Khám phá loại tên lửa đối không thế hệ mới Nga đưa vào sử dụng trên chiến trường Ukraine

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mẫu tên lửa R-77M đã được quân đội Nga đưa vào trang bị và sử dụng trong thực chiến. Sự xuất hiện của nó đặt ra thách thức hoàn toàn mới cho không quân Ukraine cũng như các đối thủ tiềm tàng của Nga.

Bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Su-35S mang 2 tên lửa thế hệ mới R-77M (trong cùng, sát thân máy bay). Ảnh: Wforum.

Bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Su-35S mang 2 tên lửa thế hệ mới R-77M (trong cùng, sát thân máy bay). Ảnh: Wforum.

Từ các bức ảnh trên mạng xã hội

Một bức ảnh gần đây được đăng tải trên các trang mạng xã hội cho thấy một chiếc tiêm kích đa năng Su-35S của Lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga đang mang theo hai quả tên lửa R-77M ở các giá treo phía dưới cửa hút gió động cơ. Những tên lửa này khác biệt rõ với phiên bản tiêu chuẩn R-77-1 được treo ở điểm giữa dưới cánh. Ngoài ra, máy bay còn mang một quả tên lửa tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại R-74 dưới cánh trái, và một pod tác chiến điện tử gắn ở đầu cánh.

Về hình dáng, R-77M có một số điểm khác biệt rõ rệt so với R-77 đời đầu: thay vì dùng loại cánh lưới đặc trưng, R-77M chuyển sang dùng cánh đuôi chữ thập truyền thống. Các cánh ổn định hình chữ thập trên thân tên lửa cũng được rút ngắn đáng kể. Quan trọng hơn, R-77M đã đạt được bước đột phá về tính năng, ít nhất trong một số lĩnh vực, đủ để theo kịp bước tiến của Trung Quốc và Mỹ trong công nghệ tên lửa đối không.

 Cận cảnh hai tên lửa R-77M treo dưới thân Su-35S. Ảnh: Wforum.

Cận cảnh hai tên lửa R-77M treo dưới thân Su-35S. Ảnh: Wforum.

Mặc dù thời gian và địa điểm chụp bức ảnh chiếc Su-35S nói trên không rõ ràng - có thể là trong giai đoạn thử nghiệm tên lửa trước khi chính thức đưa vào biên chế - nhưng vẫn có những bằng chứng xác thực hơn cho thấy R-77M đã được sử dụng thực tế trong chiến đấu.

Bên cạnh đó, một bức ảnh do quân đội Ukraine công bố về mảnh vỡ của một quả tên lửa không – không Nga cho thấy rõ phần cánh đuôi chữ thập, đặc điểm trùng khớp với thiết kế của R-77M, dù cũng có thể là của loại tên lửa khác chưa được biết tới. Nếu đúng là R-77M, điều này đồng nghĩa Nga đã bổ sung thêm sức mạnh cho ưu thế tầm bắn vốn đã vượt trội của họ trong không chiến.

 Hình ảnh do Ukraine công bố được cho là mảnh vỡ của tên lửa R-77M. Ảnh: Wforum.

Hình ảnh do Ukraine công bố được cho là mảnh vỡ của tên lửa R-77M. Ảnh: Wforum.

Quá trình phát triển

Mẫu tên lửa R-77 nguyên gốc hiện đã là một loại vũ khí tương đối cũ. Từ đầu thập niên 1980, Liên Xô đã bắt đầu phát triển loại tên lửa đối không dẫn đường bằng radar chủ động này với tên là “Izdeliye-170” (Sản phẩm 170), nhằm đối trọng với AIM-120 AMRAAM của Mỹ. Tuy nhiên, đến tận năm 1994, tức sau khi Liên Xô tan rã, R-77 mới chính thức được biên chế vào lực lượng không quân Nga.

Do khủng hoảng kinh tế trong thập niên 1990, số lượng R-77 được giao cho không quân Nga rất hạn chế, phần lớn được sản xuất để xuất khẩu. Khi Nga bắt đầu tiếp nhận số lượng lớn loại tên lửa này, nó đã được nâng cấp nhẹ lên phiên bản R-77-1 (Izdeliye-170-1), kịp thời phục vụ cho chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria năm 2015. Phiên bản R-77-1 có khả năng kháng nhiễu tốt hơn, đầu dò nhạy hơn và được tối ưu khí động học, nhưng vẫn sử dụng cánh lưới đặc trưng.

 Tên lửa AIM-120D của Mỹ có tầm bắn 160km. Ảnh: Wforum.

Tên lửa AIM-120D của Mỹ có tầm bắn 160km. Ảnh: Wforum.

Tuy nhiên, R-77M là bước tiến vượt bậc. R-77-1 chỉ được coi là phiên bản chuyển tiếp. Phiên bản nâng cấp thực sự là “Izdeliye-180”, với tên mã phát triển “K-77M” và tên gọi chính thức khi đưa vào biên chế là “R-77M”. Thiết kế sử dụng cánh điều khiển thông thường cho phép tên lửa được mang trong khoang vũ khí của tiêm kích tàng hình Su-57 “Felon”. Thiết kế mới cũng giúp giảm lực cản khí động và tiết diện phản xạ radar.

Ngoài ra, R-77M còn được trang bị động cơ rocket hai xung mới và đầu dò radar cải tiến, được cho là có thể hoạt động ở chế độ bán chủ động - tức nhận chiếu xạ từ bên thứ ba. Động cơ hai xung cho phép duy trì lực đẩy trong suốt quá trình bay, cải thiện khả năng cơ động ở độ cao lớn, tăng tầm bắn và khả năng tấn công giai đoạn cuối, qua đó mở rộng “vùng không thể thoát ly” (No Escape Zone, NEZ).

Một số nguồn không chính thức ước tính tầm bắn của R-77M nằm trong khoảng 160 – 190 km, nhưng thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước mục tiêu, tính cơ động, tốc độ và độ cao của mục tiêu, cũng như tốc độ, độ cao của máy bay mang phóng và quỹ đạo bay của tên lửa khi phóng.

 Tên lửa R-37M có tầm bắn xa nhất của Nga. Ảnh: Wforum.

Tên lửa R-37M có tầm bắn xa nhất của Nga. Ảnh: Wforum.

Cục thiết kế Tập đoàn phát triển tên lửa Vympel của Nga tuyên bố rằng R-77M vượt trội hơn so với AIM-120C-7 của Mỹ, và tương đương với phiên bản AIM-120D. Tuy thông số kỹ thuật chính thức của AIM-120D được giữ bí mật, một số tài liệu cho biết tầm bắn của nó vượt 160 km, cũng có nguồn nói chỉ đạt 120 km. Vympel còn khẳng định R-77M có thể đánh chặn cả tên lửa phòng không đe dọa máy bay phóng, kể cả những tên lửa bay đến từ phía sau. Tuy nhiên, do thủ pháp phóng đại của truyền thông quân sự Nga, những tuyên bố này chưa được khẳng định.

Mối đe dọa với Không quân Ukraine

Từ khi chiến tranh toàn diện bùng nổ, các tên lửa đối không của Nga như R-77-1 và R-37M đã trở thành nỗi ám ảnh đối với không quân Ukraine. Tên lửa tầm xa nhất trong kho vũ khí không đối không của Ukraine là AIM-120C-5, với tầm bắn tối đa chỉ đạt 74 km. Trong khi đó, tầm bắn của R-77-1 là 110 km và R-37M lên tới 400 km. Tên lửa R-77M có tầm bắn ước tính nằm giữa hai loại trên, nhưng rõ ràng vẫn vượt trội so với AIM-120C-5.

Tên lửa AIM-120C-5 của Không quân Ukraine có tầm bắn hơn 70km. Ảnh: Wforum.

Phi công MiG-29 của Ukraine – Đại úy Andriy Pilshchykov (biệt danh "Juice") – đã tử nạn ngày 23/8/2023, từng thừa nhận: “Tên lửa R-37M thường được phóng từ không phận Nga khiến chúng tôi hầu như không thể tiếp cận khu vực thực hiện nhiệm vụ. Nếu liên tục phải cơ động né tránh, bạn chẳng thể thực hiện nhiệm vụ. Nếu không phát hiện kịp thời tên lửa, coi như xong đời”.

Với việc R-77M chính thức xuất hiện trên chiến trường, tình hình của các phi công Ukraine sẽ càng thêm hiểm nguy.

Chuyên gia cao cấp Douglas Barrie tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (IISS) nhận định: “Nga vẫn tụt hậu so với Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa đối không – nhất là khi Trung Quốc đã triển khai PL-15 có khả năng đánh vượt tầm nhìn trong các cuộc không chiến gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan. Mỹ cũng đang đẩy nhanh phát triển thế hệ tên lửa tầm xa mới dưới áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc. Dù ưu thế công nghệ của Mỹ đang bị thu hẹp, thậm chí có phần bị Trung Quốc vượt qua, nhưng việc Nga đưa R-77M vào chiến trường cho thấy họ vẫn đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách, tìm cách phát triển các loại tên lửa mới có thể sánh ngang, thậm chí vượt mặt sản phẩm cùng loại của phương Tây về tầm bắn”.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/kham-pha-loai-ten-lua-doi-khong-the-he-moi-nga-dua-vao-su-dung-tren-chien-truong-ukraine-post187947.html