Gấu trúc lớn lần đầu sinh con ở Hàn Quốc
Một con gấu trúc được Trung Quốc cho Hàn Quốc thuê 4 năm trước, đã sinh con thành công sau 4 tháng mang thai tại công viên chủ đề Everland.
Ai Bao, một con gấu trúc 7 năm tuổi, đã sinh con vào lúc 9 giờ 49 tối 20.7 (giờ địa phương) tại công viên chủ đề Everland ở Yongin, cách thủ đô Seoul 40km về phía nam. Đây là lần đầu tiên một con gấu trúc lớn sinh sản tự nhiên thành công ở Hàn Quốc.
Người phát ngôn của Everland cho biết, Ai Bao đã mang thai từ cuối tháng 3 sau khi giao phối với gấu trúc đực tên Le Bao (9 năm tuổi). Gấu trúc con chào đời với cân nặng 197 gram và dài 16,5 cm. Hiện Ai Bao và gấu con mới sinh đang trong tình trạng sức khỏe tốt.
Cặp gấu trúc Ai Bao - Le Bao lần đầu xuất hiện tại công viên chủ đề Everland - Video: CGTN
Gấu trúc hiếm khi mang thai và sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt vì mùa giao phối của chúng chỉ kéo dài từ 1-3 ngày mỗi năm, thường là giữa tháng 3 và tháng 4. Gấu trúc cái từ 5-6 tuổi có thể bắt đầu sinh sản. Gấu trúc đực thường phát triển về mặt tình dục muộn hơn một năm so với con cái.
Gấu trúc con sẽ không được ra mắt với du khách cho đến khi nó phát triển hệ thống miễn dịch. Thông thường, gấu con phải mất 5-6 tháng mới có thể thích nghi với môi trường bên ngoài. Everland cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp hình ảnh và video về gấu trúc con thông qua các trang mạng xã hội.
Everland sẽ tiếp tục cung cấp hình ảnh và video về gấu trúc con thông qua các trang mạng xã hội - Ảnh: Global Times
Cặp gấu trúc Ai Bao - Le Bao được đưa đến Everland từ Trung Quốc vào tháng 3.2016 theo một hợp đồng cho thuê trong 15 năm. Những con gấu trúc được Hàn Quốc thuê với mục đích nghiên cứu chung. Vào năm 1994, Trung Quốc cũng đã cho Hàn Quốc mượn một cặp gấu trúc khác.
Everland đã xây dựng "Thế giới gấu trúc" trên khu vực rộng 3.300m2 để nuôi các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Cho đến nay, đã có hơn 9,5 triệu người ghé thăm công viên chủ đề lớn nhất Hàn Quốc này để chiêm ngưỡng cặp gấu trúc Ai Bao - Le Bao.
Gấu trúc lớn là một trong những loài động vật quý hiếm được liệt kê vào nhóm "nguy cấp" phụ thuộc bảo tồn, nhưng quần thể loài đang có dấu hiệu phục hồi. Từ năm 2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế đã thay đổi tình trạng bảo tồn loài sang "sắp nguy cấp" khi số lượng cá thể hoang dã tăng lên 1.864 con.
Long Hải (theo Global Times)