GCC, Ai Cập và Jordan thúc đẩy nỗ lực tái thiết Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, lãnh đạo các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), cùng Ai Cập và Jordan dự kiến sẽ tham dự một cuộc họp cấp cao không chính thức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 22/2 để xem xét kế hoạch tái thiết Dải Gaza. Kế hoạch này được soạn thảo nhằm ứng phó với đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Washington 'tiếp quản' Gaza và di dời 2,3 triệu cư dân của dải đất này sang các nước láng giềng Ai Cập và Jordan.

Cảnh tàn phá do xung đột tại Jabalia, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman sẽ chủ trì cuộc họp tại Riyadh, với sự tham dự của lãnh đạo các quốc gia GCC, gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar, Oman, Bahrain, cùng với Jordan và Ai Cập. Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas cũng được mời tham dự cuộc họp.
Một số nguồn thạo tin cho hay kế hoạch tái thiết Gaza, do Ai Cập soạn thảo, có khả năng được điều chỉnh tại cuộc họp ở Riyadh. Kế hoạch này sẽ tạo ra các "vùng an toàn" ở Gaza, nơi người Palestine sẽ cư trú trong các lều và nhà lưu động, trong khi nhà cửa và cơ sở hạ tầng vốn đã bị phá hủy trong cuộc xung đột kéo dài 15 tháng sẽ được xây dựng lại. Kế hoạch này dự kiến sẽ được thực hiện trong 3-5 năm. Giai đoạn đầu của kế hoạch sẽ khôi phục các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và nước sạch, cũng như khôi phục ngành nông nghiệp của Gaza. Cư dân Gaza sẽ là lực lượng lao động chủ yếu cho công cuộc tái thiết dải đất hẹp ven Địa Trung Hải này.

Người dân xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt tại Beit Hanoun, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Sau cuộc họp ở Riyadh ngày 22/2, Hội nghị thượng đỉnh Arab khẩn cấp dự kiến cũng sẽ được tổ chức tại Cairo vào ngày 4/3 tới để thúc đẩy một lập trường thống nhất của khối Arab chống lại kế hoạch của ông Trump về việc di dời người Palestine khỏi vùng đất của họ sang Ai Cập và Jordan, cũng như việc Mỹ tiếp quản Gaza và biến vùng lãnh thổ này thành "Riviera của Trung Đông".
Hội nghị thượng đỉnh Arab khẩn cấp ở Cairo có thể sẽ tuyên bố ủng hộ kế hoạch của Ai Cập tổ chức một hội nghị quốc tế về tái thiết Gaza, quy tụ các nhà tài trợ quốc tế, cũng như các công ty xây dựng đa quốc gia. Kế hoạch tái thiết Gaza do Ai Cập đề xuất có thể cần tới nguồn kinh phí lên tới 50 tỷ USD. Theo kế hoạch, một cơ quan độc lập của Palestine dự kiến sẽ được thành lập để điều phối và giám sát công cuộc tái thiết Gaza. Chính quyền Palestine sẽ phải ban hành một sắc lệnh thành lập cơ quan này nhưng sẽ không có quyền can thiệp hoặc gây ảnh hưởng đến công việc của họ.

Cảnh tàn phá do xung đột tại Beit Hanoun, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Theo giới phân tích, kế hoạch của Ai Cập chỉ có thể thành công nếu có đủ nguồn tài chính và lệnh ngừng bắn ở Gaza có hiệu lực vào ngày 19/1 tiếp tục được thực thi sau giai đoạn đầu kéo dài 42 ngày. Nếu các cuộc đàm phán về giai đoạn hai của thỏa thuận ngừng bắn đạt thành công, Hamas sẽ thả tất cả các con tin Israel, trong khi các lực lượng Israel sẽ rút khỏi Gaza và một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn sẽ có hiệu lực.
* Trong diễn biến cùng ngày, Phong trào Hồi giáo Hamas cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “trì hoãn” các cuộc đàm phán về giai đoạn 2 của lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, sau khi nhóm kháng chiến Palestine trao trả cho phía Israel thi thể của 4 con tin thiệt mạng.
Người phát ngôn của Hamas Abdul Latif Al-Qanou nhấn mạnh các cuộc đàm phán thực tế về giai đoạn 2 vẫn chưa bắt đầu. Phong trào này sẵn sàng tham gia theo quy định trong thỏa thuận, song Thủ tướng Israel “Netanyahu đang trì hoãn giai đoạn 2”.
Lệnh ngừng bắn ở Gaza bắt đầu có hiệu lực vào ngày 19/1 sau hơn 15 tháng giao tranh giữa Hamas và Israel. Kể từ giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn, 19 con tin Israel đã được trả tự do để đổi lấy việc phóng thích hơn 1.100 tù nhân Palestine. Vào ngày 18/2, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cho biết các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu trong tuần này liên quan giai đoạn 2 của lệnh ngừng bắn nhằm đưa ra giải pháp lâu dài hơn cho cuộc xung đột.