Gay cấn chuyện QH bác phản đối phiếu ĐCT các bang chiến trường
Hầu hết các phản đối từ phía đảng Cộng hòa đều không được lưỡng viện tán thành.
Hiện bên Mỹ đã là sáng 1-7 và Quốc hội nước này vẫn đang căng thẳng họp kiểm, chứng nhận phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Cuộc họp được khôi phục sau khi bị gián đoạn vì người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump kéo vào gây bạo loạn trong tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn cản các nghị sĩ chứng nhận kết quả chiến thắng của ứng viên Dân chủ Joe Biden. Đã có 4 người chết và nhiều người bị thương trong cuộc bạo loạn này.
Mọi năm sự kiện này chỉ mang tính biểu tượng, kéo dài khoảng 30 phút và ít được chú ý. Tuy nhiên, sự kiện này năm nay lại là tâm điểm chú ý và kéo dài nhiều tiếng liền vẫn chưa kết thúc, vì sự phản đối, thách thức kết quả bầu cử của phe Cộng hòa.
Theo quy định, Quốc hội sẽ lần lượt xét danh sách phiếu đại cử tri của từng bang, nếu danh sách bang nào bị phản đối (tối thiểu phải có 1 hạ nghị sĩ và 1 thượng nghị sĩ cùng ký tên phản đối mới hiệu lực) thì Quốc hội sẽ tạm ngừng để hai viện bàn và biểu quyết có tán thành hay không tán thành phản đối đó. Danh sách phiếu đại cử tri này chỉ bị loại khi cả hai viện đều tán thành phản đối, nếu một viện tán thành cũng không đủ sức bác danh sách.
Trong số danh sách phiếu đại cử tri các bang, được chú ý hơn hết vẫn là số phận phiếu đại cử tri ở các bang chiến trường. Cụ thể việc chứng nhận danh sách phiếu đại cử tri các bang này ra sao?
Bang Arizona: Hạ nghị sĩ Cộng hòa Paul Gosar (bang Arizona) và thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz (bang Texas) phản đối danh sách đại cử tri. Quốc hội phải tạm dừng để hai viện bàn bạc, bỏ phiếu.
Kết quả bỏ phiếu ở Thượng viện (đảng Cộng hòa chiếm đa số): 6 thượng nghị sĩ tán thành phản đối, 93 nghị sĩ không tán thành phản đối. Kết quả bỏ phiếu ở Hạ viện (đảng Dân chủ chiếm đa số): 121 hạ nghị sĩ tán thành phản đối (toàn bộ là nghị sĩ Cộng hòa, không có nghị sĩ Dân chủ nào), 303 hạ nghị sĩ không tán thành phản đối (220 nghị sĩ Dân chủ, 83 nghị sĩ Cộng hòa), 7 hạ nghị sĩ không bỏ phiếu (2 nghị sĩ Dân chủ, 5 nghị sĩ Cộng hòa). Như vậy kết quả chung là lưỡng viện không tán thành phản đối và 11 phiếu đại cử tri bang Arizona thuộc về ông Biden được thông qua.
Bang Pennsylvania: Hạ nghị sĩ Cộng hòa Scott Perry (bang Pennsylvania) và thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley (bang Missouri) phản đối danh sách đại cử tri (bầu cho ông Biden) mà bang này trình lên Quốc hội. Kết quả bỏ phiếu ở Thượng viện: chỉ 7 thượng nghị sĩ tán thành việc phản đối, 92 nghị sĩ không tán thành. Kết quả bỏ phiếu Hạ viện: 138 hạ nghị sĩ tán thành phản đối, 282 hạ nghị sĩ không tán thành. 20 phiếu đại cử tri bang này vẫn thuộc về ông Biden.
Bang Georgia: Một số hạ nghị sĩ (trong đó có nghị sĩ Jody Hice của Georgia) phản đối danh sách đại cử tri (bầu cho ông Biden) mà bang này trình lên Quốc hội, nhưng không có thượng nghị sĩ nào tham gia phản đối (trước đó có tin thượng nghị sĩ Kelly Loeffler của Georgia nói sẽ phản đối, nhưng rút lại quyết định sau khi xảy ra bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội). Danh sách đại cử tri được thông qua.
Bang Nevada: Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mo Brooks phản đối danh sách đại cử tri, nhưng không có thượng nghị sĩ nào phản đối, do đó phản đối vô hiệu. Danh sách đại cử tri của bang Nevada được thông qua.
Michigan: Hạ nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene (bang Georgia) phản đối, không có thượng nghị sĩ nào tham gia phản đối, do đó phản đối vô hiệu và danh sách đại cử tri bang này (bầu cho ông Biden) được thông qua.
Theo đài CNN, hiện còn 12 bang chưa được chứng nhận danh sách phiếu đại cử tri và trong số này khả năng sẽ có sự phản đối ở bang chiến trường Wisconsin.
Số phiếu đại cử tri của ông Biden được Quốc hội chứng nhận đến lúc này là 244, của ông Trump là 157. Mỗi ứng viên cần ít nhất 270 phiếu để trở thành tổng thống đắc cử của Mỹ, và người nhiều khả năng hơn là ông Biden khi ông thắng trong kỳ bỏ phiếu phổ thông ngày 3-11-2020 và cả trong kỳ bỏ phiếu đại cử tri ngày 14-12-2020.