GDP trên 8,3% - tiền đề để tiến tới tăng trưởng hai con số
Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, Việt Nam điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng lên 8,3% - 8,5% trong năm 2025, không chỉ thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ mà còn phản ánh niềm tin vào sức bật nội tại của nền kinh tế. Đây là tiền đề để tiến vào ngưỡng cửa của chu kỳ tăng trưởng mới với hai con số.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP năm 2025 đạt trên 8,3%.
Mục tiêu khó nhưng không phải bất khả thi
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 vừa khép lại với thông điệp mạnh mẽ từ Người đứng đầu Chính phủ: “Tăng trưởng GDP năm 2025 phải đạt 8,3 - 8,5%, năm 2026 phấn đấu tăng trưởng 2 con số”. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định, đây là mục tiêu rất khó, có nhiều thách thức lớn nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải bất khả thi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mục tiêu này tuy cao nhưng vẫn có những nền tảng nhất định để Việt Nam kỳ vọng đạt được. Cụ thể là tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đã vượt 7,5% và theo chu kỳ nửa cuối năm sẽ là thời gian tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn. Đồng thời, trong nửa năm, đầu tư công đạt hơn 268.100 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ cả về số tuyệt đối với tỷ lệ cũng cho thấy chuyển biến rõ rệt trong thực thi. Đầu tư công đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều lĩnh vực vẫn gặp khó.
Nhiều dự án trọng điểm như cao tốc, sân bay và đường vành đai hiện đang được đẩy nhanh tiến độ, thậm chí về đích sớm. Các dự này được triển khai tốt không chỉ mang lại hiệu quả trực tiếp mà còn tạo sức lan tỏa lớn đối với toàn nền kinh tế, từ việc củng cố niềm tin của khu vực tư nhân, thu hút FDI đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Tại hội nghị Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Theo đó, kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm đạt 8%; kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm đạt 8,3 - 8,5%. Trong đó, với kịch bản 2, Bộ ước tính tăng trưởng quý III đạt 8,9 - 9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6 - 0,9%); quý IV đạt 9,1 - 9,5% (cao hơn kịch bản 0,7 - 1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2, tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.

Giải ngân 100% vốn đầu tư công giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Để đạt mức tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025, Bộ Tài chính nhấn mạnh, cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm đạt khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 700.000 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD, thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD...
Biến tiềm năng thành hiện thực
Đặc biệt, theo tính toán của Bộ Tài chính, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, nhất là các địa phương "đầu tàu”, động lực tăng trưởng của cả nước như: Hà Nội tăng cao hơn 0,5%, TP. Hồ Chí Minh cao hơn 0,4%, Quảng Ninh cao hơn 1%…; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu hồi đầu năm.
Bày tỏ quyết tâm cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5%, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho hay, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện bộ máy chính quyền 2 cấp với tinh thần thần tốc, quyết liệt; tăng tốc giải ngân đầu tư công; thúc đẩy các động lực truyền thống, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài…
Để thực hiện thành công mục tiêu “không thể không làm”, Thủ tướng chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, thúc đẩy giải ngân đầu tư công 100% (khoảng 1 triệu tỷ đồng); bảo đảm tổng đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 11-12% so với năm 2024. Mở rộng nguồn thu, đẩy mạnh tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu Chính phủ...
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã thành lập 8 Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho gần 3.000 dự án còn tồn đọng trên cả nước. Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án này, theo tính toán có quy mô khoảng 235 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông nguồn lực, đưa kinh tế các địa phương và cả nước tăng tốc, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng.