GDP sẽ tăng hàng trăm tỷ USD khi đất đai được tính đúng, tính đủ
Nghị quyết 18 đã đề ra chủ trương 'Có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường'.
Đây là một chủ trương rất đúng đắn vì đất đai là một trong những nguồn lực cực kỳ quan trọng của đất nước, nhưng “chưa được sử dụng hiệu quả”.
Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững. Các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường.
Đánh giá như trên của Nghị quyết 18 là rất đúng đắn. Do chính sách tài chính đất đai chưa tốt nên đã tác động đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và thậm chí cả GDP ở nước ta.
Ở góc độ GDP, Việt Nam nổi lên là một quốc gia có sự chênh lệch vào loại cao nhất toàn cầu giữa GDP sức mua và GDP danh nghĩa.
Năm 2020, theo thống kê của IMF về kinh tế Việt Nam, thì GDP theo sức mua tương đương là 1.050 tỷ USD; còn GDP danh nghĩa là 343 tỷ USD, tỷ số chênh lệch là 3,1. Đây là tỷ lệ cao ngất ngưởng toàn cầu, nếu so với tỷ lệ bình quân toàn cầu là 1,5 hay của Mỹ là bằng 0.
Tất nhiên, sự chênh lệch giữa GDP sức mua với GDP danh nghĩa có nhân tố chung là tỷ giá tiền tệ giữa USD với đồng nội tệ, và nhiều nhân tố không giống nhau giữa các quốc gia. Nhưng với Việt Nam, điều khác biệt lớn liên quan đến vấn đề giá đất.
Nếu không có khác biệt thì tỷ lệ chênh lệch của Việt Nam sẽ chỉ nằm trong khoảng 1,5 hoặc 2,1 là cùng. Rõ ràng, tỷ số số chênh lệch vượt trội của Viêt Nam (3,1) là vấn đề cần quan tâm.
Việc này làm cho hạch toán GDP danh nghĩa bị bỏ qua rất nhiều giá trị thực không chỉ về tài sản đất (với tư cách là loại Bất động sản mẹ) mà còn với tất cả các loại tài sản trên đất (gọi là Bất động sản con).
Dễ thấy nhất là đất nông nghiệp khi bị thu hồi thì người nông dân chỉ nhận được các khoản đền bù với tổng trị giá chỉ bằng 10%, thậm chí 1% so với giá đất không thuộc diện thu hồi. Đất đai được hạch toán vào GDP danh nghĩa với giá thấp như vậy khiến chỉ số này bị méo mó, biến dạng, hạ thấp.
Trong 26 năm qua (1994-2020), bình quân mỗi năm đã có 36 nghìn ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất ở nông thôn, đất ở đô thị và đất chuyên dùng cho thấy chênh lệch giữa 2 loại GDP trên đây có trị giá lớn đến thế nào.
GDP danh nghĩa không chỉ bị hạ thấp từ đất đai bị đánh giá thấp, mà còn là vì giá thấp đó đã chu chuyển vào toàn bộ những sản phẩm của nền kinh tế quốc dân được hạch toán vào Tài khoản GDP danh nghĩa, trong đó có những chi phí về tài sản cố định (đất và bất động sản trên đất), về tài sản lưu động (nguyên vật liệu do nông nghiệp cung ứng).
Vậy Việt Nam đã có những khác biệt nào trong hạch toán GDP sức mua và GDP danh nghĩa? Mặc dù khác biệt có nhiều, nhưng có thể qui tụ lại thành 2 nhóm: Nhóm Tỷ giá, và nhóm Đất đai với trọng số 0,5/0,5 trong tỷ số chênh lệch là 1 trên đây.
Nếu khác biệt về đất đai Việt Nam trong kinh tế so với thế giới được tháo gỡ, thì trọng số 0,5 trên đây sẽ làm cho GDP danh nghĩa tăng thêm được trên 170 tỷ USD (343 x 0,5). Việc điều chỉnh sự khác biệt về giá trong lĩnh vực đất đai đã được đề xuất và dự thảo liên tục từ nhiều năm trước, đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.
Cách tính giá đất như vậy làm giảm qui mô nền kinh tế tính theo GDP danh nghĩa lên tới trên trăm tỷ USD/năm.
Nhiều năm nay, thị trường đất đai chưa được vận hành theo nguyên tắc thị trường vì rất nhiều lý do.
Tôi cho rằng, một trong những lý do xuất phát từ các tiếp cận từ Luật Đất đai năm 1987, theo đó, tài sản đất đai đã không được chu chuyển bình thường và có hiệu quả trong nền kinh tế, thậm chí phải trải qua hàng loạt quanh co, luồn lách, tốn kém, rơi rụng.
Dễ thấy nhất, đó là nông dân thà để hoang hóa đồng ruộng của mình còn hơn là chuyển nhượng cho người khác; công việc thu hồi đất, đền bù thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất, định giá đất... đã gây ra nhiều vấn đề xã hội.
Những khiếm khuyết này cần được bổ sung, chỉnh sửa sao cho đất đai phải tạo động lực, nguồn lực quan trọng, đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.