Gaza đối mặt 'cuộc diệt vong âm thầm'
Giữa lúc những bàn cờ chính trị vẫn xoay quanh quyền lực và lợi ích, người dân Gaza tiếp tục chịu đựng đói khát, đổ nát và cái chết rình rập từng ngày. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần như từ bỏ đàm phán ngừng bắn với Hamas không chỉ khép lại hy vọng hòa bình ngắn hạn, mà còn đẩy hàng triệu thường dân vào cảnh tuyệt vọng. Trong khi đó, những nỗ lực kêu gọi cứu trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế dường như vẫn chưa đủ để ngăn chặn một thảm kịch lớn hơn đang đến gần.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định, Israel đang cân nhắc các phương án “thay thế” để đạt mục tiêu đưa con tin trở về và chấm dứt quyền lực của Hamas tại vùng đất này, nơi nạn đói và cảnh đổ nát đã lan khắp, biến hàng triệu người thành dân tị nạn ngay trên quê hương mình. Tổng thống Donald Trump thì không giấu giếm thái độ cứng rắn, tuyên bố rằng các lãnh đạo Hamas sẽ bị “săn lùng” và cho rằng nhóm này “muốn chết hơn là đạt được thỏa thuận”.

Những ngôi nhà bị phá hủy trong một chiến dịch quân sự của Israel tại Deir al-Balah, miền Trung dải Gaza, ngày 23/7. Ảnh: Reuters
Phát biểu của hai nhà lãnh đạo gần như đóng sập mọi cánh cửa đối thoại trong ngắn hạn, khiến tiến trình đàm phán vốn đã mong manh nay thêm bế tắc. Sự cứng rắn này xuất hiện trong bối cảnh Gaza đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Các tổ chức cứu trợ quốc tế cảnh báo tình trạng đói khát diện rộng đã chính thức trở thành thảm họa, đe dọa tính mạng của hơn 2,2 triệu người. Israel đã cắt đứt nguồn cung thực phẩm và nhu yếu phẩm vào Gaza từ tháng 3 và chỉ mở lại một phần vào tháng 5 với nhiều hạn chế khắt khe.
Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, nguồn lương thực đặc trị dành cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính gần như cạn kiệt. Chỉ trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 9 ca tử vong do suy dinh dưỡng, trong khi những hình ảnh trẻ em tiều tụy và người dân xếp hàng nhận khẩu phần nhỏ giọt đã trở thành minh chứng cho tình cảnh khốn cùng. Israel khẳng định đã cho phép đủ lương thực vào Gaza, đồng thời cáo buộc LHQ không phân phối hiệu quả. LHQ phản bác, cho rằng nguyên nhân chính đến từ các rào cản của Israel.
Đàm phán ngừng bắn do Qatar và Ai Cập làm trung gian từng được kỳ vọng sẽ mở ra khoảng lặng cho Gaza. Đề xuất đình chiến bao gồm ngừng bắn 60 ngày, tăng viện trợ và trao đổi tù nhân. Nhưng bất đồng về mức độ rút quân của Israel và tương lai sau 60 ngày khiến đàm phán rơi vào bế tắc. Ngay sau khi Hamas gửi phản hồi, cả Mỹ và Israel đều rút phái đoàn khỏi Qatar. Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff cáo buộc Hamas không thiện chí, còn Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định, ông Steve Witkoff “hoàn toàn đúng”.
Phía Hamas bác bỏ cáo buộc, cho rằng Mỹ và Israel cố tình dùng chiến thuật gây áp lực. Trong khi đó, trên chiến trường, Israel vẫn tiếp tục các đợt không kích và bắn phá. Chỉ trong ngày 25/7, ít nhất 21 người đã thiệt mạng, trong đó có 5 người tại một trường học nơi nhiều gia đình tị nạn đang trú ẩn ở Gaza City. Thi thể nhà báo Adam Abu Harbid thiệt mạng trong một vụ không kích vào khu lều tị nạn, đã được người dân đưa qua phố, chiếc áo chống đạn “PRESS” phủ trên người anh. Một đồng nghiệp cáo buộc Quân đội Israel cố tình nhắm vào phóng viên, song Tel Aviv bác bỏ.
Phản ứng quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, Paris sẽ trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine độc lập, coi đây là phản ứng trước thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở Gaza. Động thái này khiến giới lãnh đạo Israel tức giận, gọi đó là hành động “phần thưởng cho khủng bố”. Anh và Đức, dù chưa sẵn sàng công nhận, cũng đồng loạt kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh rằng, chính phủ của ông chỉ công nhận Nhà nước Palestine như một phần trong một thỏa thuận hòa bình có đàm phán.
Tổng thống Donald Trump thì bác bỏ tầm quan trọng của tuyên bố từ Thủ tướng Emmanuel Macron, coi đó là lời nói “không có trọng lượng”. Bên trong Israel, áp lực từ phe cực hữu đang gia tăng. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir hoan nghênh lập trường của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và kêu gọi chấm dứt hoàn toàn viện trợ cho Gaza, đồng thời thúc đẩy kế hoạch chiếm đóng toàn bộ vùng đất này và “xóa sổ Hamas”. Những lời kêu gọi cực đoan như vậy làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột leo thang và vi phạm nhân quyền.
Sự phức tạp của tình hình Gaza không chỉ nằm ở xung đột quân sự, mà còn ở những tính toán chính trị và địa chiến lược. Thủ tướng Benjamin Netanyahu chịu áp lực từ cánh hữu và dư luận trong nước, trong khi Tổng thống Donald Trump cũng không muốn nhượng bộ Hamas. Quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, nhất là Pháp, cũng đang bị thử thách khi cách tiếp cận giữa hai bên ngày càng khác biệt.
Những “phương án thay thế” mà hai nhà lãnh đạo Mỹ - Israel úp mở có thể bao gồm việc siết chặt bao vây Gaza, mở rộng các hành lang an ninh do Israel kiểm soát, hoặc đẩy mạnh kế hoạch tái định cư - những giải pháp bị cộng đồng quốc tế xem là tiềm ẩn nhiều rủi ro và không bền vững. Trong khi các tính toán chính trị diễn ra, nỗi đau của người dân Gaza vẫn ngày càng sâu sắc.
Hình ảnh những gia đình không còn mái nhà, trẻ em gầy gò thiếu dinh dưỡng và các bệnh viện hoạt động cầm chừng do thiếu nhiên liệu, thuốc men đã trở thành biểu tượng cho thảm kịch của một vùng đất bị chiến tranh và phong tỏa kìm hãm. Các tổ chức cứu trợ quốc tế cảnh báo rằng nếu không có hành lang nhân đạo ổn định, số nạn nhân sẽ tiếp tục tăng và Gaza sẽ đối mặt với một “cuộc diệt vong âm thầm” vì nạn đói và bệnh tật.
Triển vọng cho một thỏa thuận hòa bình hiện rất xa vời khi cả Israel và Hamas đều không tỏ ra nhượng bộ. Thủ tướng Benjamin Netanyahu kiên định mục tiêu loại bỏ Hamas để bảo vệ an ninh quốc gia, trong khi Hamas không chấp nhận từ bỏ các yêu sách cơ bản. Những nỗ lực trung gian từ Qatar, Ai Cập hay LHQ, dù kiên trì, vẫn gặp bức tường chính trị.
Việc Pháp công nhận Nhà nước Palestine hay các tuyên bố của Anh và Đức mới chỉ là thông điệp chính trị, chưa đủ để thay đổi cục diện trên chiến trường và bàn đàm phán. Cuộc khủng hoảng Gaza hiện là sự giao thoa của cuộc xung đột vũ trang, đối đầu chính trị, tranh chấp lãnh thổ và cả sự bất đồng trong cách nhìn nhận về quyền tồn tại của người Palestine. Khi những viên gạch hòa bình bị phá vỡ, tình hình càng u ám.
Dù cộng đồng quốc tế vẫn liên tục kêu gọi chấm dứt bạo lực, nhưng khi hai người trong cuộc không tìm được tiếng nói chung, giải pháp ngừng bắn dài hạn vẫn là điều xa vời. Giữa bom đạn, mỗi ngày trôi qua ở Gaza lại chứng kiến thêm nhiều sinh mạng mất đi, và hy vọng về một tương lai hòa bình mong manh như ánh sáng cuối đường hầm.
Trong mọi cuộc xung đột, những tính toán quyền lực thường che khuất nỗi đau của con người. Gaza hôm nay là minh chứng rõ rệt nhất cho sự bế tắc khi chính trị vượt lên trên những giá trị nhân đạo tối thiểu. Không có chiến thắng nào thực sự trọn vẹn khi cái giá phải trả là sinh mạng của hàng chục nghìn người dân vô tội. Để giải thoát khỏi vòng xoáy máu và nước mắt, các bên cần đặt con người, chứ không phải lợi ích chính trị, vào trung tâm của mọi quyết định. Chỉ khi ấy, hòa bình mới có cơ hội được thắp sáng, dù mong manh, giữa những đổ nát và tàn dư chiến tranh.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/gaza-doi-mat-cuoc-diet-vong-am-tham-i776178/