Gấu trúc - 'linh vật ngoại giao' của Trung Quốc
Trong thiên nhiên, gấu trúc chỉ sống ở Trung Quốc. Mọi điều về loài động vật sang trọng màu đen - trắng này đều chứa đựng ý nghĩa và biểu tượng sâu sắc. Ví dụ: chúng là biểu tượng của Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) kể từ khi thành lập vào năm 1961. Ở phương Tây, gấu trúc còn được biết đến với những bộ phim hoạt hình trong đó chúng thành thạo võ thuật kung-fu.
Tại Trung Quốc, gấu trúc là báu vật quốc gia và được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, ai phạm tội giết chúng sẽ phải chịu án tử hình. Chúng được vận chuyển đi khắp thế giới để tăng sức mạnh mềm của đất nước tỷ dân này. Truyền thông phương Tây không phải vô lý khi coi gấu trúc là thứ “vũ khí lợi hại” của Chủ tịch Tập Cận Bình, qua đó ông củng cố uy tín của CHND Trung Hoa trên trường quốc tế.
Gấu trúc Trung Quốc tại Mỹ
Vào ngày 8/11/2023, một kiện hàng rất quan trọng đã được đón đợi tại sân bay Thành Đô, Trung Quốc. Chiếc Boeing 777F là dịch vụ giao hàng của FedEx Corp có hình một chú gấu trúc khổng lồ trên thân máy bay đã chở các container chứa ba con gấu từ Washington trở về quê hương của chúng. Con gấu trúc bố Meixiang và gấu trúc mẹ Tiantian cùng với chú gấu con 3 tuổi Xiao Qiji của chúng đã được một bác sĩ thú y và hai nhà động vật học tháp tùng. Chuyến bay dài chở theo 100kg trúc, táo và lê bay 19 giờ qua Alaska, tiếp nhiên liệu ở Anchorage.
Tại buổi lễ chia tay ở Vườn thú Quốc gia, nữ giám đốc Brandi Smith đã khóc và bằng giọng run run bày tỏ hy vọng đàn gấu trúc sẽ quay trở lại Washington. “Những vị khách” quan trọng này đã đến sân bay Dulles với sự hộ tống của cảnh sát. Hàng nghìn người ở thủ đô Washington đã ra đường để nói lời tạm biệt với những chú gấu được yêu thích. Sự kiện đáng buồn này đối với họ đã trở thành tin tức được truy cập nhiều nhất trên trang web Flightradar24, thu hút hơn 100 triệu lượt xem.
Cặp đôi gấu trúc Meixiang và Tiantian đến Mỹ vào năm 2000. Cũng giống như tất cả những con gấu trúc khác trong bốn thập kỷ qua, chúng sống ở nước ngoài theo hợp đồng cho thuê. Hợp đồng đầu tiên được ký kết trong 10 năm, sau đó hai lần được gia hạn thêm 5 năm. Hợp đồng cuối cùng đã hết hạn khi đại dịch bắt đầu. Người Trung Quốc đã đồng ý gia hạn thời gian lưu trú của gấu trúc thêm 3 năm nữa và thời hạn này vừa kết thúc.
Gấu trúc trưởng thành thường được gửi về quê nhà khi chúng đã già và những chú gấu trúc con sinh ra ở nước ngoài được gửi về khi chúng được 3-4 tuổi. Trong tự nhiên, tuổi thọ trung bình của gấu trúc là khoảng 20 năm, nhưng trong điều kiện nuôi nhốt, chúng sống lâu hơn 10 năm. Theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, Meixiang 25 tuổi và Tiantian 26 tuổi có thể được coi là những con gấu già nên cần được nghỉ ngơi tại khu bảo tồn thiên nhiên ở Tứ Xuyên.
Việc gia đình gấu trúc rời khỏi Washington có lẽ không phải là ngẫu nhiên khi trùng với mức độ quan hệ thấp kỷ lục giữa Mỹ và Trung Quốc trong toàn bộ lịch sử tồn tại. Dù cho lý do thực sự dẫn đến sự rời đi của gấu trúc như nhiều người hâm mộ Mỹ e ngại, đúng là đã đến hồi kết. Tuy nhiên, tại vườn thú Atlanta vẫn còn một cặp gia đình nhà gấu trúc với hai chú gấu con, nhưng theo các điều kiện của hợp đồng, chúng phải trở về nước trong năm 2024 này.
Tổng cộng ở Mỹ, ngoài Washington và Atlanta, gấu trúc còn có mặt ở San Diego và Memphis. Con gấu trúc già từ San Diego đã trở về nhà cùng với con của nó từ năm 2019, cặp gia đình gấu trúc lẽ ra phải rời vườn thú Memphis vào mùa xuân năm đó. Con gấu cái Yaya đã bay về từ tháng 4, còn bạn đời Lele của nó đã chết vì một cơn đau tim vào tháng Hai. Cái chết của gấu Lele đã gây ra một làn sóng phẫn nộ ở Trung Quốc. Bất chấp việc nó chết ở độ tuổi đã già - 25 tuổi, người Trung Quốc tin rằng nếu được chăm sóc đúng cách thì có thể đã cứu được nó.
Sự tức giận của người Trung Quốc cũng có cơ sở khi con Yaya trở về nhà với tình trạng không phải là tốt nhất: có bị sụt cân rất nhiều và trông khá tiều tụy. Khi đi đón nó ở sân bay Thượng Hải, nhiều người đã không cầm được nước mắt, họ nghi ngờ phía Mỹ đã chăm sóc chú gấu không tốt. Vụ bê bối ồn ào đến mức một ủy ban được thành lập để kiểm tra điều kiện sống của gấu trúc ở nước ngoài. Tổng cộng, tính đến tháng 5/2019, gấu trúc sống theo hợp đồng thuê ở 22 vườn thú tại 18 quốc gia.
Gấu trúc ở Mỹ không chỉ được người dân, mà cả các nhà lập pháp yêu thích. Thậm chí, tại Hạ viện, nữ nghị sĩ Nancy Mace vào đầu năm 2023 đã đưa ra dự luật, theo đó những chú gấu trúc con sinh ra tại Mỹ có thể được coi là tài sản Mỹ.
Trung Quốc thường được gọi là “đất nước của rồng”, mặc dù có lẽ đúng hơn phải gọi là “đất nước của gấu trúc”. Mỗi quốc gia có một biểu tượng “linh vật”, một trong những biểu tượng phổ biến nhất là gấu. Đây là biểu tượng phổ biến nhất ở Mỹ và có ít nhất tại 6 tiểu bang, trong đó có Louisiana và California. Biểu tượng của nước Úc xa xôi là những chú gấu túi ngộ nghĩnh, mặc dù chúng không hẳn là gấu nhưng có sự giống nhau nên từ lâu đã được những người định cư đầu tiên gọi là “gấu”. Gấu cũng là biểu tượng ở Nga và Trung Quốc, có điều ở Nga là gấu nâu, còn ở Trung Quốc là gấu trúc.
Những chú gấu mập mạp với bộ lông dày ngày ngày nhai tre một cách thờ ơ (mỗi con gấu trúc trưởng thành ăn tới 30kg tre/ngày) và sau khi ăn, chúng chơi với nhau hoặc với tất cả thứ gì rơi vào móng vuốt của chúng.
“Linh vật ngoại giao” hiệu quả
Vào hôm trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 tháng 6/2017, có hai chú gấu trúc đang đờ đẫn nhai măng tại vườn thú “Tiepark” ở Berlin. Đứng bên vách ngăn bằng kính cách đó vài mét là bà Angela Merkel với nụ cười ngọt ngào và Chủ tịch Tập Cận Bình. Khi giới thiệu hai chú gấu trúc Meng-Meng và Jiao Qing với người dân Berlin, bà Merkel đã tuyên bố: “Sự kiện này mang tính biểu tượng cho mối quan hệ giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi đã làm rất nhiều việc và cuối cùng đã có được “hai nhà ngoại giao” rất thú vị này”.
Bà Thủ tướng đã nói không sai. Mặc dù là thú vui tiêu khiển, gấu trúc thực sự vẫn là những “nhà ngoại giao”. Người Trung Quốc bắt đầu sử dụng chúng như những sứ giả thiện chí vào đầu thời kỳ Trung Cổ, đời nhà Đường. Hoàng hậu Võ Tắc Thiên đã tặng hai con gấu trúc cho Hoàng đế Nhật Bản vào thế kỷ 7.
Thời kỳ hoàng kim của gấu trúc diễn ra trong giai đoạn 1958 - 1982 khi Trung Quốc gửi 23 con gấu trúc tới 9 quốc gia. Trước hết, đương nhiên họ đã tặng gấu trúc cho các đồng minh: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và hai lần là Liên Xô (năm 1957 và 1959). Sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Nixon tới Bắc Kinh năm 1972 như một dấu hiệu hòa giải với các nước tư bản phương Tây, người Trung Quốc bắt đầu tặng chúng cho các nước tư bản: Nhật Bản (1972, 1982), Pháp (1973), Anh (1974), Mexico (1975), Tây Ban Nha (1978), Đức (1980). Và dù những “nhà ngoại giao” vui tính đôi khi gặp khó khăn ở nơi đất khách quê người nhưng chúng vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình một cách đều đặn. Chẳng hạn, nhờ có gấu trúc mà quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong nửa sau thế kỷ 20 đã đạt đến những tầm cao hơn hẳn.
Gấu trúc đã chứng tỏ hiệu quả hơn cả trong quan hệ với Mỹ. Những con gấu trúc đầu tiên đến Mỹ vào năm 1941: phu nhân của Tưởng Giới Thạch, bà Tống Mỹ Linh đã tặng hai con gấu trúc cho sở thú Bronx để cảm ơn người Mỹ đã giúp đỡ họ trong cuộc chiến với Nhật Bản. 30 sau năm đó, những “nhà ngoại giao” bốn chân tiếp theo đã đến Mỹ. Sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Nixon, người Trung Quốc đã gửi một đôi gấu trúc Ling-Ling và Xing-Xing tới Washington. Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Patricia Nixon đã bày tỏ với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sự yêu thích món quà này. Đổi lại, người Mỹ gửi cho Trung Quốc hai con bò xạ hương.
Những con gấu trúc được nuôi tại vườn thú Quốc gia Washington và 28 năm sau chúng được thay thế bằng cặp đôi Meixiang và Tiantian. Gấu Ling-Ling đã chết vào năm 1999 do suy thận, còn người bạn đời của nó là con Xing-Xing đã chết trước đó 7 năm vì cơn đau tim. Những con gấu trúc đã tạo ra một sự chấn động thực sự ở thủ đô của nước Mỹ: vào ngày đầu tiên, hơn 20 nghìn người dân Washington đã đến xem những chú gấu kỳ lạ. Trong năm đầu tiên, con số này đã vượt quá 1,1 triệu người.
Quay lại với thực tế
Giai đoạn thương mại của gấu trúc được bắt đầu từ những năm 1980, khi bắt đầu cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc, số lượng gấu trúc cũng giảm mạnh. Gấu trúc bắt đầu được cho thuê với thời hạn 10-15 năm với giá 1 triệu USD/năm. Tuy nhiên, người Mỹ đã trả nửa triệu USD/năm cho Meixiang và Tiantian. Một điểm khác biệt của tất cả các hợp đồng cho thuê là điều khoản bắt buộc phải trả lại gấu về quê hương. Hơn nữa, được coi là tài sản của Trung Quốc không chỉ bao gồm những chú gấu trúc con vốn rất hiếm khi được sinh ra ở nước ngoài, mà còn cả mọi thứ liên quan đến gấu trúc cho thuê, bao gồm bộ lông, máu và các vật phẩm sinh học khác.
Mỗi hợp đồng cho thuê, theo tin đồn, đều do đích thân ông Tập Cận Bình phê duyệt. Sự quan tâm lớn dành cho gấu trúc là điều dễ hiểu. Ngoài việc là chúng thực sự rất dễ thương và được mọi người yêu thích, còn vì chúng có rất ít và chỉ sống trong thiên nhiên hoang dã ở phía Tây nam Trung Quốc, trên những triền rừng thường xuyên có sương mù của tỉnh Tứ Xuyên.
Vì số lượng rất ít nên từ lâu gấu trúc được liệt vào sách Đỏ là loài động vật “có nguy cơ tuyệt chủng”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của các chuyên gia Trung Quốc, số lượng gấu trúc đã tăng lên gấp đôi. Hiện tại, có lẽ con số này đã là hơn 2.000 con. Vào cuối năm 2016, Cộng đồng bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã chuyển chúng vào danh mục “dễ bị tổn thương”. Ở Bắc Kinh, quyết định này được coi là khá tiêu cực, vì họ lo ngại rằng việc “hạ cấp” như vậy sẽ khiến chúng kém giá trị hơn đối với quần thể này cũng như đối với ngành du lịch của nước này.