát xử lý 21/30 dự án. Hiện trên nhiều tuyến đường, công trường của TP Hồ Chí Minh, không khí làm việc đang diễn ra khẩn trương. Nhiều dự án trọng điểm đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ như: Dự án mở rộng Quốc lộ 50, dự án cải thiện môi trường nước TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm...
Đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung thi đua cao điểm đến hết niên độ giải ngân đầu tư công năm 2024 vào ngày 30-1-2025, cụ thể như: Lập kế hoạch đầu tư giải ngân vốn, xác định chi tiết những khó khăn, vướng mắc từng dự án, đề xuất khen thưởng các đơn vị có tiến độ giải ngân tốt, kỷ luật các đơn vị giải ngân không kịp thời. Đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn như mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa; xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; Tỉnh lộ 8; xây dựng bến xe buýt Củ Chi; đường Hoàng Hoa Thám... các chủ đầu tư báo cáo chi tiết từng bước thủ tục, tiến độ mở thầu, thi công và giải ngân dự án theo các mốc thời gian cụ thể, trong đó xác định rõ thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của sở, ngành và đặc biệt là vai trò của chủ đầu tư trong từng nhiệm vụ được đề ra.
Bên cạnh đó, những cải cách hành chính cũng đóng vai trò quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thi công trong việc giải quyết thủ tục. Quy trình đơn giản, minh bạch giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi và chi phí không cần thiết. Trong bối cảnh nguồn vốn phân bổ còn hạn chế, thành phố xác định danh sách các dự án trọng điểm có khả năng hoàn thành trong năm để tập trung đẩy nhanh giải ngân.
Hướng đến chiến lược dài hạn để bảo đảm hiệu quả giải ngân đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các năm tiếp theo, thành phố chú trọng phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác giải phóng mặt bằng; ưu tiên áp dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống cho đối tượng bị thu hồi đất khi thực hiện các dự án hạ tầng. Cùng với đó đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực quản lý dự án đầu tư công. Để giải ngân hiệu quả, đội ngũ cán bộ quản lý dự án cần có kiến thức sâu rộng về quy trình, pháp lý, kỹ năng giải quyết tình huống phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, kể từ ngày họp hội nghị Thành ủy (4-12), tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 24%, đến ngày 7-12 đã tăng lên 33%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt tập trung vào 7 dự án lớn đã lên lịch giải ngân trong thời gian tới, gồm: Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm; dự án Vành đai 2-giai đoạn 2; cầu đường Nguyễn Khoái; dự án mở rộng đường Tân Thới Hiệp 21; dự án đường Lê Văn Quới; dự án Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc; dự án rạch Cung, rạch Lồng Đèn.
Chìa khóa để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả không chỉ nằm ở con số ngân sách mà còn ở sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Khi mọi yếu tố đều hoạt động nhịp nhàng, thành phố sẽ có thể tận dụng tối đa nguồn lực và đưa các dự án phát triển hạ tầng vào thực tiễn, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy kinh tế địa phương, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/gap-rut-khoi-thong-giai-ngan-dau-tu-cong-808863