GDP năm nay có thể đạt 8% nhưng khó khăn vẫn bủa vây
Theo kịch bản cao mới được Tổng cục Thống kê cập nhật, năm nay tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 8%, lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đối mặt với những khó khăn từ việc Fed tăng lãi suất, cầu thị trường thế giới giảm mạnh do lạm phát…
Theo Tổng cục Thống kê, quý III tăng trưởng 13,67% giúp GDP 9 tháng đạt 8,83% và là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2011-2022. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá kinh tế 9 tháng qua đã khởi sắc trên hầu hết lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước – thời điểm nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Tăng trưởng GDP 2022 có thể đạt 8%
Với những tín hiệu tích cực trên, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng mà cơ quan này xây dựng. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt từ 7,5 – 8%. Với phương án, cả năm GDP đạt 7,5%, thì quý IV phải tăng trưởng 4,1% - đây là mức thấp có thể đạt được. Với phương án, GDP năm 2022 đạt 8%, thì GDP quý IV phải đạt 5,9%.
Mặc dù quý IV còn khó khăn nhưng nền kinh tế tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, việc đẩy mạnh đầu tư công, gói phục hồi kinh tế được thực hiện vào quý IV sẽ kích thích tăng trưởng. Do vậy, Tổng cục Thống kê nghiêng về phương án tăng trưởng GDP cả năm nay sẽ đạt khoảng 8%.
Về dự báo năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết đang xây dựng trong khoảng từ 6,5 – 7%. Lý do để đưa ra con số dự báo trên là việc thực hiện gói kích thích kinh tế sẽ thực hiện mạnh vào năm 2023, một số ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh sau đại dịch. Đây là cơ hội để tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh sau COVID-19.
Cung cấp thêm thông tin, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá trong vòng một tuần qua, các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống hơn một điểm phần trăm trong năm nay. Tuy nhiên, theo thông tin mà Tổng cục Thống kê cập nhật từ các nguồn dữ liệu tin cậy, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia được các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng đạt 7 - 8% trong năm nay. Một số quốc gia trong khu vực cũng được dự báo phục hồi mạnh như Malaysia có thể đạt tăng trưởng 6,4% trong năm nay, Philippines khoảng 6,5%, Indonesia dự báo trên 5%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng khẳng định kinh tế Việt Nam đã “bật dậy” trở lại với kết quả tích cực, nhờ sự đồng lòng, quyết tâm, tin tưởng của người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng điểm ra rất nhiều khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Trước mắt là việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 5 vào ngày 21/9/2022 để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo các chuyên gia, việc Fed liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam. Đặc biệt là tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam với thực trạng 70% kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thực hiện bằng đồng USD.
Ứng phó với việc Fed tăng lãi suất
Để ứng phó với việc Fed tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quyết định nâng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Theo bà Hương, mức lãi suất tăng có thể ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nguyên nhân là do người sản xuất, doanh nghiệp bị tăng chi phí đầu vào do "đội" chi phí vay vốn cao, dẫn tới điều chỉnh giá bán và tác động tới CPI. Đây là bài toán khó, Tổng cục Thống kê đang nghiên cứu xem xét nghiên cứu về giải pháp ứng phó.
Ông Lê Trung Hiếu bổ sung thêm, vừa qua, nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất chứ không chỉ riêng Mỹ, Ngoài FED còn có Nhật Bản, Nam Phi, Indonesia, Đài Loan… Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành không nằm ngoài động thái của khu vực và thế giới, là tín hiệu thắt chặt tiền tệ, kiểm soát tỷ giá.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận nếu tăng lãi suất thì kéo theo chi phí vốn huy động tăng, cho vay lập tức tăng cao dù Chính phủ rất mong muốn lãi suất thấp. Giá vốn tăng thì giá bán tăng, điều đó có nghĩa phải kết hợp với chính sách điều hành khác để đảm bảo giá cả ổn định.
Đồng thời, ông Hiếu cũng chỉ ra những khó khăn tiềm ẩn rủi ro đang thách thức nền kinh tế Việt Nam như giá xăng dầu, lương thực thực phẩm, sắt thép, phân bón dự báo tiếp tục khó lường… Những yếu tố này chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.
Trong một diễn biến liên quan, để hỗ trợ nền kinh tế, mà cụ thể là các doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng chính sách tiền tệ cần thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, ổn định tỷ giá hợp lý. Mặc dù lãi suất huy động chịu áp lực tăng nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Cụ thể, khi Fed tăng lãi suất thì sẽ khiến cho đà tăng trưởng kinh tế của thế giới chậm lại và sẽ có tác động tiêu cực, giảm bớt lợi thế đối với xuất khẩu, đầu tư của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. "Điều này rõ ràng cho thấy chúng ta cần phải chủ động để đa dạng hóa thị trường, đối tác và phải đa dạng hóa cả các đồng tiền thanh toán, để một mặt chúng ta có thể tranh thủ được các hiệp định thương mại tự do cũng như những thị trường mới vẫn còn tiềm năng, nhất là nhiều hàng hóa của Việt Nam đang xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa thiết yếu như: hàng da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản... Đây là những mặt hàng tiêu dùng nên lợi thế là có, trong khi tác động tiêu cực không nhiều", ông Lực khuyến nghị.
Đối với đầu tư, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng rõ ràng sức cầu trên thế giới sẽ giảm. Do đó, chúng ta cần tranh thủ dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ cung ứng sang để bù đắp cho những phần suy giảm từ xuất khẩu và đầu tư trước đó.