Gây thương tích cho bản thân để trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý thế nào?
Vì muốn trốn nghĩa vụ quân sự mà nhiều thanh niên tự gây thương tích cho bản thân mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Cháu trai của tôi năm nay có lệnh gọi nhập ngũ lần đầu tiên. Do sợ phải đi nên cháu tôi đã tự chặt đứt ngón trỏ để trốn nghĩa vụ quân sự.
Xin hỏi như vậy có gọi là trốn nghĩa vụ quân sự không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Bạn đọc Văn Tuấn (TP.HCM)
Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Căn cứ Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Theo đó, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (theo khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015).
Tất nhiên, hành vi không chấp hành lệnh nhập ngũ để trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 120/2013 (sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022), phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Đồng thời, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Ngoài ra, người gây thương tích cho bản thân để trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể sẽ bị xử lý hình sự theo khoản điểm a khoản 2 Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Theo đó, người tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình để trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm về Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.