Gen Z quen nhanh, bỏ vội?
Khác với những thế hệ trước, khi một mối quan hệ không còn niềm vui hay cảm giác tích cực, Gen Z sẵn sàng lựa chọn chia tay thay vì chấp nhận.
Cách nhau 8 tuổi, hai chị em Hương Trà - Hương Thùy (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) lần lượt sinh năm 1992 - 2000. Sinh ra trong một gia đình, ngoại hình có nhiều nét tương đồng, nhưng suy nghĩ của hai chị em trong các mối quan hệ có nhiều điều khác biệt.
Trong khi Trà có xu hướng chịu đựng, cảm thấy bất thường khi mở lòng hoặc yêu cầu giúp đỡ về vấn đề tâm lý, thì Thùy không có chung suy nghĩ này. Cô thuộc thế hệ thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ, nơi mà việc từ bỏ những mối quan hệ độc hại là tự nhiên.
"Tôi chứng kiến chị gái mình ôm gối khóc nhiều lần vì người bạn trai hiện tại, nhưng vẫn yêu anh ấy 6 năm nay. Chị ấy cũng nhận thấy giữa cả hai có vấn đề nhưng luôn nghĩ mọi chuyện sẽ tốt hơn, dù thực tế ngược lại. Tôi không muốn mình cũng phải cô đơn dù đang có bạn trai, hay ôm nỗi đau trong một mối quan hệ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những lý do bên ngoài như cha mẹ bạn trai, lựa chọn công việc của người kia, hoặc để bạn trai nhận xét mình chuyện ngoại hình. Nếu cảm thấy bất an vì chuyện yêu đương, tôi trò chuyện, chia sẻ cảm xúc, chứ không đi coi bói", Thùy nói.
Ngược lại, theo Trà, em gái cô quá "non nớt" và nghĩ mọi chuyện theo chiều hướng đơn giản, màu hồng. Cô cho rằng chuyện yêu đương nào cũng có vấn đề, không thể nói bỏ là bỏ, và "việc chỉ coi trọng cảm xúc của mình là ích kỷ".
"Tôi thường tự giải tỏa các vấn đề của mình và cố gắng cư xử hài hòa với tất cả mọi người, không chỉ bạn trai, mà còn với đồng nghiệp, sếp, gia đình", Trà nói thêm.
Ở tuổi 17, Minh Anh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) tự học cách chia tay những mối quan hệ mà mình cho là độc hại. Đối với cô, quá trình đó không hề dễ dàng như một đứa trẻ từ bỏ món đồ chơi mà là cả quãng thời gian dài kiên nhẫn và can đảm.
Nhiều người nói rằng Gen Z là thế hệ dễ dàng từ bỏ, đặc biệt là những mối quan hệ. Minh Anh thừa nhận điều này, nhưng cho rằng đó là cách để bảo vệ tinh thần mình khỏi nỗi ám ảnh tự ti, cô lập.
"Những người bạn độc hại không đem đến cho tôi niềm vui và tình yêu thương theo cách tôi cần mà theo cách họ muốn. Họ khiến tôi nghi ngờ giá trị bản thân, lung lay các ý tưởng cốt lõi và thu mình lại vì mặc cảm", Minh Anh chia sẻ cùng Zing.
Không chấp nhận bạn bè độc hại
Theo quan điểm của Hương Thùy, Minh Anh, Gen Z ngày càng bị nhắm tới để trở thành con mồi của những mối quan hệ độc hại từ cả người thân, bạn bè và người yêu. Điều này được thúc đẩy trong kỷ nguyên số khi họ gặp và tương tác với nhiều người hơn, mỗi người lại có nhiều lớp "mặt nạ".
Có không ít bạn trẻ đang ở trong một mối quan hệ tiêu cực nhưng bản thân không thể nhận ra. Bị bạn bè, người yêu chê trách hoặc phủ nhận, họ thường có xu hướng đổ lỗi cho chính mình.
"Tôi từng vướng phải mối quan hệ thật sự tồi tệ, đó là một người bạn luôn khiến tôi bị dằn vặt và hạ thấp. Từ bỏ mối quan hệ đó không hề dễ dàng đối với tôi. Trước tiên, tôi phải tự khẳng định với bản thân rằng việc dừng chơi là đúng và tôi không làm gì sai trái cả. Tiếp theo, tôi chủ động tách mình khỏi mối quan hệ đó, cố bỏ ngoài tai những lời họ chỉ trích về mình. Cuối cùng, tôi chấm dứt hoàn toàn sự liên quan", Minh Anh tâm sự.
Thái Hà (24 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng từng trải qua giai đoạn rất khó khăn để rời xa một người bạn.
Trải qua mối quan hệ độc hại, cô mới nhận ra rằng đôi khi cắt đứt liên lạc với một người lại chính là cách tốt nhất để kết nối mình với sự cân bằng trong cuộc sống.
"Tôi từng có một người bạn 'hợp cạ' về tính cách và sở thích. Tuy nhiên, cô ấy dần thay đổi thái độ và cách đối xử với tôi. Thay vì lắng nghe và chia sẻ, bạn lại chuyển sang thao túng cảm xúc, coi sự giúp đỡ của tôi như một thứ trách nhiệm. Điển hình, cô ấy có thể đặt điều về tôi, nhưng tỏ ra không có chuyện gì xảy ra khi đối mặt", Hà kể.
Mối quan hệ này khiến cho cô cảm thấy tủi thân, mệt mỏi vì không được tôn trọng. Vì thế, Hà quyết định nói chuyện thẳng thắn và cắt đứt liên lạc với người này.
"Tôi không mất nhiều thời gian đắn đo nên giữ hay bỏ bạn vì không tiếc một người thiếu tôn trọng mình. Nếu như mối quan hệ ấy không đem lại niềm vui, động lực cho tôi tiếp tục hoàn thiện những mục tiêu trong cuộc sống, tôi sẵn sàng bước đi để tìm kiếm những người đồng hành khác", cô nói.
Yêu nhanh, bỏ vội
Sau vài tháng yêu đương, Mạnh Hùng (24 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) quyết định chia tay với bạn gái để "giải phóng" bản thân khỏi mối quan hệ mà anh cho là độc hại.
"Tôi và cô ấy đều mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu. Tôi cứ nghĩ có chung ‘tâm bệnh’ sẽ giúp hai bên dễ cảm thông và giúp đỡ nhau, song mọi thứ chỉ trở nên tệ hơn", Mạnh Hùng nói.
Chia sẻ với Zing, anh cho biết những tháng đầu yêu nhau không phải giai đoạn "trăng mật" như nhiều đôi trẻ khác. Dù vẫn dành phần lớn thời gian bên nhau, Mạnh Hùng vẫn cảm thấy mệt mỏi vì người yêu không lắng nghe, thậm chí còn trách móc và gây áp lực tâm lý khi cô ấy không kiểm soát được cảm xúc.
Đôi khi, nửa kia còn chọn cách "ghost" - đột ngột cắt đứt liên lạc, biến mất trong một khoảng thời gian - khiến anh cảm thấy hoang mang, tự đổ lỗi cho bản thân dù không phải sai lầm của mình.
"Tôi cảm thấy bản thân không được lắng nghe, tôn trọng và đồng cảm trong mối quan hệ. Chuyện tình cảm không mấy suôn sẻ khiến đầu óc tôi luôn nặng nề, mất tập trung, bỏ bê bản thân tới mức ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Nhiều lúc, tôi cảm thấy mối quan hệ này chỉ đến từ một phía", Mạnh Hùng trải lòng.
Sau một thời gian cân nhắc, anh lựa chọn chấm dứt mối quan hệ, cắt đứt liên lạc với người cũ. Anh dành vài tháng để điều chỉnh lại sinh hoạt, chữa lành cảm xúc và bắt đầu tập trung vào những mục tiêu cá nhân.
"Tôi nghĩ mình nên chia tay sớm hơn. Dù là người yêu, bạn bè hay đồng nghiệp, nếu mối quan hệ đó chỉ khiến cuộc sống trở nên buồn chán, ta nên học cách từ bỏ", Mạnh Hùng nói.
Vì đâu?
Gen Z (người sinh năm từ 1996 đến 2012) và các mối quan hệ là chủ đề được bàn tán khá nhiều trong thời gian qua. Nhiều người cho rằng Gen Z là thế hệ dễ dàng từ bỏ mọi thứ, trong đó có tình bạn, tình yêu và đồng nghiệp.
So với những thế hệ trước đây, họ không đề cao sự hy sinh và ổn định, thay vào đó lại ưu tiên sức khỏe tinh thần cùng cảm nhận cá nhân.
Theo anh Đào Lê Tâm An, chuyên viên tâm lý, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, Đại học Sư phạm TP.HCM, nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam tăng từ 1% trong năm 2009 lên 1,8% sau 10 năm. Mức tăng nhẹ nhưng đủ để phản ánh xu hướng chấm dứt mối quan hệ có chiều hướng gia tăng.
Đối với các đôi trẻ Gen Z, việc chia tay, từ bỏ mối quan hệ còn xảy ra nhiều hơn.
Ở mặt tích cực, vấn đề này cho thấy ngày nay mọi người dần ý thức rõ hơn về bản thân, quyền mưu cầu hạnh phúc và mức độ hòa hợp trong tình cảm.
Đặc biệt, với sự bùng nổ của phương tiện truyền thông và mạng xã hội, Gen Z có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những chỉ dẫn, cảnh báo về "red flag" trong mối quan hệ. Từ đó, trong tình yêu, hôn nhân hoặc tình bạn, họ không còn đề cao sự hy sinh mà cho rằng tình cảm là sự hợp tác "win win", nơi tất cả cùng có lợi.
Tuy nhiên, ở mặt tiêu cực, sự chia tay nhanh chóng cũng cho thấy một bộ phận người trẻ ngày nay thiếu hụt kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là kỹ năng xử lý mâu thuẫn và giao tiếp tích cực.
"Nhận thức quyền lợi cá nhân dễ trở thành ích kỷ nếu như người trẻ không biết suy nghĩ đến cảm xúc của người còn lại hoặc những lợi ích chung. Mặt khác, công nghệ cũng trở thành 'con dao hai lưỡi' giúp các bạn dễ dàng tiếp cận người khác hơn, được nhiều người săn đón, từ đó thiếu vắng động lực vượt qua khó khăn trong chính mối quan hệ của mình”, anh An chia sẻ cùng Zing.
Hãy chỉ từ bỏ sau khi cố gắng
Cũng theo anh An, việc từ bỏ một mối quan hệ không phải là điều xấu nhưng hãy đảm bảo trước đó đã từng cố gắng.
Có 3 điều mà người trẻ nên cân nhắc trong các mối quan hệ: đừng hứa khi đang vui, đừng trả lời khi đang nóng giận và đừng quyết định khi đang buồn.
Đầu tiên, cho dù là thời đại nào, lời hứa vẫn có giá trị và sức nặng của riêng nó. Trong trạng thái phấn khích, con người dễ đưa ra những cam kết vượt quá sức của mình, từ đó gây ra sự hụt hẫng cho đối phương nếu điều đó không được đảm bảo thực hiện.
"Những cảm xúc tiêu cực tích tụ nếu không giải quyết kịp thời sẽ càng rối rắm và đến một giai đoạn không thể tháo gỡ cũng đồng nghĩa với sự tan vỡ của mối quan hệ bạn bè, người yêu", anh nói.
Thứ hai, khi có bất đồng, các thành viên trong mối quan hệ có thể giải quyết ngay nếu như không khí không quá căng thẳng, hoặc cũng có thể phát tín hiệu "tôi đang cảm thấy khó chịu, tôi sẽ trả lời bạn vào ngày mai". Điều này giúp người kia biết sự im lặng không có nghĩa là "trừng phạt" hoặc "hành hạ", khiến cho họ cảm thấy có lỗi.
Tạm dừng trả lời, phản hồi khi nóng giận sẽ hạn chế gây tổn thương đến người đồng hành và bản thân.
Và cuối cùng, nhiều người đưa ra quyết định dựa trên lát cắt của sự kiện chứ không phải là sự phân tích theo chiều dọc của mối quan hệ. Khi cãi nhau hoặc chứng kiến điều gì đó gây thất vọng, cảm xúc buồn dễ điều hướng con người nghĩ rằng "mối quan hệ này cần dừng lại, tôi xứng đáng có một người tốt hơn".
Tuy nhiên, chúng ta quên mất mình đã từng hạnh phúc thế nào.
"Tạm hoãn việc đưa ra quyết định, để cảm xúc bình ổn lại, cân nhắc một chuỗi các sự kiện gần đây để đánh giá mức độ hài lòng, hạnh phúc của bản thân, bạn sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn cho quyết định bước tiếp hay dừng lại", anh kết luận.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gen-z-quen-nhanh-bo-voi-post1308651.html