Gay cấn cuộc đua vào vũ trụ năm 2024

Những năm gần đây, lĩnh vực hàng không vũ trụ đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể, mở ra những hy vọng mới cho mối liên kết giữa con người và vũ trụ. Dù chỉ mới bước sang năm 2024, nhưng cuộc đua vào không gian đang ngày càng nóng lên với các sứ mệnh đưa phi hành gia tư nhân lên vũ trụ, thám hiểm Mặt Trăng, hay khảo sát hoạt động của Mặt Trời.

Nhật Bản bước vào cuộc đua lên Mặt Trăng

Bên cạnh quốc gia như Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng.

Hơn 50 năm sau lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt Trăng, một cuộc đua mới tới hành tinh này lại tiếp tục diễn ra. Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ năm đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng, trong sứ mệnh chứng minh công nghệ hạ cánh chính xác và khôi phục chương trình không gian như vụ phóng tên lửa hàng đầu 'H3' thất bại vào tháng 3 năm ngoái. Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết tàu đổ bộ Mặt Trăng (SLIM) của họ đã hạ cánh thành công trên bề mặt Mặt Trăng và thiết lập lại liên lạc với Trái Đất. Tuy nhiên các tấm pin mặt trời của tàu không thể tạo ra điện, có thể là do chúng bị lệch góc.

Buổi họp báo sau khi tàu đổ bộ Mặt Trăng (SLIM) của Nhật hạ cánh.

Buổi họp báo sau khi tàu đổ bộ Mặt Trăng (SLIM) của Nhật hạ cánh.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi SLIM hạ cánh, ông Hitoshi Kuninaka, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu của JAXA, cho biết tàu vũ trụ chỉ hoạt động bằng pin.

Ông Hitoshi Kuninaka - Tổng Giám đốc Jaxa chia sẻ: “Sau khi hạ cánh, tàu vũ trụ đã truyền dữ liệu về trạm ở Nhật Bản. Chúng tôi cũng có thể xác nhận rằng tàu vũ trụ đang nhận lệnh chính xác từ Trái Đất và phản hồi chúng. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi không thể xác nhận rằng các tấm pin mặt trời đang tạo ra điện.”

JAXA hy vọng sự thay đổi góc ánh sáng mặt trời sẽ tác động lên các tấm pin theo cách có thể khôi phục chức năng của tàu. Được mệnh danh là "tay bắn tỉa Mặt Trăng", SLIM đã hạ cánh chỉ cách mục tiêu khoảng 100 mét trong khi đó các tàu thăm dò khác thường hạ cánh cách mục tiêu vài km.

Công nghệ hạ cánh có độ chính xác cao là một tiến bộ vượt bậc mà JAXA cho rằng là chưa từng có và cần thiết cho việc tìm kiếm nước và oxy trên Mặt Trăng, các yếu tố cần thiết cho sự sinh tồn của con người.

Nhật Bản đang ngày càng tìm cách đóng một vai trò lớn hơn trong khám phá không gian. Công ty JAXA của Nhật Bản đặt mục tiêu đưa một phi hành gia lên Mặt Trăng như một phần của chương trình Artemis của NASA trong vài năm tới. Ngoài Nhật Bản, trên thế giới hiện mới chỉ có bốn quốc gia là Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đạt được thành công trong đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng.

Ấn Độ: Tàu thăm dò Mặt Trời Aditya-l1 đã đến đích

Năm 2023 khép lại với việc Ấn Độ bất ngờ trở thành quốc gia đầu tiên tiếp cận cực Nam chưa được khám phá của Mặt Trăng, khi đưa tàu đổ bộ Chandrayaan-3 hạ cánh xuống khu vực này tháng 8/2023. Bước sang năm 2024, Ấn Độ tiếp tục khẳng định thành công trong nỗ lực chinh phục vũ trụ của mình. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây cho biết tàu thăm dò Mặt Trời Aditya-L1 của nước này đã đến đích trong khung thời gian bốn tháng theo kế hoạch. Đây là sứ mệnh thăm dò Mặt Trời đầu tiên của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO).

Được phóng lên vào ngày 2 tháng 9 năm 2023 và sau hơn ba tháng, tàu ADITYA-L1 đã tự định vị tại Điểm Lagrange 1. Điểm này nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời và nằm ngoài quỹ đạo của Mặt Trăng, nơi tàu có thể có thể nghiên cứu Mặt Trời mà không bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng che khuất thiên thể.

Tàu thăm dò Mặt Trời Aditya-l1 đã đến đích.

Tàu thăm dò Mặt Trời Aditya-l1 đã đến đích.

Trên một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây gọi là Twitter, Thủ tướng Ấn Độ đã khẳng định:

“Ấn Độ tạo ra một cột mốc khác. Đó là minh chứng cho sự cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà khoa học của chúng tôi trong việc thực hiện một trong những sứ mệnh không gian phức tạp nhất”.

Trong khoảng 5 năm tới, tàu Aditya-L1 sẽ quan sát hoạt động của Mặt Trời và tìm hiểu ảnh hưởng của hoạt động này tới thời tiết vũ trụ theo thời gian thực.

Ông Jitendra Singh - Bộ trưởng Khoa học Trái Đất của Ấn Độ cho hay: "Tàu Aditya-L1 sẽ khám phá những bí ẩn của Mặt Trời mà trước đây chúng ta vẫn chưa hiểu. Điều quan trọng là chúng ta phải biết được các hiện tượng khác nhau liên quan đến cơ chế Mặt Trời."

Trung Quốc phóng số lượng kỷ lục tàu vũ trụ vào năm 2024

Trung Quốc không đứng ngoài cuộc đua vào vũ trụ với kế hoạch dự kiến phóng số lượng kỷ lục tàu vũ trụ trong năm nay khi nước này tiếp tục thúc đẩy các chương trình thám hiểm không gian.

Trung Quốc phóng số lượng kỷ lục tàu vũ trụ vào năm 2024.

Trung Quốc phóng số lượng kỷ lục tàu vũ trụ vào năm 2024.

Ngày 5/1, Trung Quốc đã phóng thành công bốn vệ tinh khí tượng mới vào vũ trụ trên tên lửa Khoái Châu 1A, tên lửa thương mại mạnh nhất Trung Quốc. Bốn vệ tinh mới chủ yếu được sử dụng để cung cấp dịch vụ dữ liệu khí tượng thương mại. Đây là chuyến bay thứ 25 của tên lửa Khoái Châu 1A. Thực hiện các chuyến bay từ năm 2013, Khoái Châu 1 và 1A bao gồm ba tầng tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, với tầng thứ tư chạy bằng nhiên liệu lỏng là một phần của hệ thống vệ tinh.

Vào ngày 11/1, nước này tiếp tục phóng thành công tên lửa nhiên liệu rắn Gravity-1 sức đẩy 600 tấn . Trong chuyến bay đầu tiên, tên lửa Gravity-1 do Công ty hàng không vũ trụ thương mại Trung Quốc Orienspace phát triển đã đưa thành công ba vệ tinh khí tượng Yunyao-1 lên quỹ đạo. Thành công này đưa Gravity-1 trở thành tên lửa thương mại mạnh nhất Trung Quốc, đồng thời là phương tiện phóng sử dụng nhiên liệu rắn mạnh nhất từng thực hiện thành công một nhiệm vụ lên quỹ đạo.

Tàu Thiên Châu-7 chở hàng hóa đã kết nối thành công với khoang lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ Thiên Cung.

Tàu Thiên Châu-7 chở hàng hóa đã kết nối thành công với khoang lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ Thiên Cung.

Và gần đây nhất ngày 18/1, Tàu Thiên Châu-7 chở hàng hóa đã kết nối thành công với khoang lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ Thiên Cung. Hàng hóa trên tàu chủ yếu là nhu yếu phẩm và quà Tết Nguyên đán cho các phi hành gia Trung Quốc đang hoạt động trên trạm vũ trụ. Bên cạnh đó, tàu còn mang theo các thiết bị thí nghiệm, phụ tùng linh kiện phục vụ việc thay thế, bảo trì trạm Thiên Cung. Đây là sứ mệnh đầu tiên trong số bốn nhiệm vụ phóng của chương trình vụ trụ có người lái mà Trung Quốc dự kiến thực hiện trong năm nay. Nước này có kế hoạch phóng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-18 và 19, cùng hai tàu chở hàng lên trạm vũ trụ trong năm 2024.

Ông Liu Feng - Nhà thiết kế tên lửa đẩy Trường Chinh-2F cho biết: "Theo kế hoạch năm nay, tên lửa đẩy Long March-2F sẽ thực hiện hai nhiệm vụ phóng có người lái. Tên lửa Trường Chinh-2F Y18 đang trong tình trạng tốt tại bãi phóng và tên lửa Y19 đã hoàn tất khâu lắp ráp cuối cùng. "

Ngoài ra, tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 6 đang trải qua các cuộc thử nghiệm tại bãi phóng vệ tinh Văn Xương và nó sẽ hạ cánh ở phía xa của Mặt Trăng trong nửa đầu năm nay để thực hiện việc thu thập mẫu đầu tiên trên thế giới từ khu vực này. Địa điểm phóng không gian thương mại đầu tiên của Trung Quốc tại Văn Xương, tỉnh Hải Nam, sẽ có chuyến bay đầu tiên và việc xây dựng nhiều chòm sao vệ tinh sẽ được đẩy nhanh trong năm nay. Ngành công nghiệp vũ trụ thương mại của Trung Quốc được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng trong năm nay.

Châu Âu không muốn tụt hậu trong cạnh tranh vũ trụ

Châu Âu không muốn bị tụt hậu về các chương trình không gian của mình bất chấp sự chậm trễ của các bệ phóng Ariane 6 và Vega C. Đây là khẳng định của người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA, ông Josef Aschbacher. Đầu tháng 1 vừa qua, ESA đã đưa ra một mục tiêu táo bạo nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh trong lĩnh vực không gian thông qua việc khuyến khích khu vực tư nhân phát triển các dịch vụ phóng tên lửa nhỏ, có thể hướng tới cải cách không gian trong tương lai.

Châu Âu không muốn bị tụt hậu về các chương trình không gian của mình.

Châu Âu không muốn bị tụt hậu về các chương trình không gian của mình.

Bệ phóng Ariane 6 của châu Âu, đang được phát triển để thay thế Ariane 5 hiện không còn tồn tại nhằm cạnh tranh tốt hơn với nhà cung cấp dịch vụ phóng tư nhân SpaceX. Bệ phóng này đã trải qua một cuộc diễn tập quan trọng vào tháng 11 năm 2023 để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên.

Hãng Avio của Italia cho biết tên lửa Vega C của họ sẽ bay trở lại vào cuối năm 2024 sau khi thực hiện các bản sửa lỗi được đề xuất bởi một Hội đồng độc lập do ESA thành lập sau vụ phóng vệ tinh thất bại.

Châu Âu được đánh giá là có vai trò đi đầu trong các hoạt động giám sát khí hậu

Châu Âu được đánh giá là có vai trò đi đầu trong các hoạt động giám sát khí hậu

Ông Josef Aschbacher cho biết ESA có vai trò quan trọng trong việc quan sát Trái Đất, đồng thời cho biết thêm rằng 30% ngân sách của cơ quan này được phân bổ để cung cấp thông tin theo dõi biến đổi khí hậu.

Hiện nay, châu Âu được đánh giá là có vai trò đi đầu trong các hoạt động giám sát khí hậu, điều hướng và khoa học không gian, nhưng lại chưa có được vai trò quan trọng trong lĩnh vực khai phá không gian mà chỉ lựa chọn tham gia đóng góp vào các dự án cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Bên cạnh đó, các chuyến bay tư nhân cũng được khuyến khích. Ngày 18/4 phi hành gia châu Âu đã đưa tàu vũ trụ của Công ty Hàng không vũ trụ thương mại Axiom Space và Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Must lên trạm vũ trụ quốc tế ISS trong hành trình kéo dài 37 giờ. Tàu Crew Dragon và tên lửa Falcon 9 cất cánh từ bãi phóng tên lửa Capnaveral, Florida, Mỹ. Phương tiện phóng gồm hai tầng, tầng dưới có thể tái sử dụng của tên lửa đẩy, sau khi tách ra khỏi phần còn lại của tàu vũ trụ, tự bay trở lại Trái Đất và đã hạ cánh an toàn xuống bãi đáp gần địa điểm phóng.

Nhóm phi hành đoàn gồm chỉ huy sứ mệnh, ông Michael López-Alegría, 65 tuổi, cựu phi hành gia của NASA người Mỹ, gốc Tây Ban Nha. Người chỉ huy thứ hai là Đại tá Không quân Italia, ông Walter Villadei, 49 tuổi. Hai phi hành gia còn lại là phi công Thụy Điển Marcus Wandt, 43 tuổi, đại diện cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu, và Alper Gezeravcı, 44 tuổi, một cựu chiến binh Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Phi hành đoàn đã đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào sáng sớm ngày 20/1. Họ đã được 7 nhà du hành đang làm việc tại trạm ISS chào đón. Trong sứ mệnh mới nhất mang tên Axiom-3, bốn phi hành gia sẽ dành khoảng 14 ngày trong môi trường vi trọng lực để tiến hành hơn 30 thí nghiệm khoa học, trong đó chủ yếu là các thí nghiệm tập trung vào tác động của chuyến bay vũ trụ đối với sức khỏe và bệnh tật của con người.

Các chuyến bay tư nhân cũng được khuyến khích.

Các chuyến bay tư nhân cũng được khuyến khích.

Theo Axiom Space, dữ liệu được thu thập trên mặt đất trước và sau sứ mệnh cũng như trong chuyến du hành sẽ đóng góp vào những hiểu biết về khoa học, sự sống trên Trái Đất và trên quỹ đạo, cũng như thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và công nghệ trong tương lai.

Những chuyến bay tư nhân dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai. Trong sứ mệnh Axiom-3, chi phí cho mỗi ghế phi hành gia ít nhất là 55 triệu USD tương đương 1.350 tỷ đồng.

Theo Tổ chức phi lợi nhuận Space Foundation của Mỹ, năm 2021, nền kinh tế vũ trụ đạt doanh thu 469 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020 và dự kiến sẽ đạt mức 634 tỷ USD vào năm 2026. Ngân hàng đa quốc gia Bank of America dự báo ngành công nghiệp vũ trụ sẽ phát triển, quy mô ước đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030. Sự cạnh tranh trong nền kinh tế vũ trụ ngày một lớn sẽ thúc đẩy tiềm năng phát triển mới trong lĩnh vực khám phá vũ trụ.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/gay-can-cuoc-dua-vao-vu-tru-nam-2024-216845.htm