GDP trở lại đường đua 7%, phụ thuộc chính vào sản xuất và dịch vụ
Tăng trưởng của Việt Nam đang tốt hơn mong đợi với GDP cho 3 quý đầu năm ước 7,3%, nhưng Việt Nam vẫn cần phải thận trọng hơn nữa về sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu cùng ảnh hưởng của chiến tranh thương mại có thể cản trở sự tăng trưởng trong tương lai.
Điều chỉnh dự báo
Các nhà kinh tế và nghiên cứu có thể đã đặt ra nghi ngờ về việc Việt Nam tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay khi suy thoái kinh tế đang lan rộng trên toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 7,3% GDP cho 3 quý đã gây bất ngờ và khiến họ thay đổi dự báo tăng trưởng cho Việt Nam dựa trên những diễn biến tích cực.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), tăng trưởng GDP thực tế đạt 7,3% tại thời điểm cuối quý 3, tăng từ 6,7% tại thời điểm cuối quý 2.
Nhà kinh tế học Yun Liu tại Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC viết trong báo cáo kinh tế về Việt Nam rằng dù trong một năm nhiều gập ghềnh như năm 2019, khi môi trường kinh tế toàn cầu không chắc chắn đã trở thành một điều bình thường, thật khó có thể tưởng tượng rằng Việt Nam – một nước phụ thuộc nhiều vào thương mại, có thể tăng trưởng hơn 7% như năm ngoái. Nhưng Việt Nam quả thật đã gây bất ngờ cho thị trường đối với mức tăng trưởng GDP 7,3% trong 3 quý, vượt xa dự báo của HSBC là 6,6%, đánh dấu sự mở rộng nhanh nhất trong sáu quý.
Theo bà Liu, mức tăng trưởng GDP vượt bậc của Việt Nam phụ thuộc phần nhiều vào tăng trưởng mạnh của khu vực sản xuất và chế biến, chế tạo.
“Mặc dù tăng trưởng với tốc độ vừa phải nếu so với những năm trước, ngành sản xuất đã chứng kiến mức tăng trưởng hai con số là 11,7% trong 3 quý. Điều này được minh họa rõ nhất khi sản xuất công nghiệp tăng trưởng 13,3% trong 3 quý, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình 7% của nửa đầu năm”, bà Liu ghi nhận.
“Phần nhiều của sự tăng trưởng nhanh được thúc đẩy bởi lĩnh vực điện tử đang bùng nổ, nhờ vào dòng vốn FDI đang chảy vào của các công ty công nghệ”.
Ngoài ra, khối ngành dịch vụ cũng được xem là đóng góp lớn nhất cho mức tăng trưởng cao tại Việt Nam.
Bà Liu cho biết thêm, ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ổn định, với tốc độ nhanh nhất vào năm 2019 (7,1% trong 3 quý), chiếm 40% tăng trưởng GDP. Điều này một phần nhờ vào tiêu dùng nội địa mạnh mẽ hơn do tiền lương tăng và tầng lớp trung lưu đang bùng nổ.
Bộ phận nghiên cứu của hãng đánh giá tín dụng Fitch – Fitch Solutions Macro Research, cũng chia sẻ quan điểm tương tự, đánh giá sự tăng tốc ở Việt Nam được củng cố bởi việc gia tăng liên tục của các công ty đến từ Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, do tăng trưởng của ngành sản xuất tiếp tục diễn ra.
“Trong bối cảnh tăng trưởng 3 quý mạnh mẽ như vậy, chúng tôi đang điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng GDP thực tế sẽ đạt mức 6,9% trong năm 2019, từ mức 6,5% trước đó và chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng năm 2020 ở mức 6,8%”, Fitch Solutions đưa ra nhận định.
Sự điều chỉnh của Fitch Solutions cũng trùng khớp với dự báo của HSBC, dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,9% trong năm nay, đi kèm lưu ý đến những rủi ro bên ngoài sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm tới.
“Chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2019, trước khi giảm dần xuống còn 6,4% vào năm 2020”, HSBC viết trong báo cáo mới nhất.
Cảnh báo đi kèm
Mặc dù các dự báo sửa đổi sáng sủa hơn, Việt Nam không nên "ngủ quên trên chiến thắng" khi nền kinh tế không hoàn toàn được bảo vệ khỏi sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo HSBC, mặc dù được coi là nước hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ và EU. Do đó, các dự báo của HSBC cho thấy tăng trưởng của các nền kinh tế lớn này có khả năng giảm tốc hơn nữa, gây ra rủi ro trực tiếp với thương mại và tăng trưởng của Việt Nam.
Trong khi đó, Fitch Solutions cho biết họ đã nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy sự gia tăng của các công ty dịch chuyển đến Việt Nam do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nhưng việc này cũng đang làm tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động của Việt Nam.
“Chúng tôi dự đoán vấn đề tắc nghẽn ở cơ sở hạ tầng giao thông, hậu cần và nguồn nhân lực sẽ kìm hãm tăng trưởng của ngành sản xuất trong các quý tới”, Fitch Solutions nói.
Theo bộ phận nghiên cứu này, ngành sản xuất Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thúc đẩy sự thay đổi cơ cấu trong sản xuất điện tử và sản xuất dệt may cấp thấp sang Việt Nam từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sự dịch chuyển gấp gáp này dường như đang gây căng thẳng đáng kể cho hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại.
Từ góc độ nhân lực, nhiều báo cáo cũng cho thấy tình trạng thiếu lao động có trình độ ngày càng tăng, và điều này đã gây áp lực tăng đáng kể lên tiền lương.
Dựa trên dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, tiền lương trung bình hàng tháng tăng 13% trong quý 3. Từ tháng 1 đến tháng 9-2019, tiền lương trung bình của các giám đốc điều hành đã tăng 16,7%, công nhân kỹ thuật tăng 12,2% và lao động phổ thông 17,4%.
Theo số liệu từ các cơ quan thống kê quốc gia tương ứng của Thái Lan và Trung Quốc, mức lương trung bình hàng tháng ở Việt Nam (290 đô la) vẫn còn thấp hơn so với các trung tâm sản xuất chi phí thấp khác trong khu vực như Thái Lan 470 đô la và Trung Quốc 580 đô la.
Trang Nguyễn