Garrincha: Túc cầu đệ nhất Phản anh hùng

Garrincha sinh ra không để trở thành biểu tượng. Trong vũ trụ bóng đá, ông chính là nhân vật phản anh hùng tiêu biểu nhất.

Pele và Garrincha: Anh hùng và Phản anh hùng

Pele và Garrincha: Anh hùng và Phản anh hùng

Garrincha xuất chúng nhưng tài năng của ông dị biệt trên cơ thể dị dạng. Học hỏi Garrincha là điều bất khả. Nhân cách của Garrincha càng không nên học hỏi, cho dù ông được yêu mến ở Brazil hơn cả Pele. Và để nêu bật tính chất phản anh hùng của Garrincha, cách tốt nhất là soi chiếu qua lăng kính túc cầu vương.

Như một sự xếp đặt tài tình, cả hai cùng chào đời vào những ngày cuối tháng 10. Tuy cách nhau 7 tuổi nhưng đều bắt đầu tỏa sáng trên bầu trời bóng đá ở cùng thời điểm. Nếu hôm trước thế giới bóng đá long trọng chúc tụng sinh nhật Vua bóng đá, hôm sau người hâm mộ quê nhà lặng lẽ đặt vài nhành hoa lên mộ phần đơn sơ của Garrincha, để tưởng nhớ về bậc tài hoa trăm năm có một không chỉ của bóng đá xứ sở Samba mà cả thế giới.

Bởi tính cách khác biệt, số phận cả hai trở nên đối nghịch. Một người vươn tới đỉnh cao muôn trượng và mãi mãi được tôn kính như ông vua của môn bóng đá. Một người được ca tụng là thiên thần, rốt cuộc chết trong nghèo khổ, bệnh tật và tàn tạ, để người đời sau tiếc nhớ khôn nguôi.

Ngay từ gốc gác, Pele và Garrincha đã có điều khác biệt lớn để tạo nên tính cách sau này. Pele sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo tại Bauru, bang Sao Paulo. Nguồn cội của ông là những người nô lệ da đen bị bắt sang Tân Thế giới những năm đầu thế kỷ 16. Từ nhỏ cậu bé Edson, được đặt theo tên Thomas Edison, đã phải bươn chải trên những con phố để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Biệt danh Pele được đặt bởi đám bán, khi cậu bé Edson luôn hét to “Pilé, Pilé!” (Cột dọc) mỗi khi chơi bóng trên những bãi đất trống không bụi bặm thì bùn lầy nhơ nhuốc đặc trưng của phố phường Brazil.

Garrincha thì mang trong mình dòng máu thổ dân da đỏ, những người sinh sống ở châu Mỹ từ hàng ngàn năm trước. Cậu tên thật là Manoel Francisco dos Santos, hay gọi vắn tắt là Mane. Mane lớn lên ở Pau Grande, ngôi làng nhỏ ẩn mình dưới những ngọn đồi quanh co và cánh rừng nhiệt đới đặc trưng của Nam Mỹ.

Tuổi thơ Mane là những tháng ngày lãng đãng rong chơi. Ngày cậu trốn học đi bắt chim trên rừng, đánh cá bên bờ suối. Mỗi buổi chiều, Mane lại cùng lũ trẻ trong thôn đá bóng ở bãi đất hoang, chân không giày còn “bóng” mang nghĩa ước lệ tượng trưng, bởi thực tế là cuộn giẻ nhồi vào. Vì nhỏ thó và tíu tít cả ngày, các anh chị em trong nhà đặt thêm cho Mane cái biệt danh Garrincha, loài chim nhỏ thường thấy ở vùng rừng nhiệt đới Nam Mỹ.

Chú chim non ấy vô tư lự tới nỗi tới nỗi tuy mê đá bóng nhưng cậu không chẳng hề biết đến biến cố Maracanazo. Chú giải thêm, Maracanazo là thuật ngữ để chỉ thất bại của Selecao trong trận đấu như chung kết với đội tuyển Uruguay tại World Cup 1950 trên thánh địa Maracana. Dư chấn của Maracanazo khủng khiếp tới mức, tác gia Nelson Rodrigues đã viết: “Mỗi quốc gia đều có một thảm họa lịch sử, tựa như một cú Hiroshima. Với Brazil, thảm họa ấy chính là World Cup 1950”.

Vì mải bắt chim, đánh cá, Garrincha được các cây bút miêu tả là người Brazil duy nhất không chịu ảnh hưởng của Maracanazo. Trái ngược với người đồng đội trong tương lai, Maracanazo gây ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý của Pele. Cậu khóc và nhìn thấy gia đình, bạn bè, chòm xóm đều khóc. Cậu trầm mình trong không khí tang thương của cả đất nước ấy rồi tự hứa với lòng mình một ngày sẽ vô địch thế giới!

Dị tướng Garrincha: Lưng chữ S, chân chữ C

Dị tướng Garrincha: Lưng chữ S, chân chữ C

Tài nghệ của Garrincha sớm nổi tiếng trong vùng và lan ra toàn bang Rio de Janeiro. Tuy nhiên, khi đã bước vào tuổi trưởng thành, cậu tìm mọi cách để né việc ký hợp đồng với các đội bóng lớn. Khi nhận lời đề nghị từ Vasco de Gama, cậu khước từ với lý do là không có giày để đá bóng. Sau đó cậu còn bỏ giữa chừng cuộc tuyển chọn tài năng của Fluminense. Cậu Garrincha thích cuộc sống tại Pau Grande, nơi cậu sống tự do, tự tại và phóng khoáng như một chú chim. Cậu uống rượu, chơi bóng cùng chúng bạn, giao hoan với những cô gái làng bên và cả… những con dê – Ruy Castro, người viết tiểu sử cho Garrincha quả quyết!

Bước ngoặt cuộc đời chỉ đến với Garrincha khi cậu hứng chí đi thử việc ở Botafogo. Năm đó cậu đã 20. Trái ngược với vẻ ngoài cổ quái và tính tình bẽn lẽn, trên sân bóng Garrincha là cơn ác mộng cho mọi hậu vệ đối phương. Cậu rê qua Nilton Santos, thủ lĩnh khả kính của hàng phòng ngự Botafogo lẫn đội tuyển Brazil nhẹ nhàng như chú mèo bông đùa với cuộn len. Quá ấn tượng bởi chưa từng thấy cầu thủ nào rê bóng hay đến như vậy, BLĐ lập tức soạn hợp đồng để kỷ với Garrincha. Đó là món hời lớn của đội bóng. Garrincha không đơn thuần là tài năng lớn. Garrincha là dị nhân, là cầu thủ rê dắt bóng hay nhất lịch sử. Tài nghệ của ông có thể dùng từ vô tiền khoáng hậu để tán tụng.

Phân tích kỹ hơn, như đã đề cập, Garrincha có hình dạng cổ quái. Số phận đã giáng cho ông cái cột sống hình chữ S và đôi chân trẹo hình chữ C. Nếu như chân trái cong ra bên ngoài thì chân phải lại cong vào bên trong. Và như thể chưa thỏa mãn sự sáng tạo dị hình dị dạng, “bà mụ” còn vặn cho Garrincha bị tật chân thấp chân cao để dáng đi giống người bị thọt. Ở tuổi trưởng thành, chân phải của Garrincha ngắn hơn chân trái 6 phân.

Tuy nhiên, ông trời chẳng lấy đi của ai tất cả. Chính sự dị hình dị dạng ấy lại trở thành thiên chất giúp Garrincha trở thành cầu thủ rê bóng hay nhất lịch sử. Miễn còn sung mãn, lấy bóng trong chân Garrincha là mơ ước của mọi hậu vệ. Nhỏ bé và chắc nịch tạo cho ông trọng tâm thấp để thực hiện những pha đột phá như thể xới cả đất. Với cặp đùi vạm vỡ, càng không ai bắt kịp những pha tăng tốc hay cú ngoặt bóng bất thần của Garrincha.

Nhưng khó nhất khi đối mặt với cầu thủ rê bóng hay nhất lịch sử là đọc tình huống. Đương đầu Garrincha, mọi đối thủ đều hoang mang không biết nên nhìn vào ánh mắt, chân thuận hay chân chiêu. Chưa kể động tác giả của Thiên thần chân cong lại còn y như thật khiến cầu thủ đối phương ngã sõng soài trên sân. Nhiều khi quá e sợ tài rê bóng của Garrincha, nhiều HLV còn bố trí 2 thay vì 1 hậu vệ cả trận chỉ duy nhất nhiệm vụ bắt chặt lấy ông nhưng vẫn bất thành. Có giai thoại còn kể rằng Garrincha từng rê qua cả hàng thủ bao gồm cả thủ môn nhưng đến khi đứng trước khung thành lại dẫn bóng quay trở ra để rê thêm lần nữa cho “đã thèm”.

Brazil độc cô cầu bại và hiện tượng Garrincha cha-cha-cha

Brazil độc cô cầu bại và hiện tượng Garrincha cha-cha-cha

Khác với tính cách vô tư và ham vui của Garrincha, Pele giàu ý chí và hành tiến. Ông gia nhập Santos năm mới 15 tuổi. 16 tuổi, ông trở thành cầu thủ đá chính ở đội một, và ít tháng sau sút tung lưới Argentina trên sân Maracana trong lần đầu tiên khoác áo đội tuyển Brazil. Đến năm 17, Pele giành ngôi Vua phá lưới giải vô địch bang Sao Paulo.

Lần đầu tiên Pele gặp Garrincha là trong trận gặp Bulgaria trước thềm World Cup 1958. Từ đó trở đi, đội tuyển Brazil bất khả chiến bại mỗi khi cả hai hiện diện trên sân. Tại giải vô địch bóng đá thế giới diễn ra trên đất Thụy Điển, Brazil khởi đầu khá lề mề và HLV Feola đi đến quyết định lịch sử là đưa hai cầu thủ dự bị Pele và Garrincha vào đội hình chính. Ở trận đấu với Liên Xô, Garricha khiến hậu vệ đối phương choáng váng tới nỗi sang hiệp 2, HLV Kachalin đã phải bố trí tới 3 chứ không phải 2 cầu thủ theo kèm cầu thủ chạy cánh của đội tuyển Brazil.

Những trận đấu tiếp theo trong hành trình đến chiếc cúp vàng đầu tiên trong lịch sử Selecao, tuy không lấp lánh như Pele trong vai trò trung phong nhưng Garrincha mới thực sự là mối đe dọa thường trực của mọi hàng phòng ngự. Trong trận chung kết với chủ nhà Thụy Điển, trước khi Pele bừng sáng với cú đúp, chính Garrincha là tác giả của cả hai pha kiến tạo dẫn đến hai bàn thắng đầu tiên cho ĐT Brazil. Trong cả hai pha bóng ấy, Garrincha đều đột phá xuống đáy biên, biến hậu vệ Thụy Điển thành khán giả rồi căng ngang cho Vava dễ dàng đệm bóng vào lưới trống.

Đến World Cup 1962, dấu ấn Garrincha càng đậm nét hơn trong hành trình bảo vệ chức vô địch thế giới của đội tuyển Brazil. Ở giải đấu diễn ra trên đất Chile này, Pele dính chấn thương háng ngay lượt trận thứ hai vòng bảng và trở thành khán giả bất đắc dĩ. Garrincha trở thành hy vọng lớn nhất của các nhà đương kim vô địch. Và quả thực, cánh chim nhỏ ấy đã chở cả ước mơ của người dân xứ sở samba đến bến bờ hạnh phúc.

Không chỉ là những pha rê dắt làm hàng thủ đối phương chao đảo, Thiên thần chân cong ghi bàn khiến nụ cười ngạo nghễ của người Anh im bặt ở tứ kết. Đến bán kết, anh lập cú đúp vào lưới chủ nhà Chile, trong đó có một cú vô-lê đầy ngoạn mục để đưa Brazil vào chung kết, nơi Selecao bảo vệ thành công chức vô địch bằng chiến thắng 3-1 trước Tiệp Khắc.

Garrincha được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất giải nhưng danh hiệu ấy chưa đủ để thể hiện ảnh hưởng của Thiên thần chân cong. Nhật báo Mercurio de Santiago của Chile phải thốt lên bằng dòng tít: “Garrincha đến từ hành tinh nào”. Tác gia Nelson Rodrigues, người đã ví Maracanazo là thảm họa Hiroshima của đất nước Brazil, châm ngòi: “Nếu chúng ta là 75 triệu Garrincha, chúng ta sẽ là quốc gia mạnh hơn cả Liên Xô lẫn Hoa Mỹ”. Trên sóng truyền hình, bộ phim ăn khách nhất xứ samba mùa hè 1962 có tên Garrincha cha-cha-cha và đạo diễn lừng danh Joaquim Pedro de Andrade thì tiến hành quay bộ phim tài liệu với tựa đề: Garrincha, niềm hạnh phúc quốc dân.

Gã trai hoang đàng và cái kết bi thảm của kẻ nghiện rượu

Gã trai hoang đàng và cái kết bi thảm của kẻ nghiện rượu

Đằng sau những đỉnh cao chói lọi của cầu thủ rê bóng hay nhất lịch sử luôn là dấu vết của một gã trai hoang đàng cũng chưa từng thấy trong thế giới bóng đá. Năm 1959, Garrincha lập hattrick có lẽ vô tiền khoáng hậu trong giới cầu thủ. Đó là có 3 đứa con ở 3 nơi. Một ở Thụy Điển, nơi ông tham dự World Cup và Botafogo quay lại để thi đấu giao hữu. Một ở Rio, nơi ông chơi bóng. Và một với vợ ở quê nhà Pau Grande.

Đến sau trận chung kết World Cup 1962, một phụ nữ bốc lửa lao vào phòng thay đồ ôm hôn Garrincha. Đó là Elza Soares, ca sĩ hát samba thời thượng nhất Brazil lúc bấy giờ. Trong đời Garrincha, ông trải qua nhiều cuộc tình, nhưng tình yêu ông dành cho Elza Soares là sâu đậm nhất. Tuy nhiên, chuyện tình Garrincha-Elza Soares chỉ mang lại thảm kịch cho cả hai, với vô vàn thêu dệt, chỉ trích và bê bối, từ chuyện lừa đảo đến ngoại tình hay sử dụng bùa chú và thầy phù thủy.

Tháng 8/1963, Garrincha mất gần hết tài sản vì kiện tụng. Đáng ra cuộc sống của ông không đến nỗi khó khăn nếu ra sân thi đấu đều đặn. Tuy nhiên, từ sau chức vô địch thế giới tại Chile, Garrincha bị đau đầu gối. Bác sĩ phát hiện dấu hiệu bệnh thoái hóa khớp và khuyên ông nên phẫu thuật. Garrincha từ chối và theo lời khuyên của Elza Soares, người cho rằng Botafogo đã lợi dụng Garrincha để tổ chức lưu diễn quốc tế để trục lợi, ngôi sao bóng đá Brazil bắt đầu làm mình làm mẩy với đội bóng chủ quản để đòi hỏi hợp đồng hậu hĩnh hơn. Nên nhớ, năm đó Garrincha cũng đã 30 còn Botafogo cố tình phớt lờ đề nghị của ông.

Để kiếm tiền, Garrincha phải tiêm thuốc giảm đau để ra sân. Tuy nhiên, tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đầu gối của Garrincha bị sưng tới mức ông phải nằm nghiêng trong cả tháng trời. Với tình hình tài chính tồi tế như vậy, ông phải trốn ra nước ngoài để trốn việc trợ cấp cho vợ cũ. Cuối cùng Garrincha cũng lên bàn mổ nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Ông không bao giờ có thể hủy diệt hàng thủ đối phường bằng những pha rê bóng vô tiền khoác hậu như trước còn Botafogo thì đơn phương chấm dứt hợp đồng.

World Cup 1970, khi Pele bước lên đỉnh cao nhất sự nghiệp với chức vô địch thế giới thứ ba thì Garrincha càng sa vào địa ngục. Chấn thương hay đàn bà chưa phải nguyên nhân chính khiến Thiên thần chân cong tàn lụi. Rượu mới là nguyên nhân chính. Từ khi còn thiếu niên, cậu bé Mane đã uống rượu như hũ nút. Cứ mỗi sáng, Garrincha tỉnh dậy đã phải rít capirinha hoặc tracado. Mỗi ngày ông đều uống hơn 1 lít rượu mệnh và chân tay trở nên run lẩy bẩy chỉ sau vài giờ thiếu rượu. Vì say rượu, Garrincha đã cán chết mẹ của Elza trong vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 13/4/1969.

Sau biến cố này, ngôi sao một thời của bóng đá người Brazil càng trở nên suy sụp. Garrincha kiếm tiền bằng cách tham gia các trận đấu giao hữu của các cựu danh thủ. Mối quan hệ giữa ông và Elza ngày càng xấu đi. Sự ra đời của cậu bé Garrinchinha không thay đổi được nhiều. Elza không còn chịu nổi cơn say của người chông. Kẻ nghiện rượu đã mất trí tới độ hành hung người phụ nữ duy nhất ông yêu. Rốt cuộc, Elza bỏ đi.

Cái kết của Garrincha bất cứ ai cũng đoán được. Ông thường xuyên đến bệnh viện trong tình trạng mê sảng, co giật và đổ mồ hôi lạnh. Trong buổi diễu hành carnaval 1980, người hâm mộ bóng đá Brazil không khỏi xót xa khi nhìn thấy thần tượng một thời hốc hác, tiều tụy như một thây ma xuất hiện trong bộ trang phục Selecao. Trong khi đó, Pele ngồi trong xe hơi vẫy tay chào khán giả như một nguyên thủ. Vòng hoa trên cổ Garrincha do chính Pele “ban”.

Lần cuối cùng Pele và Garrincha gặp nhau vào tháng 11/1982. Tuy hai phần số đối nghịch nhưng cả hai luôn tôn trọng nhau. Garrincha chưa bao giờ ghen tị với thành công rực rỡ của Pele và Pele chẳng bao giờ xem thường Garrincha. Nếu như bước sang tuổi 40, Pele vẫn trẻ trung, sung mãn và hưởng thụ cuộc sống xa hoa vương giả thì Garrincha vào viện 8 lần mỗi năm, cơ thể và bộ não bị ăn mòn bởi rượu và chết đi khi trong túi không còn một xu.

Đám tang của Garrincha là sự kiện lớn ở Brazil. Hạng vạn người hâm mộ đã đến để tiễn đưa bậc tài hoa sân cỏ trăm năm có một của xứ sở samba về nơi an nghỉ cuối cùng. Quan tài của Garrincha được đặt trên chiếc xe mà ông và đồng đội đã diễu hành ăn mứng chiến thắng khi trở về từ Thụy Điển. Đám rước được cử hành từ thánh địa Maracana về quê nhà Pau Grande, người đứng kẹt cứng hai bên đường.

Có lẽ Garrincha đừng nên rời khỏi ngôi làng ở sâu trong cánh rừng nhiệt đới của ông, một vùng quê nghèo nhưng bình yên và bóng đã vĩnh viễn là trò chơi con trẻ. Chỉ có ở đó, Garrincha được chơi thứ bóng đá thuần khiết nhất, được sống trong vòng tay của người thân và cả những người phụ nữ, tránh xa mọi tội lỗi cuộc đời.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/garrincha-tuc-cau-de-nhat-phan-anh-hung-a577714.html