GDP quý I tăng 6,93%

Đây là mức tăng trưởng quý I cao nhất trong giai đoạn 2020-2025, vượt mục tiêu đặt ra cho quý I tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, nhưng chưa thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8%.

 GDP quý I đạt mức cao nhất trong 6 năm qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

GDP quý I đạt mức cao nhất trong 6 năm qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo báo cáo mới được Cục Thống kê công bố, GDP quý I của Việt Nam ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, cho biết kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Nhưng, chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong nước.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,56%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,31%; khu vực dịch vụ chiếm 43,44%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,69%.

Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%

Sản xuất nông nghiệp quý I cũng tăng trưởng ổn định. Thời tiết thuận lợi cùng với việc áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật giúp sản lượng cây lâu năm đạt khá; chăn nuôi phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát.

Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng rừng mới, sản lượng gỗ khai thác tăng cao. Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng do đẩy mạnh nuôi siêu thâm canh, tăng cường ứng dụng công nghệ cao.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ, Tết đầu năm; số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ.

Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều nguồn thu như dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; vận chuyển hành khách và luân chuyển; vận chuyển hàng hóa tăng trưởng 2 con số.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt người, tăng 30%. Số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 2,7 triệu lượt người, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước

Quý vừa rồi, cả nước có 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (-4%) với tổng số vốn đăng ký gần 356.800 tỷ đồng (+1%), tổng số lao động đăng ký gần 228.200 người (-15%).

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I tăng gần 6% lên 9,8 tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay là 1,3 triệu tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 36.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (+55%), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I lên hơn 72.900 doanh nghiệp (+19%). Bình quân một tháng có hơn 24.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Mặt khác, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 61.400 doanh nghiệp (+15%); gần 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (-26%); gần 5.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (+23%). Bình quân mỗi tháng có gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/gdp-quy-i-tang-6-93-post1543712.html