GDP Việt Nam tăng trưởng 4,48% trong quý I: 'Chớ nên vui mừng'
Giới chuyên gia nhận định, mức tăng trưởng 4,48% GDP trong quý I/2021 là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, lực tăng trưởng còn yếu, so với dự kiến của Chính phủ.
GDP tăng 4,48%: Chớ nên vui mừng
Mới đây, Tổng Cục Thống kê đã công bố số liệu thống kê tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong quý I/2021. Một trong những thông tin đáng lưu ý, là việc tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng 4,48% so với cùng kỳ 2020, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mức tăng 4,48% của GDP quý I/2021 là thấp. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, ít nhất một quý phải có tăng trưởng trên 7%.
GDP Việt Nam trong quý I tăng 4,48%
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức tăng 2 con số đạt được ở những giai đoạn GDP tăng trưởng cao.
“Điều này cho thấy sức tăng ở thị trường nội địa chưa rõ nét. Tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn cầm chừng do lo ngại những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài”, ông Phương chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đồng thuận: Mức tăng trưởng 4,48% GDP trong quý I/2021 là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, lực tăng trưởng vẫn còn yếu, so với dự kiến của Chính phủ.
“Hồi đầu năm, dựa vào một số yếu tố tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã đưa ra mức tăng trưởng GDP dự kiến trong quý I/2021 là 5,12%. Như vậy, mức tăng 4,48% trên thực tế còn thấp và cần phải nỗ lực hơn nữa trong giai đoạn kế tiếp”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.
Kết thúc năm, GDP có thể vượt kế hoạch
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Đại học Tài chính cho rằng: Mặc dù mức tăng trưởng GDP trong quý I/2021 thấp hơn so với dự kiến của Chính phủ (5,12%) và Quốc hội (6,5%), nhưng đây đã là một thành quả đầy nỗ lực của nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều ảnh hưởng xấu.
“Trong 3 tháng đầu năm, nền kinh tế đã bước đầu phục hồi và có một lượng doanh nghiệp lớn quay trở lại hoạt động ổn định trở lại. Kim ngạch xuất - nhập khẩu trong quý tương đối tốt, nhưng không may lại trùng với thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 3, điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế theo chiều không mong muốn”, ông Thịnh nói.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, mức tăng 4,48% GDP trong quý I/2021 chỉ là bước đệm cho nền kinh tế bứt phá trong giai đoạn nước rút. Ông Thịnh tin rằng, kết thúc năm 2021, GDP sẽ vượt mức tăng trưởng 6,5%, thậm chí có thể đạt 6,7 - 6,8%.
Để chứng minh luận điểm này, ông Thịnh nêu 4 xung lực chính, đã và đang tạo ra bệ phóng cho kinh tế Việt Nam.
Yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng nhất, chính là việc Chính phủ đã có sự chuẩn bị tốt, thấu đáo, để đối phó với các tác động xấu của đại dịch Covid-19.
Ngay từ thời điểm phát hiện ra những ca nhiễm bệnh đầu tiên, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp để hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, như kiểm soát biên giới, hạn chế nhập cảnh, dãn cách toàn xã hội, hay khoanh vùng dập dịch;...
Thời điểm đầu, nhiều chuyên gia lo ngại, các giải pháp của Chính phủ sẽ ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, những giải pháp này đã giúp ổn định tình hình xã hội. Nhờ đó thúc đẩy cho kinh tế phát triển.
Thứ hai, kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi rất nhiều nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đang mang lại nhiều động lực phát triển kinh tế.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, nhờ vào EVFTA, kim ngạch xuất khẩu sang EU trong quý I/2021 đã tăng 18%, nhập khẩu tăng 12% trong 2 tháng đầu năm. Tăng trưởng xuất nhập khẩu với Mỹ cũng tăng trên 20%.
Thứ ba, một số ngành nghề chủ lực, như công nghiệp chế biến - chế tạo, điện thoại - máy tính đã bắt đầu có đà bứt phá trong quý I/2021. Những ngành nghề này sẽ là tạo ra thế cân bằng cho nền kinh tế.
Cuối cùng, nhờ vào quá trình kiểm soát dịch bệnh rất tốt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã trở lại và bắt đầu tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Đặc biệt, dòng vốn FDI liên tục tăng, đã chứng tỏ Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong yếu tố nhà đầu tư, không thể không nhắc đến các doanh nghiệp trong nước đã vực dậy mạnh mẽ sau khó khăn. Tính đến hết quý I/2021, đã có hơn 29.000 doanh nghiệp mới, dòng vốn mới được thành lập.
“Việt Nam có thể tự tin nông nghiệp vẫn tăng trưởng rất tốt, các ngành kinh tế trọng điểm cũng có tăng trưởng tương đối cao, từ đó kéo tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đi lên và giúp cho tăng trưởng GDP tốt hơn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.