GDP bình quân đầu người của năm 2021 là 3.700 USD

Chiều 5-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế…

Trong phiên thảo luận, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng phải ưu tiên cho các dự án cấp thiết chứ không phải là dự án cần thiết, đồng thời phải nuôi dưỡng nguồn thu, tiết kiệm khoản chi. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong phiên thảo luận, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng phải ưu tiên cho các dự án cấp thiết chứ không phải là dự án cần thiết, đồng thời phải nuôi dưỡng nguồn thu, tiết kiệm khoản chi. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu, trong thời gian qua, chúng ta triển khai kế hoạch đầu tư công với kế hoạch 5 năm là 2.000.000 tỷ đồng. Chúng ta đã thực hiện giải ngân đầu tư công lên đến 2.100.000 tỷ. Đầu tư công đã đem đến nhiều dự án mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong năm 2020, đầu tư công là động lực chính của tăng trưởng, trong khi đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài giảm sút. Nợ công tăng nhưng nhờ kinh tế tăng trưởng, nên số tương đối nợ công của ta hiện nay ở mức khoảng 57% GDP, thấp hơn so với mục tiêu chúng ta đề ra mức trần là 65%.

Tuy vậy, theo ĐB Trần Hoàng Ngân, kế hoạch đầu tư công của giai đoạn tiếp theo khiến ĐB lo lắng. Kế hoạch đầu tư công năm 2021-2025 với con số là 2.750.000 tỷ đồng, đó là một con số quá lớn. “Lo lắng ở chỗ, không phải đầu tư công này có cần thiết hay không mà nguồn lực đâu để chúng ta thực hiện”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Theo ông, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, để có được nguồn tiền cho đầu tư công 2.750.000 tỷ đồng này thì tổng thu ngân sách của 5 năm tới phải đạt trên 7.800.000 tỷ đồng. Con số này là rất khó khăn, vì 5 năm qua, kinh tế chúng ta tăng trưởng tốt nhưng cũng chỉ thu được 6.700.000 tỷ đồng. 5 năm tới, chúng ta đối mặt nhiều thách thức, rủi ro mà dự trù thu lên tới trên 7.800.000 tỷ đồng. “Chúng ta cũng dự trù chi thường xuyên trên 6.000.000 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển khoảng 2.750.000 tỷ đồng, cơ cấu chi hợp lý nhưng vấn đề là làm sao đảm bảo được nguồn thu”, ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ.

ĐB cho rằng, Chính phủ, Quốc hội cần quyết liệt hơn nữa trong việc giảm chi thường xuyên, tiết kiệm nhiều hơn. Bên cạnh đó, trong đầu tư công, nếu có tiền thì nên đầu tư, nhưng trong điều kiện hạn hẹp hiện nay, phải hết sức thận trọng để tránh vỡ nợ. Phải ưu tiên cho các dự án cấp thiết chứ không phải là dự án cần thiết, đồng thời phải nuôi dưỡng nguồn thu, tiết kiệm khoản chi.

Giải trình lại, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2020, trong bối cảnh "khó khăn chưa từng có trong lịch sử", Việt Nam vẫn là một trong số ít nước trên thế giới tăng trưởng dương, sản xuất có dấu hiệu phục hồi, xuất siêu đạt kỷ lục...

Một số ý kiến nói đặt mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2021 là "cao và khó thực hiện", nhưng bên cạnh thách thức chúng ta vẫn có cơ hội. Đó là tác động tích cực từ các Hiệp định FTA, trong đó có EVFTA với EU; cơ hội thu hút vốn FDI từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới sáng tạo, từ nguồn nhân lực dồi dào, năng động... Nếu tận dụng được thì khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 là có cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Hơn nữa, do mức tăng trưởng của năm 2020 dự kiến đạt thấp, tức là chúng ta dự kiến đạt khoảng 2%-3% cũng là căn cứ để xây dựng mục tiêu tăng trưởng của 2021 cao hơn ở mức bình thường. Điều này vừa phù hợp với dự báo tăng trưởng của Việt Nam và của các tổ chức quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 khoảng 6% cũng là nhằm động lực để quyết tâm phấn đấu cao, vừa để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thực hiện kế hoạch 2021, trong quá trình điều hành phải xây dựng thêm một số kịch bản để đối phó và ứng phó kịp thời với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Trước mắt, Chính phủ tập trung vào khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho người dân ở vùng bão, lũ; tiếp đó là tranh thủ các cơ hội mới sau khi các dịch bệnh đi qua.

Về định hướng kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025, đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm thì ngân sách trung ương bố trí đủ vốn để tập trung xây dựng hoàn thành ngay một số trục giao thông như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông toàn tuyến từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau; giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường sắt vùng kết nối đồng bộ các hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; thực hiện đầu tư các dự án truyền tải điện tới vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu của các vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân.

Cùng với đó, ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cao hơn cho đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên để đầu tư phát triển các vùng khó khăn, biên giới chịu nhiều tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Hỗ trợ đầu tư cho tuyến đường ven biển của cả nước và cơ bản sẽ hoàn thành toàn tuyến từ Quảng Ninh đến Nghệ An và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phấn đấu đến năm 2025, sẽ cơ bản hoàn thành khép kín được từ Quảng Ninh đến Nghệ An và toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Riêng Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ báo cáo Quốc hội sau.

Về kết quả đánh giá lại GDP, Bộ trưởng cho biết, Mỹ và Trung Quốc hay bất kỳ nước nào sau một thời gian phát triển thì đều phải đánh giá lại. Quá trình đánh giá lại GDP được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, khoa học và đảm bảo công khai, minh bạch. Tất cả các thông tin tham vấn và có sự tham gia liên tục của các chuyên gia, thống kê Liên hiệp quốc, chuyên gia của IMF, các nhà khoa học, nhà quản lý. Việc đánh giá lại không thay đổi phương pháp tính GDP, nhưng bổ sung những thông tin và cập nhật quy định mới của thống kê Liên hiệp quốc cũng như các nguồn thông tin đánh giá lại dựa vào các cuộc tổng điều tra, đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, báo cáo của các bộ, ngành thông tin và ngành thuế.

Bộ trưởng nhấn mạnh thuật ngữ "GDP đánh giá lại", không phải "GDP điều chỉnh". Trên cơ sở kết quả đánh giá lại đó, quy mô GDP bình quân đã tăng 25,4%/1 năm. Theo đó, từ năm 2021 trở đi tốc độ tăng GDP và GDP bình quân đầu người được tính trên GDP đã đánh giá lại của năm 2020, theo đó tốc độ tăng là 6% của năm 2021 và GDP bình quân đầu người của năm 2021 là 3.700 USD.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-nam-2021-la-3700-usd-695881.html