GDP tăng nhanh nhất thế giới, nền sản xuất Ấn Độ vẫn trì trệ
Đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 lên tới 8,4%, nhưng nền sản xuất Ấn Độ vẫn luôn trì trệ và không thay đổi.
Theo Bloomberg, nếu xét trên lý thuyết, cơ hội thu hút các tập đoàn sản xuất đa quốc gia của Ấn Độ rất khả quan. Ví dụ tiêu biểu là Apple đã bắt đầu chuyển dây chuyền lắp ráp các mẫu iPhone mới nhất sang quốc gia Nam Á này thay vì chỉ tập trung ở Trung Quốc như trước.
Ngoài ra, những căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc liên tiếp nổ ra cũng giúp Ấn Độ có nhiều lợi thế hơn trong việc trở thành trung tâm sản xuất của thế giới. Gần đây, việc quốc gia này đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G-20 cũng đang thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trái ngược với những tin tức tích cực này, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng quốc gia 1,4 tỷ dân vẫn đang mắc kẹt trong vòng lặp sản xuất trì trệ.
Cố gắng nhưng không thành công
Trước đó, Ấn Độ đã rất cố gắng để thúc đẩy nền sản xuất nội địa nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Chiến dịch "Make in India" của Thủ tướng Narendra Modi đã chính thức bắt đầu từ năm 2014 nhưng không thành công. Sau gần một thập kỷ cố gắng, tỷ trọng các ngành sản xuất vẫn chỉ chiếm 14% nền kinh tế nước này thay vì mức mục tiêu 25%. Và bất chấp những lợi thế về dân số hay lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ luôn ở mức cao.
Nhận xét về tình hình này, ông Amitendu Palit - nhà kinh tế thương mại tại Đại học Quốc gia Singapore - cho rằng việc các doanh nghiệp sản xuất đang dần chuyển khỏi Trung Quốc là đúng nhưng khả năng Ấn Độ hưởng lợi không rõ ràng. Nói cách khác, nước này cần phải chứng minh rằng mình sẽ cung cấp được nguồn nhân lực và máy móc tương đương với mức giá rẻ hơn, thay vì chỉ dựa vào lợi thế chính trị hay an ninh.
Hơn nữa, dù các ưu đãi tài chính dưới thời Thủ tướng Modi đã khiến nhiều doanh nghiệp quốc tế chú ý đến nước này, hiện mới chỉ có Apple chuyển đổi sản xuất. Ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp đã phải rời bỏ Ấn Độ vì vấn đề áp dụng chính sách mất quá nhiều thời gian, bao gồm General Motors, Ford hay Harley-Davidson.
Để đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp về một Ấn Độ đã thay đổi, Thủ tướng Modi có thể cần ban hành lại luật lao động và cắt giảm bớt các thủ tục hành chính quan liêu. Ví dụ điển hình là trường hợp của hãng thép lớn nhất thế giới - ArcelorMittal SA - công ty này trước đây đã cố gắng xây dựng một nhà máy ở bang Odisha nhưng rồi buộc phải từ bỏ vì không có được những giấy phép cần thiết.
Ngoài ra, hỗ trợ phát triển việc làm và nâng cao tay nghề lao động cũng là một điều cần thiết nếu Ấn Độ muốn tăng thu nhập bình quân đầu người. Thu nhập cao hơn sẽ thúc đẩy tiêu dùng, thu hút đầu tư và tạo ra một chu kỳ kinh tế phát triển.
Những kỳ vọng trong tương lai
Ông Shumita Deveshwar - nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn TS Lombard - nhận xét dù Ấn Độ tiếp tục là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tiến độ thực tế lại rất đáng thất vọng.
Theo ông, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ lao động thấp và thủ tục hành chính rắc rối là những vấn đề chính khiến ngành sản xuất tại Ấn Độ tự ngăn chặn các doanh nghiệp nước ngoài. Kể từ năm 2020, nước này đã rơi khỏi top 25 trong xếp hạng Chỉ số niềm tin FDI của Kearney. Ngoài ra, phần lớn vốn FDI của Ấn Độ cũng đang chuyển hướng sang ngành dịch vụ thay vì sản xuất.
Hiện tại, Thủ tướng Modi đang đặt cược rằng vai trò Chủ tịch G-20 mới đây sẽ tạo ra cơ hội cho Ấn Độ, giúp tạo ấn tượng tốt về ngành sản xuất của nước này và vượt lên khỏi sự cạnh tranh của các nền kinh tế châu Á khác như Việt Nam hay Malaysia.
Còn Ông Abhishek Gupta - chuyên gia kinh tế cấp cao của Ấn Độ - thì cho rằng: "Chúng tôi đang thiết lập rất nhiều quy trình mới để phục hồi công nghiệp và thúc đẩy sản xuất. Ấn Độ năm 2023 chắc chắn sẽ khác nếu không phải đối mặt với bất cứ cú sốc bất ngờ nào như đại dịch Covid-19".