Gặp 'tướng cướp Bạch Hải Ðường' giữa miệt U Minh
Ðang trao quà cho người dân nghèo, chúng tôi bỗng nghe một số người nhao nhao cho biết vừa tận mắt thấy... 'tướng cướp Bạch Hải Ðường'. Dò tìm đến bến đò ngang qua một con kênh xáng gần đó, tôi gặp một phụ nữ và chị nhiệt tình đưa cho xem tấm ảnh vừa chụp được bằng điện thoại.
“Ðúng là tướng cướp Bạch Hải Ðường rồi!”, chị chỉ vào ảnh người đàn ông đang dưới đò ngang vẫy tay chào ai đó trên bờ kênh. Tôi quay sang nói vui với anh Công an viên, đúng là tai mắt của nhân dân, “tướng cướp Bạch Hải Ðường” vừa về đây chưa kịp hoạt động gì đã bị phát hiện...
Nghe tôi kể lại chuyện trên, Nghệ sỹ nhân dân (NSND) Trọng Hữu cười khà khà. “Một lần biểu diễn ở Rạch Giá, Kiên Giang, đã gần nửa đêm nhưng vẫn có nhiều người đứng chờ bên cánh gà sân khấu. Không phải chờ xin chữ ký, cũng không phải chờ chụp chung ảnh lưu niệm mà là rủ tôi đi ăn hủ tiếu. Không còn đường từ chối, tôi lau vội phấn son trên mặt rồi đi cùng bà con.
Hơn chục năm trước, tôi có ghé ông. Ðó là căn nhà nằm trong con hẻm nhỏ trên đường 3-2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Lúc tôi đến, Trọng Hữu vừa đi họp... chi bộ về và đang loay hoay phụ vợ chuẩn bị bữa cơm trưa mà khách duy nhất là tôi. Dân miền Tây hiếu khách và thật lòng, cái gì tự cho là ngon đều đem ra đãi khách. Hôm đó, tôi được anh đãi món lẩu mắm với rất nhiều loại rau đồng hết sức đặc sắc.
“Ngày xưa ông bà mình khổ, đẻ mình ra cũng khổ. Ăn cá, ăn mắm quen từ nhỏ nên giờ vợ chồng tôi vẫn thủy chung với cá kho, mắm kho, rau luộc”, Trọng Hữu nói như thế rồi trở vào bếp bưng ra thêm mấy con mắm cá sặc rất thơm ngon. “Dân miền Tây hình như ai cũng biết ăn mắm, ai cũng mê cải lương”, tôi gợi chuyện. Như “trúng mạch”, chủ nhà nhớ về chặng đường hơn nửa thế kỷ từ một “thằng nhóc mê cải lương” cho đến một nghệ sỹ được nhiều người hâm mộ.
NSND Trọng Hữu kể ông bắt đầu nghiệp ca hát từ lúc mới lên 10 tuổi. “Lúc đó, tôi hay theo ông nội tôi để ca hát phục vụ đám tiệc. Nhà lúc đó rất nghèo. Ngoài thời gian đi ca hát, tôi còn hay cùng với má tôi đi cấy mướn. Năm 12 tuổi, tôi được ba tôi khi đó là lãnh đạo của Ðoàn văn công Cần Thơ cho đi theo đoàn”, ông nhớ lại.
“Hồi đó sân khấu được dựng bằng cây lá; phông màn làm bằng lá dừa xé ra đan lại. Không có micro nên chỉ hát... chay. Chưa có điện nên phải đốt đèn măng-sông hoặc đuốc lá dừa. Mỗi lần hát xong, lỗ mũi anh em bị đóng khói đen kịn. Mỗi suất hát chỉ kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Hồi đó ông được đóng vai “Phù Ðổng Thiên Vương” trong vở tuồng. Nhiều khi đang hát, địch phát hiện, điều trực thăng tới bắn, thế là “Phù Ðổng” cũng phải lo tắt đèn, tắt đuốc, cùng với bà con, bộ đội di chuyển tới vùng an toàn”, ông cười và nhớ lại những ngày mới tập tành hát phục vụ bộ đội.
Thời kháng chiến, mỗi khi hát xong là “Phù Ðổng” cũng ra đồng, cùng bà con gặt lúa, bắt cá, bắt cua về làm cơm. Xong rồi tập bài hát, tuồng mới. Trận Tết Mậu Thân 1968, Ðoàn văn công Cần Thơ theo mũi tiến công vào Xóm Chài đối diện bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Nhiều anh em trong đoàn đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa người yêu, chưa gia đình...
Tôi thắc mắc tấm ảnh đen trắng, người trong ảnh là một thanh niên mặc bộ đồ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, lưng vác máy truyền tin, Trọng Hữu giải thích đó là tấm ảnh được chụp năm 1972. Khi đó ông là Tiểu đội phó Tiểu đội thông tin, Trung đoàn 2, Quân khu 9; đơn vị đóng tại U Minh. “Tấm hình này chụp lúc khoảng 3 giờ sáng ngay trước trận tấn công vào đồn Xẻo Lá.
Tờ mờ sáng hôm đó, chúng tôi bị địch phát hiện, trực thăng và lực lượng của Sư 21 địch kéo đến. Sau cuộc chiến đấu ngoan cường, phía địch thiệt mạng nhiều nhưng hàng chục anh em chúng tôi hy sinh. Tới 21 giờ đêm đó, tôi và một số đồng đội mới rút lui được và lội ngang sông để về vùng an toàn”, ông nhớ lại. Ðầu năm 1974, khi đơn vị ông đang đóng quân ở vùng Sông Trẹm (Cà Mau) thì Ðoàn văn công Khu Tây Nam bộ vào phục vụ.
“Nhớ nghề quá, tôi xin lên sân khấu. Chẳng ngờ sau đêm đó, lãnh đạo các đơn vị hội ý nhau rồi thống nhất cho tôi trở về đúng sở trường, nguyện vọng của tôi là được ca hát phục vụ cho nhân dân, bộ đội vùng giải phóng”, ông cho biết.
Sau 30-4-1975, Ðoàn văn công khu Tây Nam Bộ hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Trọng Hữu vẫn miệt mài cống hiến cho sân khấu bởi lý do “dân xứ mình mê cải lương lắm”. Và điều ông luôn tự hào chính là rất nhiều vai diễn để đời của mình đã đi vào lòng công chúng.
Không chỉ Tướng cướp Bạch Hải Ðường, Trọng Hữu kể người dân còn quen gọi ông bằng tên các vai chính trong các tuồng cải lương như: Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Chuyện tình Lan và Ðiệp, Hòn Vọng Phu, Tình yêu và tướng cướp, Ân hoán giang hồ,... 67 tuổi đời và hơn nửa thế kỷ lao động nghệ thuật nghiêm túc gắn bó với công chúng vùng sông nước Nam Bộ, ông đã thu trên 200 tuồng và trên 400 bài ca cổ dạt dào tình cảm về quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa.
Tết 2019, chúng tôi đi trao quà cho người nghèo ở Cà Mau và Kiên Giang, ông cũng có mặt, góp vui bằng các tiết mục văn nghệ. Tại xã cùng tên huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) –một trong những vùng quê của Miệt Thứ - U Minh từng là căn cứ Cách mạng, hát cùng các nghệ sỹ tên tuổi khác mà ông như sống lại những ngày cùng đồng đội chiến đấu. Chiều đó, hàng trăm người dân khi nhận quà Tết xong đã nán lại nghe ông hát tới gần nửa đêm, vẫn không chịu về.
“Ở những vùng quê như U Minh - Miệt Thứ này, bà con vẫn ít có dịp được trực tiếp nghe cùng lúc nhiều nghệ sỹ tên tuổi biểu diễn lắm. Hôm nay, Báo CAND cùng với các doanh nghiệp tặng quà Tết bằng vật chất; còn cánh nghệ sĩ chúng tôi tặng bà con là lời ca tiếng hát. Hát cho bà con nghe trong điều kiện không phải lo địch ruồng bố phát hiện như thời chiến tranh là điều hạnh phúc nhất rồi”, ông bộc bạch.
NSND Trọng Hữu cho biết, cũng chính nhờ sống trọn vẹn trước sau như một mà ông có một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Nhớ lần tôi thắc mắc về tấm ảnh đen trắng chụp chân dung một phụ nữ được treo trên tường, ông cho biết đó chính là người yêu thời kháng chiến của ông. “Tôi gặp rồi yêu cô ấy năm 1974 khi Ðoàn văn công đóng gần Hòn Ðá Bạc (Cà Mau)”, ông kể. Ngồi cạnh chồng, tham gia vào câu chuyện, bà Tuyết Mai kể lại cái thời mà bà tặng ông tấm ảnh này rằng, năm đó, bà là y tá, còn đoàn văn công của ông đóng quân gần đó.
“Mỗi khi ốm đau, ảnh hay sang nhờ cạo gió, chích thuốc. Trên lưng anh Hữu có cái bớt, ảnh nói ai thấy cái bớt của ảnh là phải lấy ảnh. Tui nghĩ ảnh nói cho vui, ai dè mình cũng có tình cảm với ảnh thật. Chiến tranh, đạn bom khốc liệt, không biết sống chết lúc nào nhưng khi đó, chúng tôi tin nhau và hẹn ước, khi đất nước giải phóng sẽ làm đám cưới”, bà Tuyết Mai nhớ lại.
Tôi hỏi nguyên nhân khiến ông vẫn gắn bó với cải lương dù loại hình này trải qua nhiều thăng trầm?, ông trả lời không chút chần chừ: “Đó chính là lòng thủy chung”. Tôi cảm nhận được điều ông nói khi được biết ông là trường hợp nghệ sỹ cải lương duy nhất trưởng thành từ trong lửa đạn. Sau chiến tranh, cũng vì “thủy chung” với nghề bằng thái độ hoạt động nghệ thuật rất nghiêm túc, luôn rất gần gũi và trọn lòng phục vụ nhân dânmà ông được Nhà nước ghi nhận bằng việc lần lượt phong tặng NSƯT (1997) và NSND (2016). Gia đình ông đã 4 đời gắn bó với ánh đèn sân khấu cũng là yếu tố quan trọng thôi thúc NSND Trọng Hữu phải chung thủy với nghề và tiếp tục phấn đấu không ngơi nghỉ.