Gây thiệt hại 300 tỉ, ngân hàng nói không xác định được
Cơ quan điều tra xác định Agribank thiệt hại hơn 300 tỉ đồng nhưng ngân hàng nói không xác định được thiệt hại và yêu cầu được xử lý tài sản để thu hồi nợ.
Liên quan đến vụ vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại ngân hàng Agribank – Chi nhánh Cần Thơ, ngày 16-4, nguồn tin của PLO cho biết Agribank tiếp tục có văn bản gửi cơ quan tố tụng Cần Thơ đề nghị giải tỏa kê biên tài sản trong vụ án.
Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan ANĐT Công an TP Cần Thơ đã kê biên năm khối tài sản gồm quyền sử dụng đất và công trình trên đất, trong đó có hai khu đất vàng tại Cần Thơ.
Theo Agribank, các tài sản này là tài sản bảo đảm cho các khoản vay của Công ty TNHH MTV Nông Thủy sản Tây Nam, Công ty TNHH MTV Đồng Bằng Xanh, Công ty TNHH MTV TM-DV Nam Bộ Cửu Long, Nguyễn Bửu Tâm, Phan Duy Phương tại Agribank Cần Thơ hoặc được hình thành từ vốn vay Agribank theo hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm được xác lập theo đúng quy định pháp luật, đến nay vẫn chưa được giải tỏa kê biên.
Vụ án kéo dài nhiều năm, Agribank đã nhiều lần có văn bản đề nghị Cơ quan ANĐT giải tỏa, kê biên, giao Agribank để xử lý, nhằm thu hồi vốn nhưng không được chấp nhận với lý do “ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ án và thi hành án”.
Lần này, Agribank vẫn cho rằng đơn vị không có cơ sở, căn cứ, thẩm quyền để xác định thiệt hại đối với các khoản vay tài sản đảm bảo này. Theo ngân hàng, nếu các tài sản được bảo đảm được giải tỏa kê biên, xử lý để thu hồi nợ sẽ ngăn ngừa phát sinh, hạn chế thiệt hại cho đơn vị (nếu có), đây cũng chính là mục tiêu của vụ án.
Hơn nữa, sau khi xử lý tài sản thì các cơ quan tố tụng sẽ có đủ cơ sở khẳng định thiệt hại và xác định hành vi phạm tội, khung hình phạt tương ứng theo quy định pháp luật.
Cạnh đó, quá trình tố tụng cho thấy không có cá nhân, tổ chức nào khác có yêu cầu bồi thường thiệt hại, tham gia với tư cách nguyên đơn dân sự hoặc có tranh chấp với Agribank trong việc xử lý các tài sản trên, Agribank là tổ chức duy nhất được bồi thường thiệt hại (nếu có).
Việc kê biên các tài sản làm hạn chế quyền xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ để giảm bớt thiệt hại cho Agribank. Như vậy, việc kê biên tài sản “để bảo đảm bồi thường thiệt hại không có ý nghĩa và cũng không cần thiết.
Mặt khác, Cơ quan ANĐT xác định thiệt hại dựa vào giá trị tài sản và dư nợ gốc, lãi tại thời điểm 2016 và 2018. Trường hợp tài sản được giải tỏa kê biên, giao Agribank xử lý theo quy định, thì giá trị định giá tài sản tại thời điểm xử lý của Agribank không ảnh hưởng, thay đổi bản chất vụ án hình sự, hay cấu thành tội phạm.
Trường hợp giá trị thu hồi từ việc xử lý tài sản lớn hơn số dư nợ gốc, lãi thì đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không ảnh hưởng đến việc định tội trong vụ án.
Agribank cho rằng việc không giải tỏa kê biên để đơn vị xử lý tài sản, thu hồi nợ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Agribank, quyền và lợi ích của nhà nước tại doanh nghiệp.
Do vậy, Agribank đề nghị TAND Cần Thơ xem xét và ra quyết định giải tỏa kê biên các tài sản nêu trên, giao Agribank CN TP. Cần Thơ xử lý thu hồi nợ. Trước đó ngày 12-3, Agribank cũng văn bản gửi VKSND TP Cần Thơ khẳng định ngân hàng chưa có căn cứ xác định thiệt hại từ các khoản vay trong vụ án.
Liên quan đến vụ án này VKSND TP Cần Thơ vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị can Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam), Bùi Tuấn Anh, Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Các bị can bị cáo buộc đã nâng khống giá trị tài sản thế chấp trong các hợp đồng vay gây thiệt hại cho Agribank hơn 300 tỉ đồng.