Gazprom của Nga 'gạch tên' châu Âu trong danh sách xuất khẩu khí đốt năm 2025, nguyên nhân liên quan đến Ukraine
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã tính tới phương án không xuất khẩu khí đốt tới châu Âu qua Ukraine sau ngày 31/12/2024 trong bản kế hoạch nội bộ cho năm 2025.
Theo hãng tin Reuters (Anh), kịch bản của kế hoạch nói trên là Nga sẽ không có tuyến đường vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào năm tới. Kế hoạch đang chờ lãnh đạo cấp cao của Gazprom phê duyệt.
Theo nguồn tin, năm 2025, xuất khẩu khí đốt của xứ bạch dương ra nước ngoài, chủ yếu sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến giảm 1/5, từ mức 49 tỷ m³ của năm nay xuống dưới 39 tỷ m³.
Trong khi đó, xuất khẩu khí đốt Nga sang Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia dự kiến đạt 38 tỷ m³ vào năm sau.
Kiev đã nhiều lần bày tỏ mong muốn chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt Moscow tới châu Âu.
Trong khi đó, Nga nhiều lần ra tín hiệu khẳng định sẵn sàng đàm phán và tiếp tục vận chuyển khí đốt qua tuyến đường ống này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, đất nước sẵn sàng tiếp tục bơm khí đốt qua Ukraine.
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt kết thúc vào ngày 31/12/2024 đồng nghĩa với việc chấm dứt hơn nửa thế kỷ vận chuyển khí đốt từ Siberia đến các thị trường Trung Âu.
Việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua Ukraine vốn là một nguồn thu ngân sách ổn định của Nga.
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Moscow cũng mang lại cho Kiev khoản thu phí trung chuyển lên tới 1 tỷ USD mỗi năm.
Trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu (tháng 2/2022), Moscow là nhà cung cấp khí đốt số 1 của châu Âu. Tuy nhiên, Nga đã mất gần như toàn bộ khách hàng châu Âu khi Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực loại bỏ năng lượng của nước này và sau khi đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) bị phá hoại vào tháng 9/2022.
Nguồn cung khí đốt Nga tới châu Âu qua Ukraine hiện đã giảm tương đối sâu. Năm 2023, Moscow vận chuyển khoảng 15 tỷ m³ khí đốt qua quốc gia Đông Âu láng giềng - chỉ bằng 8% lượng khí đốt xứ bạch dương đưa tới lục địa già qua các tuyến đường khác nhau trong giai đoạn cao điểm 2018-2019.