GDP của khu vực eurozone có thể giảm tới 7,7% trong năm 2020

Ngày 6-5, Ủy ban châu Âu đưa ra dự báo về một cuộc suy thoái 'lịch sử' trong năm nay, với mức giảm GDP kỷ lục là 7,7% đối với khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) và 6,1% cho cả khu vực EU do nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đã cuốn trôi tăng trưởng của Pháp tích lũy được trong 5 năm qua.

Dịch Covid-19 đã cuốn trôi tăng trưởng của Pháp tích lũy được trong 5 năm qua.

Theo Ủy ban châu Âu, các "cỗ máy tăng trưởng" như tiêu dùng, sản xuất, đầu tư hay xuất khẩu đang ở tình trạng ngưng trệ. Tuy nhiên, GDP của khu vực sử dụng đồng euro gồm 19 nước thành viên có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, tăng 6,3% và 6,1% cho cả khu vực EU. Tại Pháp, suy thoái kinh tế được dự báo ở mức 8.2% trong năm nay, sau đó tăng trở lại 7,4% vào năm 2021.

GDP của Đức, nền kinh tế hàng đầu trong khu vực đồng euro và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, sẽ giảm 6,5% vào năm 2020, rồi tăng 5,9% trong năm 2021. Còn mức suy giảm GDP của Hà Lan cũng có thể tới 6,8%.

Ủy ban châu Âu cũng đưa ra dự báo về mức suy thoái tồi tệ nhất ở một số nước trong khu vực EU. Theo đó, nước sẽ bị suy thoái nặng nề nhất là Hy Lạp (-9,7%), Italy (-9,5%) và Tây Ban Nha (-9,4%) do GDP của cả ba nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ du lịch.

Khu vực EU sẽ mất ít nhất hai năm để phục hồi sau cuộc suy thoái chưa từng có như hiện nay. Tình hình hiện nay đặt ra nhiều thách thức như thất nghiệp sẽ tăng vọt, thâm hụt ngân sách sẽ tới mức nghiêm trọng. Còn lạm phát sẽ giảm mạnh và tác động tiêu cực đến động lực tăng trường... Sự khác biệt giữa các nước ở miền bắc và miền nam châu Âu sẽ còn gia tăng, gây nguy hiểm cho sự gắn kết và nỗ lực xây dựng một khu vực thịnh vượng chung.

GDP của Tây Ban Nha và Italy, hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay do sự tàn phá của dịch Covid-19, có thể giảm hơn 9% trong năm nay. Hai nước này không có đủ ngân sách dự phòng để ứng phó vào giai đoạn cao điểm của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Đối với Pháp, tình trạng sẽ vô cùng ảm đạm. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo vượt mốc 10%. Tiếp đó là thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ tăng vọt tới 9,9% và 116,5% GDP so mức trung bình 8,5% và 102,7% trong khu vực đồng euro.

Đức, nước có thặng dư ngân sách trước khi dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới, ít bị ảnh hưởng bởi hơn Italy, Tây Ban Nha hoặc Pháp. Chính phủ Đức đã có nhiều biện pháp ứng phó dịch hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại về người và đang tích cực khôi phục hoạt động trên một số lĩnh vực. Do vậy, GDP của Đức có thể chỉ giảm 6,5% trong năm 2020. Các nước ở phía đông EU như Ba Lan hiện ít bị thiệt hại hơn, nên mức suy giảm GDP được dự báo ở mức 4,3%.

Những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch khó có thể hồi phục mạnh nhất khi hết dịch. Vì vậy, vào cuối năm 2021, GDP của Italy được dự báo vẫn sẽ thấp hơn 3% so mức cuối năm 2019. Tương tự như vậy, mức chênh lệch sẽ là 2% đối với Tây Ban Nha và 1% đối với Pháp. Ngược lại, GDP của Đức vào thời điểm cuối năm 2021 sẽ cao hơn 1% so hai năm trước đó. Bốn nước khác gồm Austria, Croatia, Slovakia và Ba Lan cũng sẽ giải quyết xong thiệt hại từ cuộc khủng hoảng hiện nay.

Do những khác biệt về mức độ ảnh hưởng và thiệt hại, lãnh đạo nhiều nước cũng như Ủy ban châu Âu đã kêu gọi sự đoàn kết và giải pháp "gánh nợ chung" để có sự phục hồi mạnh mẽ sau cuộc suy thoái chưa từng có này. Thực tế, các nước ở miền bắc và miền nam châu Âu vẫn chưa có sự đồng thuận về vấn đề nợ chung.

Trước tình hình như vậy, Ủy ban châu Âu đưa ra những dự báo này nhằm cảnh báo rằng giai đoạn mấy tháng tới có thể còn ảm đạm hơn. Các nước EU đang nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa nhưng còn e ngại nguy cơ đợt bùng phát dịch thứ 2. Tại Pháp, còn nhiều khu vực chưa có sự suy giảm rõ rệt về sự lây lan cũng như số người được điều trị trong bệnh viện. Ngày 11-5, lệnh phong tỏa sẽ được nới lỏng nhưng Chính phủ Pháp vẫn chuẩn bị phương án dự phòng, kéo dài phong tỏa ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

KHẢI HOÀN

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44371302-gdp-cua-khu-vuc-eurozone-co-the-giam-toi-7-7-trong-nam-2020.html