Gen Z tại Mỹ 'tái khám phá' thư viện công cộng
Theo The Guardian, gen Z tại Mỹ đến thư viện không chỉ vì mục đích học tập hay đọc sách mà còn để giao lưu, kết nối, sáng tạo nội dung.
Báo cáo tháng 11/2023 của Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA) lấy từ nghiên cứu dân tộc học và một cuộc khảo sát năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thư viện công cộng (cả tại chỗ và điện tử) của gen Z và thế hệ trẻ cao hơn các thế hệ trước.
Trong số 2.075 người trả lời cuộc khảo sát, hơn một nửa đã đến thăm thư viện tại chỗ trong vòng 12 tháng qua. Không phải tất cả đều là mọt sách: theo báo cáo, 43% gen Z và thế hệ Millennials không nhận mình là "độc giả" - nhưng khoảng một nửa số người không đọc sách này vẫn ghé thăm thư viện địa phương trong năm qua. Trong đó, tỷ lệ Gen Z và Millennial da đen ghé thăm thư viện đặc biệt cao.
Gen Z yêu thích và tìm đến thư viện cho nhiều mục đích bên cạnh việc học tập, đọc sách: kết bạn, giao lưu, tìm kiếm không khí cộng đồng... và đặc biệt là có khung cảnh, đạo cụ tuyệt vời cho các sáng tạo nội dung của mình.
Đến thư viện để kết giao
Xưa nay thư viện đâu phải chỉ có sách. Ấy là những trung tâm cộng đồng cho ta cơ hội kết nối và khám phá. Với một thế hệ gắn liền với trực tuyến, thậm chí gần như tương đương cái gọi là “đại dịch cô đơn”, các thư viện cũng ngày càng có vai trò như "không gian xã hội".
Chuẩn bị đến thư viện, Henry Earls sẽ lên Pinterest tìm kiếm theo từ khóa “dark academic” (xu hướng văn hóa trên Internet liên quan đến học thuật và văn học). Anh chọn những chiếc áo len dệt kim ấm cúng và kết hợp với những bản sách cổ điển cũ kỹ. Trông Earls giống một giáo sư trợ giảng người Anh - hoặc một vai phụ trong phim Saltburn.
“Tôi muốn có phong thái nghệ thuật khi đến thư viện”, chàng sinh viên 20 tuổi học ngành mỹ thuật tại trường Cooper Union cho biết. “Và thực lòng thì, tôi chưng diện để trông chờ có người tiến đến làm quen.”
Ở Thư viện Công cộng New York, những khi không học bài Earls sẽ dạo quanh các phòng đọc để tìm kiếm bạn bè - hoặc các mối trên-mức-bạn-bè. Tuần trước, Earls đã nhã nhặn chuyển số của mình cho một cô gái trẻ ngồi gần, sau đó hai người tán tỉnh nhau qua tin nhắn.
Vài hôm trước thì anh làm quen được bạn mới trên bậc thềm thư viện, một sinh viên luật đang chuẩn bị cho kỳ thi. Earls nói: “Gặp gỡ trong một môi trường tạo điều kiện cho sự tập trung và phát triển, vậy nên chúng tôi hợp rơ. Thỉnh thoảng cậu ấy có thể đi chơi với bạn bè tôi và tôi”.
“Xưa nay ta vẫn nghĩ thư viện rất yên tĩnh và phần nào đúng là như vậy, nhưng điều chúng tôi quan sát được ở gen Z đến thư viện là có những không gian thực sự tuyệt vời dành cho thanh thiếu niên, những căn phòng lớn nơi họ có thể chơi game, sáng tác nhạc...” Rachel Noorda, đồng tác giả báo cáo của ALA, cho biết. “Thư viện vừa là nơi để một mình, vừa là nơi để xây dựng cộng đồng”.
"Khoe khéo" và phục vụ công việc sáng tạo nội dung
Không dừng lại ở chức năng của một địa điểm giao lưu, thư viện ngày nay còn là nơi để người trẻ thu hút sự chú ý nhờ những video lan truyền mạnh mẽ trên các mạng xã hội với nội dung học bài, làm việc, đọc sách trong môi trường đậm tính tri thức.
Theo đó, thư viện là một nơi để "khoe khéo". Trên TikTok, Earls đăng các video tự quay ghi lại cảnh mình đang học tập, viết nhật ký hoặc đọc sách trước khung cảnh đầy nghệ thuật của thư viện Bryant Park. Các clip thu hút hàng triệu lượt xem. Earls nói: “Tôi nghĩ những người tầm tuổi tôi tìm kiếm những điều chân thực, nguyên bản... Có gì chân thực hơn sách và các tài liệu giấy in?”
Nội dung liên quan đến thư viện đạt hiệu ứng cao trên #booktok - nơi các influencer trẻ chuyên làm về văn học (nhiều người còn đang học trung học) tiếp thị sách bằng cách giới thiệu và bình luận các tác phẩm. Colleen Hoover, tác giả được yêu thích trên #booktok, đứng đầu danh sách bán chạy nhất nhờ hiệu ứng lan truyền. Các cuốn sách khác được đề xuất thường thuộc thể loại truyện lãng mạn-kỳ ảo cho giới trẻ.
TikToker 18 tuổi Marwa Medjahed chuyên các nội dung về đời sống sinh viên năm nhất tại Đại học George Washington cho 115.000 người theo dõi. Cô cho biết: "Rất nhiều người theo dõi tôi thấy các thư viện đẹp mắt, hấp dẫn. Họ cảm giác tôi có hứng thú học tập hơn so với khi ở trong căn phòng ký túc xá ảm đạm với ánh đèn gay gắt".
Dù nhiều người trẻ đọc sách kỹ thuật số hoặc tải ebook lậu, bản sách giấy lại được tôn sùng trên mạng xã hội. Kathi Inman Berens, đồng tác giả của báo cáo ALA, cho biết: "Sách điện tử không phải đạo cụ được ưa chuộng trên TikTok. Cần có sách, giấy in, những gì trực quan". Và tại sao các tiktoker phải mua sách trong khi có thể mượn ở thư viện?
Nguồn Znews: https://znews.vn/gen-z-tai-my-tai-kham-pha-thu-vien-cong-cong-post1457588.html