GDP quý I tăng 3,32%, thấp hơn nhiều năm qua
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi CPI tăng 4,18%, lạm phát cơ bản tăng 5,01%...
Tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 sáng 29/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2023 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn.
GDP tăng thấp hơn nhiều năm qua
"Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng, trong khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa....", bà Hương nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, GDP quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Về sử dụng GDP quý I/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
CPI tăng 4,18%
Cùng với GDP, một trong những chỉ số đáng chú ý được Tổng cục Thống kê công bố là chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 3 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.
Chỉ số giá vàng tháng 3 giảm 0,56% so với tháng trước, giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước.
Mỗi tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp 'chết lâm sàng'
Về tình hình "sức khỏe" doanh nghiệp, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, cả nước có 14,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 60,9% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 6,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tương ứng tăng 60,1% và tăng 46,2%; có 4.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 9,1% và tăng 39,3%; 3.452 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 31% và tăng 39,5%; có 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21% và tăng 31,1%.
Tính chung quý I/2023, cả nước có 57 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Xuất siêu 4,07 tỷ USD trong quý I
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 501,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3 ước đạt 895,4 nghìn lượt người, giảm 4% so với tháng trước và gấp 21,5 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2.699,5 nghìn lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I/2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).